Nguy cơ ngộ độc từ bánh mì, xôi mặn bán lề đường

,
Chia sẻ

Patê trong bánh mì bị nhiễm khuẩn khiến hơn 200 người tại Bình Thuận bị ngộ độc. Thế nhưng, tại TP HCM món ăn này vẫn được vô tư bày bán ở bên đường, không được kiểm tra chất lượng.

Tại TP HCM, bánh mì, xôi mặn là những món quà sáng phổ biến của người dân. Đặc biệt giới văn phòng thường xuyên "thổi một ống" bánh mì cho bữa điểm tâm, khi không có thời gian đi ăn sáng.

Khảo sát của VnExpress.net, ngoài những thương hiệu lớn có phép kinh doanh, có chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, còn lại món patê đang được các hàng ăn sáng nhỏ lẻ sử dụng cho bánh mì, xôi mặn đều không có bao bì.

Patê thường được quét vào bánh mì và xôi mặn. Ảnh: Thiên Chương.

Giá patê loại không nhãn mác rất vô chừng. Tại chợ Bình Tây, quận 6, trong 5 hiệu tạp hóa thì bán 5 loại patê có giá khác nhau. Thứ rẻ nhất 40 nghìn đồng một kg, loại đắt nhất 150 nghìn đồng. Người mua về bán bánh mì, xôi mặn không biết chúng được sản xuất ở đâu, chế biến từ nguyên liệu gì, mà chủ yếu quan tâm đến giá.

Nếm thử loại rẻ thấy ngay không ngon, nhưng tôi không thể chọn loại đắt vì như thế thì bán bánh mì không còn lãi”, một chủ quầy bánh mì trước cổng trường THCS Bình Tây quận 6 cho biết. Còn theo một người bán xôi trước cổng trường Lý Chính Thắng, huyện Hóc Môn, bà không quan tâm đến patê được làm như thế nào. "Miễn là có vị béo và có mùi như mùi tanh tanh của gan là được", bà này nói.

Chủ hàng tạp hóa ở chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, người đã có nhiều năm bán món patê thừa nhận, "patê chợ", tức loại không nhãn mác bán rất chạy hàng do giá rẻ. Ông cũng chỉ biết mặt người giao hàng chứ không biết cơ sở ở đâu và sản xuất ra sao.

"Vẫn biết món này muốn ngon và đảm bảo vệ sinh thì phải mua loại đóng hộp hoặc sản phẩm của các công ty thực phẩm lớn. Tuy nhiên nếu bán gói xôi hoặc ổ bánh mì với giá 5 nghìn đồng mà dùng patê có thương hiệu hẳn hoi thì không còn lãi", tiểu thương này phân trần.

Theo các chuyên gia ẩm thực, patê được làm từ thịt lợn, gan gà, gan lợn hoặc bò và củ hành. Điều đáng chú ý là do gan có chất đường nên rất dễ nhiễm trùng, quá trình làm phải rất sạch sẽ để tránh tình trạng hư trước thời hạn. Các vật dụng dùng để chứa patê cũng phải được tiệt trùng, nếu không thức ăn này sẽ lập tức bị nhiễm khuẩn.

Trong khi đó, trên thực tế, anh Thanh, một người từng làm công cho cơ sở sản xuất patê không nhãn mác tại TP HCM cho biết, việc khử trùng khử khuẩn hoàn toàn không được thực hiện. "Quy trình sản xuất chỉ là nêm nếm gia vị, xay nhuyễn mọi thứ. Patê thành phẩm được nén thành các khối vuông, quấn trong bao ni lông rồi mang ra chợ bán hoặc giao trực tiếp cho người bán hàng chứ không hề cho vào hộp", anh Thanh miêu tả.

Chị Thủy, nhà ở Bến Tre, người từng làm nghề patê ở Bình Tân còn bật mí, khó để xác định chất lượng của patê vì khi thành phẩm, tất cả đã được xay nhuyễn. Chính vì thế thịt và gan dùng làm món ăn này thường không cần kén chọn loại quá đắt tiền.

Cũng theo chị Thủy, một trong lý do khiến món này kém an toàn là do người mua patê để bán hàng rong luôn muốn những thứ có giá rẻ nhất. "Nếu cứ chi ly chọn từng miếng thịt lá gan tươi thì chắc chắn sẽ không cạnh tranh nổi với những cơ sở khác về giá bán", chị Thủy nói.

Bàn về chất lượng món patê quà sáng vỉa hè, một chủ xe bánh mì trên đường Tùng Thiện Vương, quận 8, quả quyết: "Chỉ ngại nơi sản xuất làm không sạch, chứ tại xe bánh mì của tôi, patê thường được bán hết trong ngày nên khả năng có vi trùng là không thể". Vừa nói, chị này vừa trỏ khối patê không được che đậy để chứng minh, trong khi đồng hồ đã điểm 23h.

Trao đổi với VnExpress.net, kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP HCM thừa nhận, patê là loại thực phẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn, do đó người tiêu dùng cần cẩn trọng khi chọn mua.

"Không có môi trường nào vi khuẩn sinh trưởng nhanh như patê. Trong phòng xét nghiệm, patê được dùng để cấy nuôi vi khuẩn, chính vì thế nếu quá trình chế biến, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, lúc bán để quá lâu, không được che đậy thì vi khuẩn có thể phát triển", ông Hòa nói.

Trả lời câu hỏi, patê hàng rong đã bao giờ được lấy mẫu xét nghiệm chưa, đại diện Sở Y tế cho rằng, việc quản lý hàng rong là của tuyến phường xã. Trên thực tế, chưa có mẫu patê, thịt lợn, chả, đồ chua ở hàng bánh mì, xôi mặn nào được xét nghiệm vi sinh.

Một tuần trước, cùng ăn bánh mì tại một điểm bán ở huyện Bình Bắc, Bình Thuận, hơn 200 người đã nhập viện với cùng triệu chứng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, suy kiệt. Mẫu bánh mì, thịt, chả, đồ chua và patê được lấy mẫu xét nghiệm vi sinh. Kết quả cho thấy, trong patê có chứa một lượng lớn khuẩn tụ cầu vàng chuyên gây ngộ độc. Theo các chuyên gia y tế địa phương, loại vi trùng này có thể xuất hiện trong nguyên liệu, quy trình chế biến hoặc bảo quản thực phẩm.

Theo Thiên Chương

Vnexpress

Chia sẻ