Ngôi nhà hạnh phúc của "Bạch Tuyết và... 20 chú lùn" ở Sài Gòn

Theo Trí Thức Trẻ,
Chia sẻ

Sinh ra đã bị khiếm khuyết về chiều cao, nhưng không vì vậy mà các chú lùn trong “tòa lâu đài” ở đường Đoàn Văn Bơ (quận 4, TP.HCM) cảm thấy tự ti, mặc cảm. Họ vẫn sống lạc quan, yêu đời và mang lại tiếng cười cho người khác.

Ở Sài Gòn có một ban nhạc mang tên "Chim cánh cụt" nổi tiếng do những người lùn bẩm sinh tụ họp lại với nhau. Họ xuất hiện như thiên thần giữa đường phố, trong quán bar hay bất cứ nơi nào cần họ tới. Sau những buổi biểu diễn hoặc một ngày làm việc vất vả, những chú lùn lại trở về với "tòa lâu đài" của mình trên đường Đoàn Văn Bơ.

Chủ nhân của "tòa lâu đài" là chị Nguyễn Võ Thu Minh (46 tuổi), cũng chính là nàng Bạch Tuyết trong ngôi nhà đặc biệt này. Những người lùn có chiều cao 0,8-1,3m, không việc làm, bị kỳ thị, nhưng nàng Bạch Tuyết Nguyễn Võ Thu Minh đã xuất hiện, giúp họ có việc làm, có gia đình và hòa nhập với cộng đồng.

Chị cho biết, hiện tại trong ngôi nhà có khoảng 20 chú lùn sinh sống, nhưng chỉ có 7 chú lùn là sống thường trực để phân công công việc chung của cả nhóm, những người còn lại đều đi biểu diễn độc lập rải rác khắp thành phố. Khi nào khách hàng có nhu cầu cần nhóm biểu diễn, họ sẽ tụ về đây, nhận nhiệm vụ từng người và cùng nhau tập dượt các tiết mục trước khi diễn.

Ngôi nhà hạnh phúc của

Bạch Tuyết Thu Minh và các chú lùn trong "tòa lâu đài" của mình.

Ngược dòng thời gian, chị Minh kể : “Tôi gặp chú lùn đầu tiên vào năm 1998. Lúc ấy, đang trên đường về nhà sau ngày làm việc, tôi bắt gặp một chú lùn đi bán vé số. Giữa trời mưa tầm tã, chú ấy xòe từng tờ vé số để mời khách qua đường nhưng chẳng có ai mua. Hình ảnh người bán vé số bé nhỏ, đôi vai run lên vì lạnh cứ ám ảnh tôi suốt dọc đường về nhà. Sau đó, tôi đi nhiều nơi, cũng gặp những người lùn như thế. Lúc đó, tôi nghĩ dường như tạo hóa quá bất công với họ và ý tưởng thành lập một nhóm nhạc những chú lùn cứ vậy mà hình thành”.

Nghĩ là làm, chị Minh đã bỏ công sức để tìm kiếm, quy nạp tất cả những người lùn mà chị gặp lại thành một nhóm, rồi tự tay đào tạo tất cả các loại hình nghệ thuật biểu diễn, sau đó mới chọn lọc, người có năng khiếu ở môn nào thì chơi chuyên món đó. Thời gian đầu, cuộc sống của nàng Bạch Tuyết Thu Minh và các chú lùn vô cùng khó khăn, vất vả.

Giai đoạn đó, để có được chỗ ăn ở ổn định cho các chú lùn, chị Minh đã phải vét hết số tiền tiết kiệm và vay mượn thêm từ gia đình để mua đất xây hẳn một tòa lâu đài cổ tích. “Lúc đó, nhiều người bảo tôi gàn dở vì tự nhiên lại đi xây nhà cho người dưng ở nhưng mặc họ nói, bằng tình yêu thương các chú lùn, tôi đã bất chấp tất cả”.

Chị Minh kể, các chú lùn khi sống cùng một nhà thì nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn với nhau. Nhiều chú lùn tị nạnh nhau trong công việc rồi xảy ra đánh nhau, những lúc ấy đích thân chị Minh phải trực tiếp can ngăn. Có những cô chú lùn khác thì lại yêu nhau rồi tương tư, tình cảm bỏ cả ăn uống, giống như một người mẹ, chị Minh luôn bên cạnh để động viên an ủi và giúp đỡ các cô chú vượt quá.

“Các cô chú lùn đa sầu đa cảm lắm, nhiều người vào đây còn suốt ngày than khóc vì mặc cảm, tự ti. Để giúp họ hòa nhập cộng đồng, sống vui vẻ với tập thể thì bản thân tôi phải đóng vai trò như một người chị, một người mẹ. Cứ họ muốn gì thì chỉ cần gọi cô Bạch Tuyết là mình sẽ có mặt để giúp đỡ kịp thời”.

Ngoài việc chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho “những đứa con” của mình, chị Thu Minh còn tự tay may vá quần áo cho mọi người trong đại gia đình. Để những cô chú lùn có được các kỹ năng việc làm, chị tự mày mò rồi soạn ra một giáo án dạy học riêng. Từ công việc pha chế, bồi bàn, rửa bát cho đến làm ảo thuật, nhảy múa, tất cả đều do một tay chị “huấn luyện”.

Khi số lượng thành viên trong ngôi nhà ngày một tăng lên, để tiện hơn, chị Thu Minh còn thiết kế riêng một quán bar mini trong lâu đài của mình. Mỗi ngày, các chú lùn sẽ vào đó để hát múa, tập nhảy hoặc có dịp sinh nhật ai đó thì cũng được tổ chức tại chính nơi đây và mời bạn bè đến tham dự.

Ngoài thời gian tập vũ đạo để đi biểu diễn, chị Thu Minh cùng các chú lùn còn đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Từ rửa chén thuê, bán trái cây… bất cứ công việc chân chính nào làm ra tiền đều được cả “gia đình” tận dụng để lo cho cuộc sống. Mỗi dịp lễ tết, nàng Bạch Tuyết Thu Minh còn trổ tài viết thư pháp để các chú lùn đóng khung đem bán kiếm tiền.

Ngôi nhà hạnh phúc của

Chú lùn Si Si Thành (34 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) vui vẻ chia sẻ: “Tôi về ở với cô Minh được 14 năm rồi. Ở quê chỉ biết gặt lúa, nuôi gà, nuôi lợn… nhưng khi ở với cô Bạch Tuyết lại phải học múa, hát, đàn. Lúc đầu, còn khó khăn, ngại ngùng lắm, vì dù sao tôi cũng là con trai. Nhưng riết rồi cũng quen, bây giờ tôi có thể diễn văn nghệ rất thuần thục”.

Ngôi nhà hạnh phúc của

Dù tạo hóa cho họ một cơ thể khiếm khuyết về chiều cao, nhưng dường như với họ điều đó là không quan trọng. Họ có thể mang lại tiếng cười cho người khác, mua vui cho thiên hạ, làm cuộc sống tươi đẹp hơn là họ vui rồi.

Ngôi nhà hạnh phúc của

Chị Hồng - một thành viên trong đại gia đình các chú lùn cho biết: “Ngày trước tôi mặc cảm tự ti về ngoại hình lắm nhưng từ khi về ở với cô Minh, tôi mạnh dạn trò chuyện với mọi người hơn. Cũng chính trong đại gia đình này mà tôi tìm được một người chồng. Đến nay cô con gái của vợ chồng tôi đã học lớp 3, may mắn là bé phát triển chiều cao bình thường. Tôi cũng đang chuẩn bị sinh tiếp một bé trai nữa nên không thể cùng đoàn đi diễn show được, tận dụng thời gian này, tôi bán thêm trái cây lặt vặt để có tiền mua thêm sữa cho con”.

Chia sẻ