Người mang hình hài tượng phật: Cả đời mang một tiếng đồn

Theo Danviet,
Chia sẻ

Nghe người ta đồn ở làng Văn Cao (Hải Phòng) có vợ chồng người nông dân đẻ ra 2 người con giống hệt... tượng Phật, chúng tôi đã tìm về tận nơi để tìm hiểu thực hư sự tình

“Cuốn” theo lời đồn, trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ về hai đứa trẻ bụ bẫm và phúc hậu như khuôn mặt Phật mà vợ chồng người nông dân ấy cầu tự được. Nhưng khi về làng Văn Cao thì sự thật hình hài đứa trẻ giống Phật không hề giống như tưởng tượng ấy của tôi. Đúng là trăm nghe không bằng một thấy...

Mẹ của Vũ lúc nào cũng nặng trĩu nỗi buồn về con.

Sinh con giống Phật do xoa đầu tượng Phật?

Hơn ba chục năm nay, người dân làng Văn Cao cũng như các vùng lân cận đều biết đến Nguyễn Văn Vũ, tên gọi thường ngày là Ngoác. Từ khi cha sinh mẹ đẻ, Ngoác đã có hình hài quái dị đến phát sợ. Ngoác sinh ra không có tóc, tai to như tai Phật, mắt một mí, ánh mắt sắc đỏ và xếch lên, cả người tấy đỏ và bong vảy nứt nẻ như pho tượng Phật bằng gỗ bị tróc sơn. Nhất là những lúc Vũ ngồi bất động giữa nhà thì người lạ vào nhà chơi nếu yếu bóng vía phải chạy hú hồn.

Từ khi Ngoác ra đời, gia đình ông Nguyễn Văn Lai (sinh năm 1954), bà Nguyễn Thị Bái (sinh năm 1955) chịu tiếng đồn quái ác, rằng đẻ con ra giống tượng Phật. Hơn 30 năm nay, tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa, chẳng ai cấm được miệng lưỡi thế gian, câu chuyện hoang đường mang nhiều màu sắc này lan sang các xã, các huyện lân cận. Giờ đây câu chuyện đồn thổi này cứ hiện hữu và xoáy sâu vào nỗi đau của vợ chồng ông Lai.

Người dân Văn Cao truyền tai nhau rằng ông Lai bị Phật phạt vì ngày bé nghịch ngợm nên mới đẻ ra người con bất hạnh thế này. Ấy là vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, ở làng Văn Cao có một ngôi chùa bỏ hoang, trong chùa chỉ có đúng một pho tượng Phật cũ bị tróc sơn vì mưa nắng. Ngôi chùa hoang là nơi chơi đùa thường ngày của đám trẻ chăn trâu.

Ông Lai khi đó cũng chỉ ở cái tuổi 13, 14 và nổi tiếng nghịch ngợm với những trò không ai tưởng. Một buổi chiều đi chăn trâu và vào chơi trong chùa, cậu bé Lai nghịch hết chỗ nói đã phạm vào sự uy thiêng của Phật. Cậu đã trèo lên xoa đầu tượng Phật trêu đùa: “Đẹp trai nhỉ, giá như mai sau mình đẻ được người con như thế này…”. Thế rồi không hiểu sao người đàn ông ấy đẻ con giống y đúc tượng Phật (!?).

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau

Năm 1976, ông Lai kết hôn với bà Bái và đẻ ra Vũ. Đôi vợ chồng nghèo đau đớn và hoang mang vô cùng khi lần đầu nhìn thấy con chẳng giống ai trên đời. Mặt mũi và da dẻ đứa con cứ ngoác ra nên ông bà gọi là Ngoác. Hai mắt bị mù, Ngoác không thể đi lại được, chỉ nằm với ngồi. Cơm cháo bố mẹ phải đút. Điều tiếng làng trên xóm dưới thi nhau đồn về thằng Ngoác, ai cũng tò mò đến xem, những người yếu bóng vía thì run rẩy, gặp một lần là không dám gặp lần hai. Mỗi lần thế, bà Bái chỉ biết ôm con mà khóc thương cho phận mình…

Dường như nỗi đau càng nối tiếp nỗi đau và càng làm cho lời bàn tán đẻ con giống tượng Phật vang khắp vùng khi năm 1982, ông bà sinh tiếp người con gái tên Lê. Chẳng khác gì người anh trai, mặt mày, da dẻ của Lê cũng đỏ lửng và tróc vảy. Lê ra đời chưa được bao lâu thì qua đời, còn thằng Ngoác nhận được cái lắc đầu của bác sĩ Bệnh viện Nhi Hải Phòng: “Cháu bị mắc thiểu năng trí tuệ và tắc tuyến mồ hôi do bẩm sinh. Cứ đưa cháu về, cháu không qua khỏi được vài tháng”. Thế nhưng, Ngoác đã sống được hơn 30 năm nay.

Vợ chồng ông Lai đi khắp nơi chạy chữa thuốc thang cho con rồi đi cúng bái trời, phật khắp các cửa chùa. Người ta chỉ ở đâu linh là ông bà lại tìm đến cầu khẩn và nghe lời hai bà nội, ngoại “bán” con lên chùa. Nhưng với ông đấy chỉ là những biện pháp để giải tỏa tâm lý, phần nào xoa dịu nỗi đau của người vợ và đàm tiếu của thiên hạ.

Và có lẽ lời cầu khẩn thành tâm của vợ chồng ông Lai được trời xanh thấu hiểu nên may thay 3 người con sau của ông bà lành lặn, bình thường như bao đứa trẻ khác. Đó cũng là niềm hy vọng vô ngần của vợ chồng người nông dân nghèo ấy.

Ngồi bên người con giống tượng Phật cũ, ông Lai giọng trầm hẳn: “Buồn lắm, từ khi sinh con ra không lành lặn nên mọi người sinh chuyện tôi bị Phật phạt. Nhưng thực tình đâu phải thế, tôi được giáo dục, được tuyển chọn nhập ngũ, tôi biết đâu là phải, trái. Ngày bé, trẻ con chơi đùa vào chùa xin quả chuối, nắm xôi là chuyện thường, nhưng tôi chưa bao giờ dám thất lễ với Phật”.

Ông Lai cố lạc quan để làm chỗ dựa cho vợ và con.

Lời đồn từ người bán đồng nát

Bố con ông Lai đang ngồi trò chuyện với tôi thì Trưởng thôn Văn Cao - ông Nguyễn Trường Sơn đến thăm. Cởi lòng cảm thông với hoàn cảnh éo le của người hàng xóm, ông Sơn cho biết: “Ở làng này, trẻ con nào chẳng nghịch ngợm, nhưng lời đồn đoán về ông Lai là không có thật. Năm 2010 và những năm trước, ông Lai đã đi khám, kết luận bị nhiễm phóng xạ thời đi bộ đội, nhưng vì đóng quân ở Hải Phòng, không từ vĩ tuyến 17 vào nên không được làm chế độ nhiễm chất độc”. Gia đình ông Lai trước kia ở trong ngôi nhà đất, phải vay nợ liên miên, nợ mới đè nợ cũ dần lên đến 160 triệu đồng tiền nợ. May vừa rồi có Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi qua, đất có giá, ông bà phải bán đi mảnh đất mới có tiền trả nợ và xây được ngôi nhà mới. Trước kia, dân làng còn xa lánh, nhưng rồi họ cũng cảm thông, xót xa với hoàn cảnh của ông bà.

Về lời đồn bị Phật phạt nên đẻ con giống tượng Phật bay xa, theo ông Nguyễn Trường Sơn, là bởi những người bán hàng đồng nát, bán hàng kem, bán hàng khô… đi qua rồi gặp con ông mà phát hoảng rồi cứ thế thêu dệt ly kỳ thêm. Ông Sơn kể, trước có chị đồng nát vào mua đồ gặp mỗi thằng Vũ ở nhà, hoảng quá chị ta vứt cả quang gánh bỏ chạy. Trẻ con trong làng mới đầu thấy sợ lắm, nhưng sau chúng cũng quen và sang chơi với thằng Vũ, rồi bóc vảy da cho thằng Vũ.

Ngồi trong căn nhà 3 gian ngói đỏ au vừa mới xây, tôi không tưởng tượng được rằng cũng trên nền đất cuối làng này chỉ mới năm ngoái thôi vẫn còn mái nhà tranh trát đất, lụp xụp. Và ẩn sâu trong nỗi nghèo khổ ấy là chất chứa nỗi đau thầm lặng về những lời đồn đoán. Có lẽ vì vậy mà lúc nào, ánh mắt của vợ chồng ông bà Lai cũng chực chờ nỗi buồn sâu thẳm.

Đau đáu nỗi lo

Trong cuộc trò chuyện, ông Lai kể ông là lính Sư đoàn 363, Trung đoàn 238, Tiểu đoàn 83, đơn vị tên lửa bảo vệ thành phố Hải Phòng từ năm 1975 đến năm 1979. Ông bảo có lẽ thời gian đó ông bị nhiễm chất phóng xạ nên mới thế này. Trước đó, chính tay ông bà đã cầm kết luận ông bị nhiễm xạ do Bệnh viện Việt - Tiệp cấp, nhưng thời đó không có hòm tủ đựng, con cái lấy gấp máy bay nghịch ngợm nên mất từ bao giờ cũng chẳng hay.

Bà Bái bộc bạch: “Mình sinh nó ra rồi thì phải dưỡng, nghe dị nghị nhiều lúc tôi ứa nước mắt vì tủi thân. Ngày bé còn nhìn lờ mờ được, nó đạp xe ra đường, bọn trẻ con trông thấy chạy tán loạn. Từ đấy nó buồn chỉ thu lu ở trong nhà. Hiện tại 3 đứa em thằng Vũ, một đứa đã lấy chồng, hai đứa còn lại đang học đại học, vợ chồng tôi phải cố sức vay mượn để lo cho chúng thành người. Được cái thằng Vũ không bị ngớ ngẩn”.

Quả thực, trái hẳn với hình dáng kỳ dị của mình, Vũ có giọng nói rất khỏe và dõng dạc như một người bình thường. Mặc dù hai mắt không nhìn thấy gì, nhưng Vũ bấm điện thoại rất giỏi, nhớ như in vị trí từng con số trên bàn phím khi Vũ bấm số máy điện thoại của tôi. Vũ bảo mọi sinh hoạt của Vũ đều phải nhờ bố mẹ. Da thịt Vũ lúc nào cũng bong tróc và khô cứng lại.

Mỗi sáng thức dậy, Vũ phải ngồi một lúc lâu mới cử động lại được, hai mắt phải nhỏ thuốc cho mềm ra mới thoáng nhìn được vài tia sáng lờ mờ. Vũ chỉ đi lại được vài bước trong nhà vì đi lâu hai bàn chân bong tróc và nứt toác ra, đau đến thấu xương. Nỗi đau ấy có lẽ chẳng thể dịu nhẹ được bởi mùa đông buốt giá đang về, cái khô hanh của tiết trời sẽ làm cho Vũ tê tái hơn. Nỗi đau ấy, Vũ đã chịu đựng hơn 30 năm nay và giờ phải đối mặt tiếp trên đường đời không may còn lại của mình…
Trước khi tôi ra về, ông Lai thoáng buồn bảo: “Hiện thằng Vũ được hưởng chế độ 202 dành cho người tàn tật với hơn 360.000 đồng/tháng. Nhưng giá như nó được hưởng chế độ di chứng chất độc da cam thì sau này vợ chồng tôi già yếu, các em mỗi đứa một gia đình riêng, thằng Vũ có chỗ mà nương tựa…”.
Chia sẻ