Khổ sở chuyện osin

Ngược đời chuyện chủ nhà bị osin "vu" cho ăn cắp vàng, đòi phải có ô tô chở về quê

Huyền Trang,
Chia sẻ

Bà giúp việc đời thứ 8, sau khi làm việc được 1 tuần, bỗng gào om nhà: "Cháu ơi cô mất chỉ vàng! Chỉ vàng để trong túi quần, để ở đáy túi. Cô sống trong nhà các cháu thì mất chỉ người trong nhà chứ ai!”.

Trong khoảng 3 năm nay, nhà chị Ngô Hà (Hà Nội) đã thay xấp xỉ 10 “đời” osin. Chị bảo, “đời” nào cũng để lại những ấn tượng khó phai, mà nếu nhớ hết để kể, chị có thể đủ tư liệu để viết truyện dài tập.

Được chủ nhà cưng chiều, osin “lấn lướt” 

Chị Ngô Hà bảo, chuyện osin nhà chị chẳng khác gì chuyện hài, ai nghe xong cũng cười chảy nước mắt. Vào lúc “cao điểm”, cách đây 2 năm trước, gia đình chị có 2 em bé 1 tuổi và 2 tuổi, nên phải thuê 2 người giúp việc một lúc. Người giúp việc không phải làm việc nhà mà chỉ chuyên trông, chăm sóc các bé, lương mỗi người 3 – 4 triệu/tháng. Để cho các giúp việc hòa hợp với nhau, gia đình chị nghĩ đến phương án tuyển một người thân thiết, hợp tính với bà giúp việc đang làm để họ không tị nạnh mà nhường nhịn, bảo ban nhau.

Lương tốt, công việc không quá vất vả, tưởng thế là yên, nhưng ai ngờ, các bà giúp việc bảo ban nhau cùng lười. “Công việc” chính của hai osin là hóng chuyện với osin nhà hàng xóm rồi…. ngồi xem phim bộ của Philippines, nội dung xoay quanh câu chuyện ông chủ nhà phải lòng chị osin, lại còn bình luận khí thế: “Con đó xấu thế mà sao ông chủ cũng yêu được nhỉ, mình mà thế thì...”.

Nhưng thế đâu đã hết, hai người giúp việc còn có thói quen rất hồn nhiên, đó là tự tiện dùng đồ nhà chủ. Chị Hà kể, nhà chị có người đau dạ dày, lúc nào cũng trữ sẵn tinh bột nghệ đen với mật ong. Hai bà hồn nhiên xơi hết 2 hộp nghệ khoảng hơn 1 kg và mấy chai mật ong, khi chị nhìn thấy, hỏi sao lại tự tiện thế, các bà ấy hồn nhiên bảo: “Tưởng không ai ăn nữa thì tớ ăn”.

1
Chị Ngô Hà bảo, sau 10 lần thay đổi người giúp việc, "kho tư liệu" về osin nhà chị có thể viết thành truyện dài kỳ.

Một trong hai bà còn là “thánh vay tiền” và có tật thích về quê lúc nào thì về. Cuối năm, nhà chị khản giọng vì giải thích khoản vay nợ và trừ lùi tiền lương. Trước khi về nghỉ Tết, bà ấy tuyên bố: "Sang năm tăng lương thì làm, không thì thôi. Từ ngày thằng cu lớn phải làm nhiều việc hơn". Gia đình chị, vì cần người trông cháu, đành đồng ý tăng lương, kèm theo ký hợp đồng với các điều khoản cụ thể, yêu cầu bà osin làm việc tử tế, có trách nhiệm và quan trọng là không vay tiền nữa.

Mùng 10 Tết, gọi điện như gọi đò bà ấy mới chịu lên vì còn mải hội làng. Để chấm dứt tình trạng vay tiền rồi trừ lùi, rồi lười việc, thích về lúc nào thì về, hợp đồng nhà mình ghi rõ, một tháng chỉ được nghỉ về quê 2 ngày, trường hợp khác là nhà phải có việc cực quan trọng thì mới được về. Nhà thì 1 tuần 1 lần lau từ tầng 1 lên tầng 3 vào chủ nhật. Cơm không phải nấu, chợ không phải đi vì để bà ấy chăm thằng cu cho chu đáo. Hè được nghỉ gần 1 tháng và vẫn tính lương như khi đi làm (giống như năm ngoái).

Đọc hợp đồng xong, bà ấy bảo: cho nghỉ thế là ít quá, tăng lên một tháng 2 lần nghỉ và mỗi lần 2 ngày, ngoài ra lúc nào nhà có việc phải cho tôi về, bất kể là ngày thường hay ngày nghỉ (tức là vẫn kiểu thích về lúc nào thì về). Người ta đi làm giúp việc, ngày mùa không về được còn được chủ cho 1 triệu để thuê người đằng này chị không có (những ngày được nghỉ hè vẫn có lương thì bà ấy không nói), Tết người ta cho quà bánh xếp đầy nhà, có ô tô chở về tận quê (nhà mình “chỉ” cho 3 cân giò chả kèm theo bánh kẹo, trà và 1 tháng lương + 15 ngày nghỉ Tết vẫn tính lương)
” – chị Hà nhớ lại.

Sau đó một thời gian, nhà chị “tiễn” luôn bà này, chỉ để lại một người giúp việc. Chị osin này có ưu điểm là thật thà, mỗi tội… kém vệ sinh. Chị Hà bảo, hồi đó, trong nhà tắm lúc nào cũng chất đầy cả khăn mặt, khăn lau sàn, khăn lau mông bọn trẻ lẫn lộn. Đồ đạc trong nhà, chị osin thì chỉ bày chứ không dọn, nhà chị mà nhắc nhở là y như rằng, “bọn trẻ con bày chứ ai”. Nhà chị nhịn đến khi bọn trẻ đi mẫu giáo, gia đình yêu cầu chị osin chuyển sang làm việc nhà, nhưng có vẻ chị này không hào hứng lắm.

Hết hồn vì bị osin vu ăn cắp vàng, đổi osin đến “đời” thứ 10 vẫn nơm nớp

Tính ra, người giúp việc hiện tại cho nhà chị Hà là “đời” thứ 10, trụ lại sau 5 lần “xem mặt” gần đây nhất. Vì không tìm được người thân quen, gia đình chị tìm các ứng cử viên thông qua trung tâm môi giới. Cũng vì thế, nhà chị phải gắn camera và phát hiện được nhiều chuyện mà chủ nhà chỉ biết “mếu xệch”.

Bà thứ nhất trong đợt tuyển dụng mới này, nhìn qua ảnh thấy có vẻ được, lúc gặp thì vỡ mộng, nhưng trót nói với trung tâm rồi, thành ra vẫn thử. Thử được đúng một ngày thì bà ấy tư vấn với nhà mình là: “Bây giờ các cháu nói với trung tâm là cô bỏ việc về rồi, như thế thì các cháu không mất tiền cho trung tâm”.

Nghe nói vậy, mình kiểm tra lại camera thì trời ơi, nói nghe có vẻ nhỏ mọn, nhưng bà ấy không làm gì hết, mà ăn vụng khủng khiếp luôn. Cả ngày nhà mình không có ai ở nhà, bà ấy ăn hết cơm rồi xoay sang kẹo bánh, hoa quả, xong rồi… lên phòng ngủ. Tối nhà mình về, hỏi bà ấy đã lau nhà với cầu thang chưa, bà ấy bảo làm hết rồi. Thế là hiểu, bà này vừa gian vừa xấu tính, nhà mình cho nghỉ
”. 

2
Hình minh họa

Chị Hà kể, ứng viên tiếp theo cũng không khá hơn. Bà này “được cái” kiệm lời, cả ngày không hé răng nói một câu. Hai em bé ở nhà chơi với bà, thế mà mà bà ấy cứ ngồi như một khúc gỗ cạnh đó, không giao tiếp, không nói chuyện với chúng. “Mình có thói quen đến giờ đi làm là đi, không có “thủ tục” chào hỏi mọi người. Cả nhà quen rồi, có mỗi bà giúp việc không biết, phàn nàn với bố mẹ mình là mình khinh thường bà ấy. Chuyện “soi” mình thì cũng chẳng sao, nhưng ngại nhất là chuyện chẳng nói năng gì với bọn trẻ con, lâu dần sợ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của chúng. Mình bảo bố mẹ cho bà ấy nghỉ việc.  

Bà ấy về buổi sáng, buổi chiều mình đói bụng mới sờ đến cái thùng sữa, định bụng lấy một hộp uống mới biết, trong 3 ngày, cái thùng sữa đã không còn một hộp. Hỏi cả nhà, mọi người còn ngơ ngác không biết thùng sữa mình để đâu nữa
” – chị kể, cười chảy nước mắt.

Nhưng theo chị Hà, “đời” giúp việc thứ 8 nhà chị mới gọi là kinh hoàng. Sau khi làm việc được 1 tuần, bà ấy gào om nhà: "Cháu ơi cô mất chỉ vàng! Chỉ vàng để trong túi quần, để ở đáy túi. Cô sống trong nhà các cháu thì mất chỉ người trong nhà chứ ai”.  Chị nhã nhặn bảo tìm lại đi, thứ nhất vì nhà chị từ xưa đến giờ không ai mất thứ gì bao giờ, thứ hai là có camera, nên không thể có chuyện trộm cắp trong nhà; bà ấy vẫn gào ầm lên, rồi gọi cho anh trai khóc lóc: "Anh ơi em mất chỉ vàng, chỉ vàng mới mua ở chợ hôm em ra đây. Em ở tầng hai, nhưng cả tối em ở dưới nhà”.

người giúp việc
Vụ bị osin vu vạ ăn cắp vàng được chị Hà kể lại trên Facebook thu hút sự quan tâm của những chị em cùng cảnh "sợ" osin.

Biết không thể nhẹ nhàng được, chị nói luôn: “Cô mất vàng chứ gì? Gọi công an. Túi xách của cô nếu một mình cô đụng thì sẽ chỉ có dấu vân tay của cô, còn người nhà này mà đụng vào sẽ có dấu vân tay của người nhà này. Cô chuẩn bị luôn hóa đơn mua ra nhé. Công an người ta đến người ta sẽ hỏi. Người ta sẽ khám xét và mang theo còng luôn...” Lúc đó, bà ấy lúng búng bảo: "Hóa đơn để ở nhà chứ mang theo làm gì?"

Chị “dằn mặt”: “Cho cô thời gian 20 phút tìm lại một lần nữa. Sau 20 phút tôi sẽ gọi điện cho công an, lúc đó có muốn thay đổi gì cũng khó đấy!”. Chưa đầy 2 phút sau, sau khi lên phòng, bà giúp việc ríu rít: "Cháu ơi cô thấy rồi. Cô xin lỗi cháu!". Sau vụ đó, nhà chị sa thải bà ấy luôn, đương nhiên là vẫn trả tiền làm việc 1 tuần.

Nỗi khổ tìm osin

Nhà chị Hà còn “long đong” vài lần nữa, rồi mới gặp người giúp việc hiện tại. Chị bảo, mọi người toàn đùa là nhà chị thuê người về làm chủ, vì hầu hết các osin không phải làm việc nhà, không cơm canh, không giặt quần áo, chỉ phải trông và cho bọn trẻ ăn, thậm chí không phải tắm cho chúng nữa. Thở dài thườn thượt, chị bảo: “Tính đến nay là 10 đời giúp việc mà chẳng ai ưng ý thật sự, nhưng nhà mình vẫn chịu đựng, người ngoài nhìn vào còn bảo sao mà giỏi nhịn thế. Nhà mình không mắng, không xúc phạm bao giờ, vì không muốn họ tủi thân về nghề nghiệp, nên luôn đối xử với họ như người trong nhà, nhưng đến khi không chịu được nữa, đành phải sa thải thôi.

Tiêu chí quan trọng nhất mà nhà mình đặt ra là sạch sẽ, nhưng toàn gặp những bà bôi bẩn và vụng. Có bà giúp việc, hướng dẫn dùng nồi áp suất 10 lần vẫn không biết dùng, suốt ngày réo gọi chủ nhà (bố chị Hà): "Anh ơi, đậy giúp em cái nồi áp suất". Các bà khác thì không sạch sẽ, lười làm việc, chắc họ nghĩ chủ nhà không ai ở nhà, họ tự do thích làm gì thì làm mà không biết nhà mình lắp camera
”.

Nói về chuyện có camera trong nhà, chị Hà chia sẻ, mục đích chính của việc có máy quay kiểm soát chủ yếu là để kiểm tra xem người giúp việc có thật thà không, có sạch sẽ và làm việc nhà đúng như họ nói không, nhưng tiếc là chẳng ai ưng ý. "Việc họ ăn vụng, có thể vì họ đói, họ thèm, nhà tôi hoàn toàn thông cảm, nhưng chuyện làm việc không có trách nhiệm, lười biếng và không trung thực thì không chấp nhận được" - chị chia sẻ.

Mới đây nhất, nhà chị đã mình vừa tuyển được người giúp việc, sau năm lần bảy lượt thử việc và sa thải các ứng viên. Chị Hà hy vọng, người mới sẽ trụ được lâu dài, và “truyền kỳ osin” nhà chị sẽ tạm khép lại.

Với nhiều gia đình hiện đại, người giúp việc đã trở thành "một phần tất yếu của cuộc sống". Người giúp việc, hay còn gọi là osin, vừa là một thành viên quan trọng, của gia đình, vừa là "người ngoài". Khi chung sống trong một mái nhà, giữa người giúp việc và gia chủ có thể nảy ra những tình huống bi hài, có khi là vì người giúp việc không đáp ứng được yêu cầu công việc, hay biết mình quan trọng nên bắt nạt chủ nhà; cũng có khi là vì người chủ oái oăm, khó tính...

Những chia sẻ rất thật, những câu chuyện cười ra nước mắt và những nỗi lòng khó nói của nghề giúp việc sẽ được người trong cuộc kể lại với chúng ta, để ta hiểu thêm về chuyện "hậu trường" của nghề ăn cơm nhà người, chăm con hàng xóm này.

Còn bạn, bạn có câu chuyện oái oăm nào với người giúp việc của mình, hay đang làm nghề này và bức xúc với chủ nhà không? Hãy chia sẻ với chúng tôi tại email: doisong@afamily.vn để mọi người cùng lắng nghe nhé!




Chia sẻ