Người 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn qua những khuôn hình ấn tượng

Lê Minh ,
Chia sẻ

Bền bỉ thực hiện một công trình nhiếp ảnh dài 20 năm, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng được xem như là người gìn giữ ký ức Sài Gòn...

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_1
Chân dung nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn - Nguyễn Thanh Tùng

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng

Công việc: 15 năm kinh nghiệm về nhiếp ảnh chuyên nghiệp 10 năm làm phóng viên ảnh cho nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Anh hiện là CEO và đồng sáng lập trang web vnphoto.net, một trang web về nhiếp ảnh, bên cạnh công ty riêng về lĩnh vực hình ảnh.

Dự án nhiếp ảnh: Triễn lãm ảnh cá nhân "Chào Sài Gòn" (Tháng 3/2015), Chào Tây Bắc (2013).

“Chào Sài Gòn”

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng sinh ra ở Sài Gòn vào đúng thời điểm đất nước thống nhất hai miền Nam Bắc, nhưng anh về quê ngoại ở Rạch Giá, Kiên Giang sinh sống cho đến năm 18 tuổi mới quay lại thành phố. Học ngành Công nghệ thông tin nhưng đam mê nhiếp ảnh từ thời học phổ thông và đến năm thứ hai đại học, anh đã cộng tác viên ảnh cho nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Đến khi ra trường, anh chính thức về làm phóng viên ảnh của tờ báo.

Sau 15 năm công tác tại nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, có khá nhiều thành tích trong nghề nghiệp, nhiếp ảnh gia Thanh Tùng muốn dành thời gian cho gia đình nhiều hơn nên đã quyết định dừng làm báo và chuyển sang chụp ảnh tự do vào khoảng đầu năm 2010. Cũng trong thời gian này, anh bắt đầu chuyên tâm sáng tác ảnh và có những dự án ảnh lớn. Năm 2013, anh cho ra đời triễn lãm ảnh “Chào Tây Bắc” giới thiệu 28 tác phẩm chụp tại Hà Giang và các tỉnh Tây Bắc là nơi sinh sống của các dân tộc Dao đỏ, Thái, H'Mông, Tày ... mang lại cho người xem 28 câu chuyện về phong cảnh, phong tục và đời sống của người dân vùng cao. “Chào Sài Gòn” là triễn lãm ảnh thứ hai trong chuỗi dự án ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng.

"Chào Sài Gòn" là chuỗi câu chuyện bằng hình ảnh được xây dựng xuyên suốt trong một công trình nhiếp ảnh kéo dài 20 năm. Chọn thời điểm triễn lãm vào đúng năm 2015 nhân dịp kỷ niệm Sài Gòn 40 năm sau giải phóng như một lời cảm ơn của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng đối với mảnh đất đã cho anh nhiều cơ hội để phát triển và sống với niềm đam mê chụp ảnh.

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_2

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng cùng bạn bè tại triển lãm ảnh “Chào Sài Gòn

“Sài Gòn xưa đẹp nhưng Sài Gòn nay cũng là ký ức Sài Gòn đẹp ngày mai”

Chào nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng, anh chụp những bức ảnh đầu tiên về Sài Gòn là từ lúc nào và từ khi nào anh có ý tưởng mở triễn lãm ảnh “Chào Sài Gòn”

Những bức ảnh đầu tiên tôi chụp về Sài Gòn là năm 1995, cách đây đúng 20 năm. Thời điểm ấy trong đầu tôi đã ấp ủ một ngày nào đó sẽ mở một triển lãm ảnh về Sài Gòn. Cứ nghĩ vậy thôi, rồi hàng ngày hàng ngày, trong thời gian đi làm báo, tôi đều tranh thủ chụp ảnh về chủ đề này. Đến năm 2015 tôi nhận thấy đây là thời điểm thích hợp nhất để tổ chức triễn lãm ảnh cá nhân, như một cơ hội để tôi giới thiệu cho mọi người một công trình làm việc suốt 20 năm và cũng để chào mừng Sài Gòn 40 năm sau giải phóng.

Chụp ảnh Sài Gòn đã 20 năm, từ những năm 1995 đến nay, anh nhận thấy đời sống ở Sài Gòn có những thay đổi gì rõ nét nhất?

Thay đối lớn nhất là giao thông. Có hai bức ảnh rất đối lập nhau trong bộ ảnh “Chào Sài Gòn” là bức ảnh phà Thủ Thiêm và hầm Thủ Thiêm. Trước đây những người dân sống ở khu vực quận 2 muốn vào khu vực trung tâm thì phải qua phà Thủ Thiêm, rất mất thời gian và không thuận lợi. Còn giờ đây, sau khi có hầm Thủ Thiêm thì việc giao thông qua lại hai bên sông Sài Gòn nhanh chóng hơn rất nhiều.

Sự thay đổi về con người cũng rất lớn. Trước đây, bữa ăn của người Sài Gòn phần lớn diễn ra trong gia đình, lâu lâu dịp cuối tuần họ mới kéo nhau ra ngoài ăn. Còn hiện tại, Sài Gòn có dân số trẻ đông, sinh hoạt gia đình cũng thay đổi khác trước, người Sài Gòn giờ ăn uống bên ngoài nhiều hơn, bớt thời gian nấu nướng vì nhịp sống hiện đại bận rộn và nhiều áp lực hơn trước. Những cửa hàng McDonald, KFC, pizza… mọc lên khắp nơi thể hiện sự thay đổi lối sống phù hợp thời hội nhập với thế giới. Khi tôi sang Singapore, 90% người dân ở đó ăn uống ở bên ngoài, trong các cửa hàng dịch vụ ăn uống, họ ít khi nấu nướng ở nhà mà dành thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi cùng con cái, bạn bè và tái tạo sức lao động. Tất nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có nhiều gia đình Sài Gòn giữ được lối sinh hoạt truyền thống, buổi trưa họ có thể đi ăn ở ngoài nhưng tối về họ lại sum họp gia đình vào bữa ăn tối vì bữa cơm gia đình rất quan trọng đối với người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.

20 năm trước thì sự hội nhập với thế giới của Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng vẫn còn hạn chế. Còn thời điểm này, bạn biết đấy, gần như thế giới có gì là ngay lập tức sẽ có tại Việt Nam. Từ thời trang, đến các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin đều được cập nhật rất nhanh. 20 năm trước đây, ít người Sài Gòn mặc những thương hiệu cao cấp của thế giới, còn bây giờ thì Sài Gòn được xem là nơi sành điệu thời trang nhất nước.

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_29

Trước đây, việc qua lại giữa hai bờ sông Sài Gòn chỉ có duy nhất một phương tiện đó là phà. Bến phà ThủThiêm được chụp vào ngày 19.10.2004 trước khi bến phà được đóng cửa để thay thế bằng việc xây dựng đường hầm Thủ Thiêm hiện đại.

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_31

Hầm Thủ Thiêm, bước khởi đầu cho sự phát triển vượt bậc vềcơ sở hạ tầng cho Tp.HCM, nối hai bờ sông Sài Gòn, là cầu nối cho sự phát triển của một trung tâm hành chính mới của thành phố những năm sắp tới. Ảnh chụp ngày 11.3.2015

20 năm qua ống kính nhiếp ảnh của anh, có hình ảnh nào thực tế đã biến mất và chỉ còn là ký ức Sài Gòn?

Rất nhiều hình ảnh ở Sài Gòn giờ đây không còn nữa, nhất là về cơ sở hạ tầng và xây dựng. Tôi có chụp một bức ảnh về khu tứ giác Eden, giờ đây, khu vực ấy đã thay đổi rất nhiều, chung cư Eden, một địa điểm nổi tiếng ở Sài Gòn, đã nhường chỗ cho tòa nhà Vincom Center. Phà Thủ Thiêm, gắn liền với ký ức Sài Gòn ở khu vực đó, nơi có cả tuổi thơ và cuộc sống hàng ngày của họ, cũng đã không còn nữa, nhường chỗ cho hầm Thủ Thiêm. Theo tôi, hầm Thủ Thiêm là một sự thay đổi rất đột phá và rất hữu ích cho thành phố.

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_4

Eden, Thương xá Tax là nơi gắn bó nhiều kỷ niệm với mọi tầng lớp người Sài Gòn. Với kiến trúc kiểu Pháp cổ kính trang trọng, khu vực này góp phần làm nên danh hiệu “Hòn Ngọc Viễn Đông” trong mắt người nước ngoài. Ảnh chụp ngày 27.3.2003.

Trong những bức ảnh anh chụp Sài Gòn những năm thập niên 90, anh thích nhất bức ảnh nào?

Đó là bức ảnh xe lam trong bến xe quận 6 tôi chụp năm 1995. Xe lam là phương tiện công cộng xuất hiện khá nhiều ở Sài Gòn ở thập niên 90. Tôi chụp bức ảnh một tài xế xe lam đang ngồi đọc sách vào buổi trưa. Bức ảnh ấy cho tôi rất nhiều cảm xúc. Sài Gòn tất bật, hối hả là thế, người Sài Gòn vất vả lo toan việc mưu sinh nhưng đâu đó họ vẫn có những giây phút yên bình và riêng tư thế này. Cuộc sống người dân thời điểm ấy vẫn còn khó khăn lắm, nhưng khuôn mặt tươi cười của anh tài xế xe lam khi đang đọc quyển sách thể hiện một tinh thần lạc quan, mà theo tôi là đặc điểm chung của người Sài Gòn cả xưa và nay.

Một bức ảnh khác cũng cho tôi rất nhiều cảm xúc, đó là bức ảnh ở bến xe Chợ Lớn, chụp một chiếc xe khách chở đầy gà vịt từ miền Tây về Sài Gòn và đang thời điểm xuống khách ở bến đỗ. Đó là bức ảnh khá thời sự, thời xưa gà vịt có thể đi chung với người trên những chuyến xe đường dài, còn bây giờ gà vịt đã được chuyên chở trên các chuyến xe riêng.

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_39

Ảnh chụp năm 1995 bằng film 135mm trắng đen với hình ảnh anh tài xế ngồi đọc sách thư giãn sau giờ làm việc. Xe lam giờ còn rất ít trên đường phố Sài Gòn.

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_38

Ảnh chụp năm 1999 bằng film màu 135mm, cách đây 16 năm tại bến xe Chợ Lớn khi các chuyến xe đò chở khách và gia súc từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn.

Với cảm nhận của một nhiếp ảnh gia, anh thích chụp Sài Gòn thời điểm nào hơn: xưa hay nay?

Những năm 90, ảnh về Sài Gòn nhìn cổ kính hơn, mộc mạc và bình dị hơn so với hình ảnh Sài Gòn thời hiện tại. Thường người ta thích chụp những gì thiên về ký ức và tôi cũng vậy. Ký ức thường gắn liền với tuổi thơ nên người ta nhớ về tuổi thơ, nhớ về kỷ niệm là điều dễ hiểu. Thế nhưng, hình ảnh hiện tại không phải là không đẹp, vì 20 năm sau những hình ảnh hiện tại cũng sẽ là ký ức, và lúc đó mọi người cũng sẽ nhớ về thời điểm này với những kỷ niệm đẹp. Điều gì đó mất đi ai cũng tiếc, nhưng quan trọng là chúng ta phải biết gìn giữ, tôn trọng những thứ mất đi thế nào. Và với tôi, chụp ảnh là một trong những cách tôi giữ gìn vẻ đẹp của Sài Gòn.

Người Sài Gòn sống nghị lực và lạc quan”

Chủ đề yêu thích trong các bức ảnh về đề tài Sài Gòn của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng là gì?

Tôi thích chụp người Sài Gòn. Nội dung trong bộ ảnh “Chào Sài Gòn” thường nghiêng về cuộc sống đời thường nhiều hơn. Người Sài Gòn trong ảnh của tôi thường có cuộc sống lam lũ, vất vả nhưng họ lao động hết mình và đặc biệt là có thái độ sống rất lạc quan. Họ luôn tin rằng nếu làm việc chăm chỉ, trong tương lai họ sẽ có một thành quả tương xứng.

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_37

Ảnh được chụp trên đường Khánh Hội, quận 4 ngày 14.7.2012. Một bộ phận lớn người dân lao động ở thành phố còn vất vả mưu sinh với gánh hàng rong. Họ phải di chuyển nhiều đến các điểm bán bằng một chiếc xe máy với đôi quang gánh phía sau.

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_16

Sài Gòn được bao bọc bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt. Chính vì thế mà cuộc sống trên bến dưới thuyền đã trở nên quen thuộc. Đặc biệt trong những ngày cận tết, những hoạt động buôn bán tấp nập của cư dân làm cho những chiếc ghe này trở nên sống động, lung linh hơn. Ảnh chụp vào một buổi tối ngày 18.01.2012 tại khu vực bến Bình Đông, quận 8.

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_11

Ảnh chụp tại phòng dưỡng nhi ngày 17.8.2007. Bệnh viện Từ Dũ là nơi ra đời của rất nhiều thế hệ công dân thành phố Hồ Chí Minh. 

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_35

Hình ảnh được chụp tại bùng binh công trường Dân Chủ sáng 7.4.2008. Là thành phố lớn và quan trọng của cảnước, Sài Gòn là nơi đông dân cư, với nhịp sống cực kì sôi động. Hình ảnh buổi sáng ở Sài Gòn với dòng người hối hả, tất bật vào cuộc mưu sinh đã trở nên quen thuộc. Khoảnh khắc ba cha con cùng nhau đi học, đi làm vừa quen thuộc, thân thương, vừa cho thấy một Sài Gòn năng động và hối hả.

Một thắc mắc rất lớn, vì sao anh lại chọn thể loại trắng đen để chụp Sài Gòn trong dự án ảnh này?

“Chào Sài Gòn” là một câu chuyện xuyên suốt trong 20 năm. Tôi muốn rằng bức ảnh đầu tiên là hình trắng đen thì bức ảnh cuối cùng cũng là hình trắng đen, cách thể hiện phải xuyên suốt, mạch lạc. Đúng là khi chọn thể loại trắng đen để thực hiện bộ ảnh này là điều cực kỳ khó và tôi cũng tự đưa mình vào một thử thách không dễ.

Thế nhưng, tôi muốn chụp bộ ảnh trắng đen để người xem cảm nhận rằng công trình chụp ảnh 20 năm của tôi là một quá trình mạch lạc và không bị thay đổi theo xu hướng, công nghệ hay thời cuộc. Thông qua thể loại ảnh đen trắng, tôi muốn cho người xem cảm nhận một Sài Gòn mộc mạc, bình dị, chân thật giống như tính cách của người Nam Bộ vậy.

Và có một thực tế rằng, sự lung linh, sang trọng của Sài Gòn hiện đại vẫn thể hiện được trong ảnh trắng đen. Hình trắng đen có 10 thang sắc độ từ trắng nhất đến đen nhất và ở giữa là sắc độ xám. Ví dụ trong bức ảnh Sài Gòn đêm hiện đại, bạn sẽ thấy sắc độ trắng xám nhiều hơn sắc độ đen. Lượng màu xám trắng sẽ tạo cho người xem cảm giác sang trọng, hiện đại và vui tươi hơn. Bạn sẽ thấy một thành phố bừng sáng, một thành phố mới trong bức ảnh Sài Gòn đêm. Còn bức ảnh chụp Sài Gòn xưa như bức ảnh anh tài xế xe lam đọc sách thì sắc độ xám đen đậm đặc hơn, thể hiện sự xưa cũ, cổ điển.

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_23

Sài Gòn sẽ vẫn luôn là một thành phố hoa lệ, rực rỡ, giàu có bậc nhất cả nước. Ảnh chụp từ góc nhìn trên cao vào một đêm đẹp trời ngày 27.8.2014.

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_7

Ảnh được chụp tối 30.4.2005, Sài Gòn bừng sáng trong đêm kỉ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Rất đông người dân Tp.HCM đứng xem pháo hoa tại khu vực bến Bạch Đằng, Tp.HCM.

Chủ đề Sài Gòn là nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều bạn trẻ yêu thích nhiếp ảnh. Là sáng lập viên một diễn đàn nhiếp ảnh lớn ở Việt Nam, anh nhận thấy những bức ảnh về Sài Gòn hiện nay đã phản ảnh đầy đủ đời sống thành phố chưa?

Trong nhiều bức ảnh về Sài Gòn hiện nay tôi xem trên các diễn đàn nhiếp ảnh và mạng xã hội, tôi thấy rằng góc nhìn và tư duy ảnh của các bạn trẻ hiện nay vẫn còn thiếu chiều sâu và nhất là thiếu tình cảm của người chụp ảnh. Hình ảnh Sài Gòn dưới góc nhìn của các bạn rất hào nhoáng, bóng bẩy, được trau chuốt về kỹ thuật, hậu kỳ chụp ảnh được xử lý rất tốt, nhưng ảnh của các bạn vẫn còn thiếu dấu ấn để đọng lại cho người xem sự ấn tượng hay cảm xúc. Nhưng điều đó còn phụ thuộc vào vốn sống và cảm nhận của người cầm máy nên tôi tin trong tương lai các bạn sẽ có những bức ảnh về Sài Gòn nhiều cảm xúc hơn.

Còn với anh em làm nhiếp ảnh chuyên nghiệp thì mỗi chúng tôi chọn một hướng sáng tác riêng. Tôi chuyên chụp về cuộc sống đời thường, một số anh em chuyên chụp Sài Gòn đêm, hay Sài Gòn nhìn từ trên cao, một số người thì thích chụp những công trình lớn. Dù vậy, ảnh về Sài Gòn vẫn còn thiếu mảng chủ đề về nghề ở Sài Gòn hay chân dung người Sài Gòn, đến nay tôi chưa thấy ai có dự án ảnh nghiêm túc về hai chủ đề này.

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_8

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_9

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_10

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_12
Một số bức ảnh khác về cuộc sống đời thường người Sài Gòn của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng
“Hãy tranh thủ thời gian tuổi trẻ để làm việc”

Dưới góc độ một nhiếp ảnh gia, chứng kiến sự thay đổi của Sài Gòn qua từng bức ảnh anh chụp trong suốt 20 năm, anh có cảm nhận gì về sự lột xác của Sài Gòn sau hai thập kỷ qua?

Có nhiều người tiếc nuối về những vẻ đẹp của Sài Gòn xưa đã mất đi, nhưng thay đổi để phát triển là quy luật tất yếu của cuộc sống. Những cái cũ nhường chỗ cho cái mới tốt đẹp hơn là điều chúng ta nên mừng và hy vọng. Hy vọng Sài Gòn sẽ ngày càng đẹp hơn, phát triển hơn, thế hệ con cháu mình sẽ sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, có nhiều cơ hội học tập, phát triển. Và tôi tin niềm hy vọng ấy thật sự sẽ xảy ra. Bạn thấy không, 20 năm trước đâu có ai ngờ Sài Gòn lại có một đường hầm xuyên sông như hầm Thủ Thiêm. Thời xưa, người trẻ như thế hệ chúng tôi làm gì có nhiều cơ hội học tập như các bạn trẻ bây giờ.

Gặp nhiếp ảnh gia 20 năm gìn giữ ký ức Sài Gòn_3

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng trong một lần đi tác nghiệp

Thông qua dự án “Chào Sài Gòn”, anh muốn gửi thông điệp gì đến các bạn trẻ đang sinh sống và học tập ở Sài Gòn?

Sài Gòn là nơi tôi gắn bó suốt 20 năm, là mảnh đất cho tôi nhiều cơ hội để phát triển. Nếu không phải là Sài Gòn, nếu tôi sinh sống ở một nơi khác, chưa chắc tôi đã thành công như ngày hôm nay, chưa chắc tôi chụp được những bức ảnh đẹp như thế này. Từ rất nhiều những điều nho nhỏ từ cuộc sống, từ con người Sài Gòn khiến tôi cảm thấy gắn bó với mảnh đất này như máu thịt. Tự mình, tôi thấy mình cần làm điều gì đó cho Sài Gòn và nhiếp ảnh chính công cụ tôi chọn để thể hiện tình yêu với mảnh đất này.

Thông qua triễn lãm ảnh “Chào Sài Gòn”, tôi muốn gởi lời nhắn đến các bạn trẻ hãy làm việc và cống hiến hết mình. Hãy tranh thủ thời gian tuổi trẻ của mình để cật lực làm việc, với tinh thần như thế, nhất định trong 5, 10, 20 năm nữa, các bạn sẽ có một thành quả xứng đáng.

Cảm ơn những chia sẻ rất chân thành của anh. Cảm ơn nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng đã lưu giữ những ký ức rất đẹp về Sài Gòn xưa và hy vọng anh sẽ tiếp tục thành công với những dự án nhiếp ảnh về Sài Gòn trong tương lai.

(Ành: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng)

Chia sẻ