TPHCM:

Những chiếc 'bẫy giá' lừa phỉnh chị em

,
Chia sẻ

Với kiểu niêm yết giá “nửa vời” ... đồng 1/2 kg nhưng số 1 thì viết to đùng còn số 2 bị “ẻm” đi, nhiều người bán trái cây vỉa hè, xe đẩy đang gây khó chịu cho khách hàng.

Trên đường đi làm về, thấy xe đẩy bán mận (roi) trên đường Lê Quang Định treo biển giá 4.000 đồng/1 kg, chị Hồ Ngọc Lan (ngụ quận Bình Thạnh) liền ghé vào mua. Đến khi tính tiền, chị phải trả gấp đôi 8.000 đồng/kg.
 

Nhìn vào biển niêm yết giá này, khách mua hàng đều nhầm là 4.000 đồng/kg


Chị Lan thắc mắc thì anh bán hàng chỉ vào tấm biển niêm yết giá ngay trước xe của mình, nói tỉnh bơ: “4.000 đồng nửa kg thôi chị. Lấy đâu ra mận 4.000 đồng/kg?”. Nghe vậy, chị Lan mới nhìn kỹ vào tấm biển niêm yết giá thì đúng là “4.000 đồng/1/2 kg” nhưng con số 1 thì to còn số 2 thì “lí nhí”.
 
Đã lỡ chọn nên chị Lan đành trả tiền cho xong mà trong bụng không khỏi ấm ức: “Tính ra đâu có rẻ hơn ở trong chợ nhưng bực nhất là thấy như mình bị lừa vậy”.
 
Hình thức niêm yết giá “nửa vời” này có thể thấy nhan nhản khắp các đường phố, tập trung nhiều nhất ở mặt hàng hoa quả. Thậm chí nhiều khách hàng nhìn đúng tấm biển giá 1/2 kg mà vẫn bị “lừa” vì khi cân đo đong đếm xong, họ vẫn phải thanh toán với giá đắt hơn giá niêm yết.
 
Tại một điểm bán cam sành trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), tấm biển 6.000 đồng nửa kg được ghi khá rõ ràng. Thế nhưng, khi tính tiền lại 18.000 đồng/kg. Ai thắc mắc thì 2 cậu thanh niên bán hàng nhanh nhẩu giải thích: “Cam 12.000 đồng/kg là loại hai, hết rồi, còn đây là cam loại một nên giá cao hơn”.
 
Hỏi vậy sao vẫn treo tấm biển, sao không sửa giá lại thì một trong 2 người bán “bật mí”: “Làm gì có loại cam 12.000 đồng/kg nhưng mình phải treo như vậy mới “câu” được khách. Chứ treo 18.000 đồng, ai thèm vào”.
 
Cô Nguyễn Liên (nhà ở quận Gò Vấp) cho hay, không ít lần cô bị mấy người bán hàng rong nói “mát mẻ”: Hôm trước tôi ghé vào mua ổi, nhìn tấm biển rõ to là 5.000 đồng, cân xong rồi mới hay là 13.000 đồng/kg. Tôi bực quá trả lại, vừa quay đi thì cô bé bán hàng nói ngay sau lưng “Ai biểu ham của rẻ cho lắm vào”.
 
Đầu năm nay, trước tình hình bát nháo giá cả dịch vụ dịp Tết, Sở Tài chính TPHCM đã triển khai thắt chặt quản lý giá và yêu cầu bán hàng phải niêm yết giá. Nhưng với hình thức niêm yết kiểu “đánh đố” như thế này càng làm khó người tiêu dùng.
 
Theo Dân trí
Chia sẻ