Nhốn nháo văn hóa Việt trong lễ hội Nhật

Bè Trầm,
Chia sẻ

Với những la liệt giấy kê ngồi, đĩa thức ăn, đũa, giấy lau,... rơi rải rác, nét vẽ đầu tiên của bức tranh văn hóa Việt bỗng dưng trở nên rời rạc và méo mó.

Như thường lệ, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản năm nay lại được tổ chức ở Trung tâm triển lãm Giảng Võ. Cùng hòa vào dòng người tấp nập đổ xô vào khu vực diễn ra lễ hội, chúng tôi đã ghi nhận được những nét chấm phá đầy nhốn nháo mang những màu sắc từ cũ đến mới của văn hóa người Việt trong khung cảnh nhộn nhịp này.

Văn hóa... xả

Toàn thế giới đâu đâu cũng đang kêu gọi bảo vệ môi trường, có lẽ bởi đây đang là vấn đề nóng của toàn cầu, cho nên chúng tôi cũng thấy đập vào mắt mình đầu tiên là những nét chấm phá về văn hóa môi trường của những người tham gia lễ hội. Đã gọi là một chương trình quy tụ số lượng lớn đối tượng người tham gia, thì hẳn nhiên cái khoản giữ gìn vệ sinh chung bao giờ cũng được Ban tổ chức (BTC) quan tâm, nhưng không phải lúc nào cũng được người dân hưởng ứng. Với những la liệt giấy kê ngồi, đĩa thức ăn, đũa, giấy lau,... rơi rải rác, nét vẽ đầu tiên của bức tranh văn hóa Việt bỗng dưng trở nên rời rạc và méo mó.

 Ban tổ chức thường xuyên kêu gọi người tham gia không xả rác bừa bãi bằng phương thức khá ngộ nghĩnh.



 Nhưng đâu rồi lại vào đấy, dân tình vẫn bỏ ngoài tai, và "hồn nhiên" tiện đâu vứt đấy.

Văn hóa... cùn

Rút kinh nghiệm từ lễ hội của các năm trước, BTC luôn để ý cắt cử người trông chừng, tránh tình trạng người dân vô ý thức ngắt hoa, bẻ cành mang về làm "kỷ niệm". Năm nay, tuy cho đến cuối lễ hội, những cành hoa anh đào vẫn được gắn chặt trên thân cây bằng lăng, nhưng cũng không thiếu những đối tượng bất chấp luật lệ, chui vào trong "vòng bảo vệ" để làm dáng, tác nghiệp, để nhìn cho rõ, và có người thậm chí còn cố sờ thử cho biết hoa nó ra làm sao. Báo chí năm nào cũng đưa, và người tham gia chẳng năm nào rút kinh nghiệm. Họ vẫn cứ "lý sự cùn" để biện giải cho hành động của mình. Thậm chí, có một bác gái tuổi đã tầm "ngoại ngũ tuần", nhưng vẫn "ngang như cua" khi được bảo vệ nhắc nhở nên làm gương cho lớp trẻ, rằng: "Vào tận đây mới xem cho rõ được. Tao già rồi tao cần gì phải làm gương."

Biển báo "không dẫm chân vào thảm", nhưng không dẫm vào chụp không đủ gần thì ảnh không đẹp.

 Sờ thử xem hoa nó thế nào, rụng vài bông thì có làm sao!

Văn hóa... tiện

Người ta khi đã quá mệt, hay tiện chân ngồi bệt xuống đâu đó nghỉ tạm. Những người tham gia lễ hội cũng vậy thôi, dù là thảm cỏ xanh người ta mất bao nhiêu công trồng và chăm sóc, thì khi cần chỗ nghỉ ngơi, họ cứ ngồi cái đã! Dù là ghế sạch để người ta ngồi, nhưng khi cần đứng cao hơn để được thưởng thức chương trình đặc sắc của lễ hội, họ ngại ngần gì đâu mà không dẫm giày dép lên? Có khổ, thì cũng chỉ khổ cho những người phải chịu hậu quả dọn dẹp sau lễ hội, hay người muốn tìm chỗ nghỉ ngơi mà không có hoặc phải cầm lấy chiếc ghế đầy những vết bùn đất mà thôi. 

Nửa nằm nửa ngồi ở lễ hội quốc gia.

Tiện luôn trên bãi cỏ dù có biển cấm ngồi trên cỏ.

Tiện chỗ ngồi biến thành chỗ đứng.

Văn hóa... giữ chỗ

Người Việt Nam chúng ta có những đức tính tốt và đáng tự hào như "lá lành đùm lá rách", luôn giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Nhưng có vẻ như nhiều người đã tiêu cực hóa những hành động đẹp đó thành tư tưởng ích kỷ từ lúc nào mà chính họ cũng không hề hay biết. Trên xe buýt hay ở những chỗ đông người, nhiều người vẫn có thói quen giữ chỗ cho bạn bè hay người thân, dù cho chỗ đó không được đánh số dành cho riêng ai. Đã đành ở trong rạp chiếu phim, hay trên máy bay, tàu hỏa, thì vé số nào ngồi chỗ ấy. Nhưng ở những nơi chẳng ai đánh số ghế, thì việc bạn cấm cản người ta ngồi xuống chỗ trống để nghỉ ngơi trong chốc lát là một hành động thiếu văn hóa và ích kỷ. Chúng tôi ghi nhận được cuộc gọi điện thoại của một cô bé học sinh cho bạn mình như sau: "Mày có ở lại xem chương trình không, thì lên đây đi, còn chỗ đấy, tao giữ chỗ cho". Và cứ có ai lại gần, thì các cô bé chìa bàn tay ra che ghế "có người ngồi rồi chị ạ", dù bạn cô mãi vẫn chưa thấy tăm hơi.

Ghế xung quanh đã chật cứng, chỉ có chiếc ghế này được "giữ" quá kỹ, nên có ai mệt cũng chẳng được ngồi vào dù chỉ là một lúc.

Mà lễ hội thì chen chúc, đông nghịt, không hiếm những cảnh mệt mỏi phờ phạc kiểu thế này:




Nhưng hãy tạm bỏ lại một bên những điều cần suy nghĩ ở trên, cùng ngắm hình ảnh dịu dàng của cánh hoa anh đào Nhật Bản tại Hà Nội nhé! 












Chia sẻ