Những đứa trẻ mất mẹ sau thảm họa chìm đò sông Gianh

,
Chia sẻ

Các con của chị Tuyển vẫn không thể tin rằng mình mãi mãi mất mẹ. Đứa con gái thứ 2 ngày đêm ngồi nơi bậu cửa với hi vọng mẹ sẽ trở về. Nhưng đó vẫn chỉ là hy vọng...

"Mồ côi tội lắm ai ơi!"

 

Chiều muộn, chúng tôi vuợt qua dòng sông lạnh giá để về với bà con xã Quảng Hải. Vẫn còn đó cây đa già rũ rượi bên sông, vẫn còn đó đôi mắt trong veo của những đứa trẻ thơ chiều chiều ra bến sông khản giọng tìm mẹ. Mặc dù, chúng biết mẹ chẳng bao giờ về nữa.

Chúng tôi vào nhà anh Cao Xuân Lâm khi anh đang phải chịu những nỗi đau tột cùng nhất. Từ ngày vợ anh là chị Cao Thi Tuyển mất đi, anh phải ngày đêm đi xin sữa cho đứa con còn nhỏ chưa dứt hơi mẹ. 

Xem ảnh lớn

Xem ảnh lớn
Xem ảnh lớn

Xem ảnh lớn

Từ ngày chị Cao Thi Tuyển mất đi, anh Cao Xuân Lâm phải ngày đêm đi xin sữa cho con. Các con của chị vẫn không thể tin rằng mình mãi mãi mất mẹ. Đứa con gái thứ 2 ngày đêm ngồi nơi bậu cửa với hi vọng mẹ sẽ trở về. (Ảnh: Hoàng Sang)

Các con của chị Tuyển vẫn không thể tin rằng mình mãi mãi mất mẹ. Đứa con gái thứ 2 ngày đêm ngồi nơi bậu cửa với hi vọng mẹ sẽ trở về. Nhưng đó vẫn chỉ là hy vọng...
 

Men theo những con đường rải đầy vàng mã, chúng tôi có mặt tại gia đình anh Lê Văn Thắm - chồng của nạn nhân Cao Thị Oanh. Lúc chúng tôi có mặt, anh Thắm còn phải bồng đứa con út mới hơn 2 tháng tuổi chạy khắp làng để xin sữa. 

Khổ nỗi, đứa bé không chịu bú sữa người lạ và cứ khóc thét lên những khi đói. Những lúc vậy, anh Thắm nước mắt ngắn dài và nói với con: “Bố con mình phận hẩm hiu nên phải chịu cảnh con lìa mẹ, vợ lìa chồng. Phận gà trống nuôi con, bố chẳng biết làm sao cả. Con thương bố và mẹ đừng khóc nữa”. 

Thế nhưng, đứa bé vẫn cứ ngằn ngặt khóc. Cầm vội bình sữa, anh bồng con chạy lòng vòng trong xóm. Bước chân vô tình lại đưa anh và con đi ra nghĩa trang, ngay cạnh phần mộ chị Oanh. Chẳng hiểu tại sao, đứa bé lại im bặt. 

Anh Thắm đau đớn nhìn con và gục đầu trước phần mộ chị Oanh: “Giá như không có buổi sáng định mệnh đó, giá như em nghe lời anh, chờ anh đến chiều cùng đi chợ thì đâu đến nỗi 4 đứa con phải chịu cảnh mồ côi, anh phải chịu cảnh mất em”.  

 

Xem ảnh lớn

Đứa trẻ này cứ sáng sáng lại chạy ra bờ sông chờ mẹ về. (Ảnh: Hoàng Sang)

Ông Lê Văn Xơ - bố của anh Thắm với đôi mắt thâm quầng, xót xa bảo, từ ngày chị Oanh mất, chẳng đêm nào ông và các cháu chợp mắt. Cứ nhắm mắt là lại mường tượng ra hình ảnh chị Oanh đang chới với giữa dòng sông lạnh giá kêu cứu. 

Có những đêm, ông phải uống thuốc an thần, mong tìm một giấc ngủ trọn vẹn. Thế nhưng, vừa chợp mắt thì tiếng khóc của mấy đứa nhỏ lại vọng lên, chúng bảo ông tìm mẹ về cho chúng. Những lúc như vậy, ông chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, ông biết tìm mẹ cho mấy đứa trẻ ở đâu bây giờ? 

Rồi ông gục đầu bên gối và thầm ước nếu thân già này có thể đổi được mạng sống cho chị Oanh thì ông sẵn sàng. Nhưng... Nước mắt ông ướt đẫm.

 

Từ ngày mẹ mất, cháu Lê Thị Nhung - con thứ 3 của chị Oanh thẫn thờ như người mất hồn. Bé lũn cũn, nhưng Nhung đã cảm nhận được phần nào nỗi đau mất mẹ. Hỏi mẹ ở đâu, lúc thì Nhung chạy ra bến sông và nhìn vào những chuyến đò đang cập bến rồi nói: “Mẹ đang đi mua áo mới cho con, bố bảo thế”; lúc thì Nhung chạy ra nghĩa trang và nhìn vào nấm mồ lạnh ngắt: “Mẹ ở dưới này”. Những lúc như vậy, người làng Quảng Hải không ai kìm nổi lòng mình.

 

Lúc tôi đến nhà, Nhung không có mặt. Ông nội Nhung chỉ tay về phía nghĩa trang, giọng đượm buồn: “Có lẽ nó ra ngoài đó. Mấy hôm nay, ngày nào cháu nó cũng chạy ra mồ của mẹ. Trước lúc đi, nó lén lấy một ít hương ra bàn thờ để cắm lên phần mộ”. Nói đoạn, ông dẫn chúng tôi ra nghĩa địa của làng.

 

Xem ảnh lớn

Xem ảnh lớn

Xem ảnh lớn
Xem ảnh lớn
Xem ảnh lớn

Xem ảnh lớn

"Ông nội bảo mạ nằm đây, nhưng con không tin. Con tin là mạ đang đi đâu đó, mạ sẽ trở về với con!". (Ảnh: Hoàng Sang)

Trời nổi gió. Rét tê tái. Nghĩa trang xám ngắt. Nhung chít khăn tang đứng lặng im bên phần mộ chị Oanh. Thi thoảng, Nhung lại chạy đi tìm những bông hoa cúc dại cắm lên phần mộ mẹ. Rồi Nhung sụp xuống bên mộ và khóc: “Bố bảo mạ (mẹ - tiếng địa phương - PV) đang đi chợ, con hỏi ông thì ông bảo mạ đã mất, mạ đang nằm đây. Nhưng con không tin, con vẫn nghĩ là mạ sẽ về với con. Nhưng, mạ ơi, đã qua mấy ngày Tết sao mạ vẫn chưa về. Mạ về với con đi, con không cần áo mới nữa, cũng chẳng cần quà ngày Tết”. 

Giọng Nhung khản đặc trong một buổi chiều tê tái.

 

Rời nghĩa trang, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Cao Minh Tạo. Dường như nỗi đau mất vợ và 2 đứa con đã làm anh gục ngã. Người nhà anh kể lại: Từ khi vợ và con mất, đêm nào anh cũng chạy ra triền sông. Rồi anh gọi tên vợ và 2 đứa con. Nhưng, chẳng ai trả lời. Chỉ có tiếng gió hú và tiếng vọng vào hư không. Sáng, người dân Quảng Hải mới thấy anh đầu tóc rũ rượi đi về từ bến sông.

 

Xem ảnh lớn

Trong phút giây định mệnh, anh Cao Minh Tạo bỗng dưng bị mất cả vợ lẫn con. (Ảnh: Hoàng Sang)

 

Bên di ảnh con dâu và 2 đứa cháu xấu số, ông Cao Minh Tá - bố của anh Tạo - đôi mắt đỏ hoe, nghẹn ngào: “Nó mới đi làm thuê trong Nam về, gom góp ít tiền để làm lại cái nhà cho đỡ dột nát vào ngày mưa lũ, còn nữa thì để lo cho con cái học hành. Vậy mà, chuyến đò oan nghiệt đó đã cướp đi tất cả”.

 

Lớp học vắng bóng em

 

Chỉ sau một buổi sáng định mệnh, 42 người con vùng đất cù lao ven sông Gianh đã nằm xuống. Đau thương và nước mắt bao trùm cả xóm nghèo. 

Còn nhớ, chiều 30 Tết, cả làng Quảng Hải rợp trắng khăn tang. Còn nhớ, những bà mẹ, những đứa trẻ thơ lịm ngất bên thi thể người thân trong nỗi đau tuyệt vọng. Từ nay, trên con đường làng quen thuộc sẽ không bao giờ còn bóng các mẹ, các chị, các em. Và cũng từ đây, trong những lớp học khuất sau luỹ tre làng của Trường Tiểu học Quảng Hải sẽ có những chỗ mãi mãi để trống.

 

Dẫn chúng tôi ra phía cuối lớp học, cô giáo Nguyễn Thị Bích Thuỷ chỉ tay về một chỗ trống, mắt rơm rớm: “Chẳng ai ngờ, chuyến đò định mệnh đã cướp đi cô học trò mà tôi yêu thương nhất – em Cao Thị Huyền. Hoàn cảnh của Huyền đáng thương lắm. Nhà nghèo, bố Huyền phải bỏ đi làm thuê ở miền Nam để em có tiền ăn học, mẹ thì làm quần quật cả ngày cũng chỉ lo cho 2 chị em bữa đói bữa no. Nghèo, nhưng Huyền học rất giỏi. Có lần, thương cha và mẹ vất vả, Huyền định bỏ học. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt đầy nghị lực của em và khuyên: ”Dù khó khăn đến đâu, em cũng phải theo học, cô và các bạn sẽ ở bên em”.

 

Xem ảnh lớn

Từ nay, lớp học 4B Trường Tiểu học Quảng Hải sẽ mãi vắng bóng cô học trò nhỏ Cao Thị Huyền. Lớp học sẽ thiếu đi những điểm 10 đỏ chót. (Ảnh: Hoàng Sang)

 

Nghe tin Huyền mất, cả lớp 4B buồn tênh. Cứ mỗi khi nhìn vào chỗ ngồi của Huyền còn để trống là các bạn cùng lớp lại không kìm nổi nước mắt. Sau buổi học đầu tiên của năm mới, cả lớp ào xuống ven sông, hái những nhành hoa dại thả bồng bềnh trên sông. Các bạn của Huyền kể lại: “Ngày còn sống, Huyền thích nhất là loài hoa cúc dại. Có lần, Huyền thả những cánh hoa cúc xuống dòng sông và nói: Mình ước được như cánh hoa kia, được bồng bềnh trôi trên sông”. Chẳng ai ngờ, lời nguyền kia đã hoá thành sự thật.

 

Những ai đã từng đặt chân đến Quảng Hải vào ngày thảm hoạ 30 Tết, có chứng kiến cảnh những đứa trẻ đôi mắt tròn xoe hỏi người lớn “mẹ con đâu”, có nghe những tiếng khóc của những đứa trẻ mới vừa 2 tháng tuổi vì đói sữa mẹ… mới thấu hiểu nỗi đau mà người dân xã Quảng Hải đang phải gánh chịu.  

 

Chúng tôi trở lại Quảng Hải và cảm nhận tấm lòng của các nhà hảo tâm đang ngày đêm đến với bà con để góp phần nào xoa dịu nỗi đau trong lòng người còn sống. Dẫu biết rằng, vết thương đó sẽ còn rất lâu mới có thể lành sẹo.

Theo VNN

 

Chia sẻ