Nghề...."canh mưa"

,
Chia sẻ

“Báo cáo! Báo cáo! Địa bàn 34 bắt đầu mưa” - người đàn ông gầy gò la lớn vào bộ đàm khiến người đi đường giật mình.

Các anh là công nhân canh mưa của Công ty Thoát nước đô thị TPHCM, ngày đêm bám lề đường xem… trời có mưa hay không.


Niềm vui của người canh mưa là miệng cống không còn rác.

Điểm ngập là nhà, hố ga là... vợ

“Báo cáo! Báo cáo! Địa bàn 34 bắt đầu mưa”. Người đàn ông gầy gò la lớn vào bộ đàm. Giọng anh nghiêm túc, to, rõ khiến người đi đường ngơ ngác. Báo cáo xong, anh liền giục đồng nghiệp đi gỡ rác ở hố ga để nước trên mặt đường thoát xuống cống. Anh là Võ Phước An, tổ trưởng tổ canh mưa trên các tuyến đường Trường Chinh, Phan Đình Giót... (quận Tân Bình- ký hiệu là địa bàn 34).

Tổ của anh có 10 người, nhiệm vụ chính là vào mùa mưa, hằng ngày bắt đầu từ 16 giờ đến 20 giờ phải túc trực ở các tuyến đường để báo cáo tình hình mưa về công ty và liên tục gỡ rác tấp vào miệng hố ga theo dòng nước.

Mùa mưa của TP bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, trong mùa mưa, dù trời nắng chang chang, các anh cũng phải ra đường giăng bạt, mắc võng ngồi hoặc núp dưới bóng cây để canh mưa. “Mưa Sài Gòn đến bất ngờ lắm, nếu lơ là bỏ chốt, mưa đến không gỡ rác kịp là đường biến thành sông ngay” - anh An cho biết.

“Bọn này canh mưa đã mệt mà còn phải canh vợ nữa đấy. Vợ ra kiểm tra bất thình lình lắm!” - những người canh mưa hài hước than thở. Bình thường 20 giờ là tan ca nhưng nếu còn mưa thì phải đợi tạnh hẳn, các anh mới được về. Có hôm, các anh bám miệng cống đến giữa khuya.

“Hôm đó, tôi đang canh mưa ở quận Tân Bình, còn vợ đang ở nhà trên quận 1. Trời mưa, tôi đang làm việc tất bật thì vợ gọi kiểm tra. Tôi nói với cô ấy là trời mưa, tôi đang ở hiện trường nhưng cô ấy không tin vì ở nhà trời không mưa!”- anh An kể. Còn anh T. cùng tổ mới khổ hơn. Vợ anh T. từng ra tận điểm ngập để xem chồng có đi canh mưa hay không. Một lần, anh vừa xin phép tổ trưởng đi ăn hủ tiếu thì vợ anh đến. Thấy chồng vắng mặt ở hiện trường, vợ anh làm “mặt giận” bỏ về. Hậu quả: Anh phải mất mấy ngày để... giải thích cho vợ tin.

 
Chỉ khi nào trời tạnh mưa, đường hết ngập, người canh mưa mới được về nhà.

“Hãy hiểu cho chúng tôi!”

Chiều 16/12, do TP đã vào mùa khô nên tổ anh An không phải canh mưa. Ấy vậy mà ông trời trở chứng mưa ầm ầm. Các anh phải tức tốc ra điểm ngập trên đường Phan Đình Giót để móc rác. Mới mưa chừng 30 phút, con đường đã ngập đến đầu gối. Bao ni lông, vỏ bắp và biết bao rác rưởi khác do người dân vứt ra đường theo con nước ùa đến bịt kín các miệng cống. Tổ anh An vừa móc rác được 5 phút thì miệng cống lại bị rác bịt kín. Các anh lại phải mò mẫm từng miệng cống để giải thoát cho con nước. Anh Nguyễn Tấn Dũng, một công nhân canh mưa, lắc đầu: “Giá mà người ta đừng vứt rác ra đường nhiều thì TP đâu ngập đến nông nỗi này”.

Canh mưa là công việc khá lạ lẫm nên các anh còn thường xuyên bị… chửi nhầm. Nhiều người dân tưởng các anh là công nhân thi công dự án vệ sinh môi trường nước TP, chặn dòng chảy khiến đường ngập nên chửi xối xả.

Anh An nói: “Mong anh viết lên báo để ai cũng hiểu chúng tôi là người  giải phóng con nước giúp TP bớt ngập chứ chúng tôi không phải là công nhân đào đường ẩu gây ngập đâu!”. Anh An kể ngay chính công an, thanh tra xây dựng của quận khi đi tuần tra đẩy đuổi hàng rong cũng tưởng các anh là những người vô công rồi nghề, giăng bạt ngồi hóng mát nên đòi tịch thu dụng cụ. Ngay cả khi các anh giải thích mình làm nghề canh mưa thì họ vẫn không hiểu, không tin. Phải đến khi nhờ cảnh sát khu vực ra giải thích, các anh mới được thanh minh và được trả lại dụng cụ làm nghề.

Anh Nguyễn Tấn Dũng mò tìm miệng cống trên đường Phan Đình Giót để móc rác cho nước thoát
 
“Không phải ai cũng hiểu lầm, mắng mỏ chúng tôi đâu. Có những người dân làm chúng tôi xúc động lắm”. Anh Nguyễn Hữu Phúc kể lại kỷ niệm đẹp nhất đời canh mưa của mình: Hôm đó, đường Phổ Quang (quận Tân Bình) bị ngập rất sâu. Một phụ nữ khoảng 60 tuổi chạy xe tay ga vào vùng ngập và không thể thoát ra được. Anh Phúc nhào đến giúp đẩy xe và dìu người phụ nữ ra khỏi con nước. Vài ngày sau, người phụ nữ đi ngang qua chỗ anh đang canh mưa, nhẹ nhàng nói: “Tôi tặng chú 20.000  đồng để mua thuốc lá hút cho vui!”.
 

Nỗi lo HIV

“Mỗi lần móc miệng hố ga là chúng tôi lại lo đụng phải kim tiêm. Tổ canh mưa của tôi gần như ai cũng từng bị kim tiêm đâm vào tay. Mới đây, hai công nhân trong tổ đã đi xét nghiệm máu, may mà chưa thấy dấu hiệu gì”- anh Võ Phước An kể.

Theo anh An, có lần, tổ của anh sau một lúc móc rác gom lại, phát hiện hàng chục kim tiêm. Khi được hỏi nếu lỡ anh bị kim tiêm đâm phải và nhiễm HIV thì sao, anh An trả lời: “Mình là “lính” canh mưa, mình canh ông trời để giúp TP bớt khổ vì ngập, có hy sinh cũng được, chỉ tội cho vợ con!”.

 Theo Như Phú
Người lao động
Chia sẻ