Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch

Trang Trần - Chí Toàn,
Chia sẻ

Mối lo về thực phẩm không đảm bảo vệ sinh khiến nhiều người Hà Nội tự nuôi gà, nuôi lợn chuẩn bị cho một cái Tết “sạch”.

Chăn nuôi “đặc sản”, đệ nhất kỳ công!

Không cần chạy đôn chạy đáo cả trăm km, đỏ mắt tìm hàng “mang từ quê lên”, nhiều người dân ven đô vẫn có nguồn thịt sạch của riêng mình. Họ không phải là nông dân chính hiệu nhưng vẫn nuôi lợn, thả gà để… tự cung tự cấp cho gia đình mình.

Ở các quận nội thành, người dân muốn nuôi gà thì phải mang ra vỉa hè hoặc gác thượng, nhốt thật kỹ chúng trong chuồng, lợn thì không bao giờ dám mơ. Còn với người ven đô, họ may mắn có quỹ đất rộng rãi, thoáng mát, tha hồ thả lợn, thả gả chạy rông. Đặc biệt hơn, con giống mà họ lựa chọn nuôi thường là giống cao sản hoặc đặc sản ở các vùng xa chuyển về.

Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch 1
Bà Nguyễn Thị Hiền vui vẻ khoe cây bưởi Diễn tự trồng

Là chủ một xưởng mộc và có cơ ngơi khang trang nằm ngay mặt đường, rộng cả nghìn mét vuông, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng và bà Nguyễn Thị Hiền (Ngọc Trục, Đại Mỗ, Từ Liêm) dành ra một phần sân vườn để chăn nuôi. Ông Thắng cho biết, trước đây gia đình ông vẫn mua thịt gà, thịt lợn ở chợ nhưng mấy năm gần đây, thấy thực phẩm “bẩn”, nhiễm độc tràn lan, ông bà bắt đầu tự nuôi vài chục con gà ta để dành ăn dần.  

Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch 2
Đàn gà sạch này là niềm tự hào của gia đình bà Hiền

Cách đây gần hai năm, con trai ông bà đi công tác Tây Nguyên, mê mẩn lợn rừng nên mua về ba con làm giống. “Một con lợn đực và hai con lợn cái lúc bắt về còn nhỏ, mỗi con chỉ chừng 20kg, vậy mà đã mấy triệu rồi đấy. Đón “bọn nó” cầu kỳ lắm, phải có xe riêng chở từ Buôn Mê Thuột về, còn có “giấy khai sinh”, chứng nhận kiểm dịch, có mã số theo dõi nữa.” – bà Hiền kể.

Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch 3
Đàn lợn Tây Nguyên đã thích nghi và sinh sản được nơi đất Bắc lạnh giá

Bà khoe, từ hồi nuôi lợn rừng, bà phải đi học hỏi kỹ thuật để biết cách chăm sóc. “Mất gần hai năm để thuần dưỡng và gây giống, hai con lợn nái của tôi đã đẻ được một lứa. Lợn rừng đẻ ít lắm, chỉ được 5 con/lứa thôi. Tôi nuôi rất kỹ, hoàn toàn không cho ăn cám công nghiệp hay nước rác (hỗn hợp thực phẩm thừa) mà chỉ cho ăn sắn tươi, cơm và rau xanh. Bọn chúng lớn chậm lắm, nuôi 4, 5 tháng mà vẫn còm nhom, không mũm mĩm như lợn thường, nuôi cả năm mới xuất chuồng được.

Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch 4
Anh Hùng, một người hàng xóm, đang cho lợn ăn. Đã từ lâu, đàn lợn rừng nhà ông Thắng và bà Hiền là niềm vui chung của cả xóm

Cười cười, bà nói tiếp: “Bọn này rất dữ, có hôm tôi cho ăn, chúng còn lao ra ngoạm cả tay, ngoạm gấu quần. Khi trước tôi thả rông, chúng đi lăng quăng tận vào trong làng, bị lạc mất mấy con, có lúc bị bọn chó đuổi theo cắn. Nuôi mãi mới được lớn lớn, mất thì tiếc, tôi đành nhốt chúng trong chuồng vậy.”

Cũng mê mệt đặc sản núi rừng nên anh Nguyễn Gia Mạnh quyết “săn” bằng được mấy chú lợn Mán (lợn cắp nách). Công việc bận rộn, nhưng anh vẫn tranh thủ thời gian để chăm sóc mấy chú lợn và gà ta nuôi ở khoảng đất nhỏ cạnh nhà. Anh Mạnh cho hay, từ đầu năm, sau lần lên Sơn La chơi, anh bắt đầu nuôi lợn Mán.

Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch 5
Hai chú lợn Mán này là "của để dành" để gia đình anh Mạnh ăn Tết

Chưa từng có kinh nghiệm chăn nuôi nên trước khi mua lợn về nhà nuôi, anh cũng phải học bà con địa phương kỹ lưỡng cách chăm sóc, cho ăn, thậm chí cả đặc điểm tính cách của chúng nữa. Anh khoe lợn nhà mình rất hiền, không quậy phá gì và rất dễ nuôi, chỉ ăn cơm với rau xanh.

Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch 6
Trông thon thả vậy nhưng trọng lượng của "em" lợn này cũng xấp xỉ nửa tạ

Mấy chú lợn mập hơn đã được anh thịt trước đó, cả đàn giờ chỉ còn hai con. Khi mới được “xách tay” mang về, hai chú lợn này chỉ 5 kg, giờ đã được hơn 40 kg, chỉ chờ đến Tết là “lên thớt”. “Hồi tôi mua về, mỗi con lợn này đã trị giá cả triệu bạc. Công sức bỏ ra chăm sóc, cho chúng ăn hằng ngày, canh chừng chúng khỏi bị gió lạnh, ốm đau… mới là đắt. Gia đình tôi đang rất háo hức chờ đến Tết để thưởng thức. Cũng có người đến đặt vấn đề “đụng” (chia tiền để mổ chung lợn – PV), nhưng tôi chỉ nuôi cho nhà ăn thôi, không bán cho ai hết” – anh Mạnh quả quyết. 

Ông Nguyễn Văn Chí (Đại Mỗ, Từ Liêm) cũng là một trong số ít người nuôi gà “bảo thủ”. Nhìn bầy gà gô và gà ta chạy rông khắp vườn của ông, nhiều hàng xóm mê mệt, hỏi mua nhưng ông kiên quyết không chịu bán.

Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch 7
Ngoài thời gian đi làm, niềm vui của ông Chí là chăm sóc đàn gà
 

Ông tâm sự: “Tôi nuôi 7, 8 tháng mới được một lứa gà. Mua giống đã là 60.000 đồng/con loại gà thường, còn gà gô thì 140.000/con. Đến tối, gà ngủ trên cây, người ngủ trên chòi để canh. Phải để ý không để gà bị muỗi đốt, bị ốm. Mấy hôm rét, tôi chỉ sợ gà rù thì mất toi Tết. Nuôi được ít, lại cầu kỳ, chỉ cho ăn thóc và cơm nên tôi không bán cho ai hết, chỉ để dành ăn Tết thôi.

Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch 8
Những chú gà ngày càng béo mượt...

Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch 9
... nhờ bàn tay của người chủ tận tâm

Chỉ dùng hàng nhà, tránh xa hàng chợ

Nhiều người chia sẻ, từ ngày biết cách nuôi lợn rừng, lợn cắp nách, gà đồi, họ không tha thiết với thực phẩm ngoài chợ nữa.

Bà Nguyễn Thị Hiền vui vẻ cho biết, từ ngày nuôi được lợn rừng, nhà bà hoàn toàn không phải mua thịt lợn ngoài chợ nữa. Bà khoe: “Được ăn thịt lợn tự mình nuôi rất sướng, tuy vất vả nhưng vừa sạch vừa ngon. Thịt rất nạc, gần như không có chút mỡ nào. Ngon nhất là nội tạng và bì, vừa giòn vừa chắc.”

Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch 10
"Bí kíp" để có thịt lợn rừng ăn dài dài là hai chiếc tủ lạnh

Sau khi cắt tiết phải cạo lông, dùng rơm thui vàng bên ngoài rồi chặt ra từng miếng nhỏ, chia xương và thịt riêng. Nhà tôi không rửa nước mà gói từng phần vào giấy báo, bỏ trong ngăn đá tủ lạnh ăn dần. Mỗi lần mổ lợn, nhà tôi ăn cả tháng vẫn chưa hết, rã đông rồi chế biến như bình thường, thịt vẫn không bị nhạt tí nào. Bình thường, thịt lợn mua ở chợ chỉ để một tuần trong ngăn đá là ăn chán lắm rồi!

Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch 11
Bà Hiền khoe món giò lợn rừng độc nhất vô nhị

Bà hào hứng nói tiếp: “Đến gần ngày ông Công ông Táo, nhà tôi sẽ thịt một chú lợn nữa để ăn Tết. Thịt lợn rừng mà đem làm giò xào, gói bánh chưng, kho tàu thì tuyệt ngon, làm đồ nhắm cũng miễn chê”.

Anh Nguyễn Hữu Tiệp (Phù Lãm, Hà Đông) cũng hào hứng chờ đến Tết để làm thịt chú lợn cắp nách anh nuôi từ đầu năm. “Thịt lợn cắp nách vốn đã ngon, đậm đà, nay được nuôi cẩn thận và chăm sóc tốt nên lại càng ngon hơn. Tiếc là nhà chật quá, tôi chỉ nuôi được một con, phải để dành đến Tết mới dám ăn. Năm sau, tôi sẽ mua thêm vài “chú” nữa về nuôi, túc tắc ăn cả năm cho thích.”  
  
Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch 12
Lợn Mán, gà đồi chia sẻ "giang sơn"

Vừa ngắm đàn gà, ông Nguyễn Văn Chí vừa nói với vẻ tự hào: “Gà nhà tôi rất ngon, da giòn, chắc thịt, nhất là các bó cơ đùi cứ xoắn chặt vào nhau, ăn chẳng khác gì gà rừng. Riêng hai con gà gô cũng được 5 – 6 kg/con rồi, Tết này tôi sẽ làm giò, và chế biến các món nhậu.

Ông cũng thả xuống ao ít cá trê, cá chép để đến Tết làm đồ nhắm, làm lẩu, vì theo ông, cá trê nuôi bằng cỏ, ngon chẳng kém cá chình.
 
Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch 13
Gà Tây, gà ta "chung sống hòa bình"

Ông tiếp lời: “Bây giờ ai cũng bận, làm gì có thời gian, nhà cửa thì chật chội, khó nuôi gà cầu kỳ thế này lắm. Thịt lợn thì không nói, chứ thịt gà nhà tôi không bao giờ mua ngoài. Kể cả gà thả vườn người ta cũng cho ăn cám công nghiệp hết. Có mấy người quen về nhà tôi gạ mua, nhưng bán đi thì tiếc lắm, mà cũng chẳng biết tính giá thế nào. Thế nên tôi chỉ nuôi để ăn và biếu họ hàng thôi.

Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch 14
Gà sạch tự nuôi...

Người Hà Nội thành nông dân vì... thực phẩm sạch 15
... cá thả ao nhà là niềm mơ ước của nhiều người dân Hà Nội

Những “nông dân” Thủ đô này cho hay, không chỉ người sống ở nội đô mới đau đầu tìm thực phẩm sạch. Ngay cả ở những quận, huyện vùng ven như Hà Đông, Từ Liêm, Thanh Trì…, không phải ai cũng có không gian, thời gian và kiên nhẫn để nuôi gà, nuôi lợn sạch theo quy trình mà họ đang áp dụng.
Chia sẻ