"Ngó" kế hoạch chi tiêu 6 ngày nghỉ lễ 6,8 triệu của bà mẹ 1 con

Thảo Nguyên,
Chia sẻ

Những dịp nghỉ lễ dài ngày như 30/4 và 1/5 năm nay, dù đã lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng nhưng cũng khiến bà mẹ trẻ này phát hoảng khi nhìn lại nhiều khoản phải chi trong 6 ngày tới.

Tuy đã có gia đình riêng và con nhỏ 3 tuổi, song dịp nghỉ lễ dài ngày như nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, bà mẹ trẻ này không khỏi sốt ruột khi phải chi mất một khoản tiền kha khá. Hiện để chuẩn bị cho kỳ nghỉ dài vui vẻ cho gia đình nhỏ, chị Nguyễn Thu Phượng, 28 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) đã lên kế hoạch chi tiêu chi tiết trong dịp này để tránh chi tiêu quá tốn tiền trong 6 ngày nghỉ lễ.

Kế hoạch chi tiêu 6 ngày nghỉ lễ 6,8 triệu đồng

Khác với năm trước, tranh thủ kỳ nghỉ lễ dài ngày, gia đình nhỏ nhà chị Thu Phượng lại lục đục kéo nhau đi du lịch biển. Năm nay, vì mới mang bầu nên chị Phượng tận hưởng kỳ nghỉ bên bạn bè và người thân.

Năm nay, chị và chồng đều được nghỉ tận 6 ngày. Do đó, ngay từ bây giờ, chị Phượng đã lên kế hoạch chi tiêu cho 6 ngày tiêu pha để không "vung tay quá trán" và sau nghỉ lễ không bị cháy túi.


Ngay từ bây giờ, chị Phượng đã lên kế hoạch chi tiêu cho 6 ngày tiêu pha để không "vung tay quá trán" (Ảnh minh họa)

Chị Phượng cho biết: “Năm trước, mỗi kỳ nghỉ lễ dài ngày như thế này, vợ chồng mình lúc nào cũng phải tốn một khoản tiền kha khá khoảng 10 triệu đồng cho chuyến đi du lịch 3-4 ngày ở đâu đó. Năm nay vì điều kiện không cho phép, vợ chồng không vi vu được. Theo đó, số tiền chi tiêu cho nghỉ lễ cũng sẽ tiết kiệm được khoảng 1 nửa so với năm trước”.

Dự kiến các khoản chi tiêu 6 ngày nghỉ lễ của chị Phượng như sau:

- Ngày 1: Tiền họp lớp: 1 triệu

Năm nào cũng vậy, đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lớp cấp 3 của chị Phượng đều có kế hoạch họp lớp. Và năm nay, hoạt động đó chắc không thay đổi và vẫn được duy trì. Tiền đóng góp cho 1 buổi họp lớp ở một địa điểm hơi xa Hà Nội của lớp chị thường phân bổ cố định khoảng 1 triệu đồng/người. 

- Ngày 2 +3: Tiền đưa mẹ chồng mua đồ ăn tươi khi về chơi 1 ngày: 2 triệu đồng

Tranh thủ nghỉ lễ dài ngày, vợ chồng chị Phượng cũng đã có kế hoạch đưa con về nhà ông bà nội chơi. Anh chị có kế hoạch sẽ ở chơi nhà nội khoảng 2 ngày. 

Trong 2 ngày ấy, chị dự định đưa 1 triệu đồng cho mẹ chồng đi chợ mua đồ ăn tươi cho cả nhà. Ngoài ra, lần nào về, chị cũng mua thêm quà, bánh trái, quần áo cho mẹ chồng, 2 cháu nhà anh chồng. Số tiền này cũng hết khoảng 500 ngàn -1 triệu đồng.  

- Ngày 4: Tiền mua quà + biếu bà ngoại: 1 triệu

Về chơi nhà nội xong, vợ chồng chị cũng có kế hoạch về bà ngoại chơi 1 ngày. Về nhà ông bà ngoại, chị chuẩn bị tinh thần vợ chồng con cái "ăn trực" nhà ông bà. Bởi có đưa tiền chợ, bà ngoại cũng không bao giờ lấy.

Do đó, ngay từ giờ chị cũng đã chuẩn bị quà bánh mang về nhà ngoại. Số tiền mua quà khoảng 300 ngàn đồng. Ngoài ra, khi đi vợ chồng ra Hà Nội, chị cũng sẽ biếu bà thêm khoảng 700 ngàn đồng.

- Ngày 5: Tiền đưa con đi các tụ điểm vui chơi: 1 triệu

Sau khi về nhà nội, nhà ngoại, ngày thứ 5, vợ chồng chị Phượng sẽ đưa con gái đi chơi ở các tụ điểm vui chơi công cộng như đi xem xiếc, đi công viên, bảo tàng... Dù địa điểm đi chỉ loanh quanh trong thành phố nhưng do xác định đã đi chơi là không tiếc tiền nên chị sẽ cho con chơi thỏa thích các trò chơi tại khu vui chơi này và cả nhà sẽ ăn hàng.

- Ngày 6: Tiền đi siêu thị mua bánh trái, đồ ăn cho gia đình sau ngày nghỉ lễ: 1 triệu

Ngày cuối cùng của đợt nghỉ lễ dài, chị Phượng sẽ tranh thủ đi siêu thị để mua sữa cho con, thực phẩm, bánh trái, rau củ về để tủ lạnh và đủ dùng cho cả tuần. Thông thường, mỗi tuần đi chợ cho 3 người nhà chị thường giao động từ 800 ngàn - 1 triệu đồng.

- Tiền xăng xe: 300 ngàn đồng

Vì quê nội, quê ngoại chỉ cách Hà Nội 25km, lại đi xe máy và chỉ loanh quanh trong Hà Nội nên chị Phượng dự tính tiền xăng xe chỉ mất 1 khoản khoảng 300 ngàn đồng khi di chuyển.

- Tiền chi tiêu linh tinh: 500 ngàn đồng

Về nhà bà nội, bà ngoại, dù đã xác định rõ ràng hoặc đã đưa tiền mặt cho bà nội thích mua gì ăn thì mua. Nhưng nhiều khi đi ra ngoài thấy đồ ăn hay cái gì hay hay, lại rẻ, chị Phượng thường lại khuân về. Như thế đã mất một khoản linh tinh.

Chị cũng than phiền: "Nói chung nghỉ lễ 30/4 dù có kế hoạch trước nhưng nhiều khi mình cũng không thể lường trước được các khoản phát sinh. Mình đang cố gắng bớt chi linh tinh những ngày này thì sẽ tiết kiệm được 1 khoản”.

Tổng tiền chi tiêu nghỉ lễ: 6.800.000 đồng/6 ngày

“Nghỉ lễ dù có kế hoạch trước nhưng khi tính lại vẫn sẽ hao hụt vì các khoản chi tiêu không tên"

Đối mặt với những kỳ nghỉ lễ dài sắp tới, bà mẹ 1 con này dù thật sự muốn chi tiêu tiết kiệm hơn nhưng chị cho biết có nhiều khoản không thể không móc túi ra chi.

Xác định đã đi chơi là không tiếc tiền nên chị sẽ cho con chơi thỏa thích các trò chơi tại khu vui chơi và cả nhà sẽ ăn hàng (Ảnh minh họa)

Theo bà mẹ trẻ này tâm sự: “Chẳng lẽ, một tháng nhà mình mới về nhà bà nội, bà ngoại 1 lần mà lại đi về người không không có chút quà nào và không đi chợ mời mọi người tụ tập một bữa. Đấy mới chỉ tụ tập ăn uống ở nhà thôi, chứ kéo nhau ra hàng còn đắt đỏ nữa, tốn kém nữa”.

Cũng theo người phụ nữ 28 tuổi này cho biết, trên đây chỉ là những khoản chi tiêu chính, chưa kể các khoản ăn uống, mua sắm linh tinh khi về quê đi chơi nhà này nhà khác. Các khoản chi phí phụ này nhiều khi cũng khá tốn kém mà không kiểm soát được.

"Cái tật của mình cầm bao nhiêu tiêu cũng không đủ, thấy cái gì hay lại nổi hứng mua liền. Lần nào, mình cũng vạch kế rõ ràng ngay từ đây. Nhưng đến khi tính lại vẫn phát hoảng bì bị hao hụt khá nhiều do các khoản chi tiêu không tên. Chính bởi thế, mỗi lần nghỉ lễ là mỗi lần mình khá đau đầu và sốt ruột" - Người mẹ trẻ này thú nhận.
Chia sẻ