Nghe những “nghệ nhân chiếu dưới” trải lòng

Lê Phong - Trương Tuấn,
Chia sẻ

Họ miệt mài với những công đoạn “thô sơ” đầu tiên của sản phẩm gốm. Người ta gọi vui họ là những “nghệ nhân chiếu dưới”.

Lao động bình dân và một thương hiệu lớn

Gốm sứ ở Lái Thiêu (thị xã Thuận An, Bình Dương) là một trong những nghề thủ công truyền thống được giữ lại cho đến ngày nay. Cách đây hơn một thế kỷ dân làng Lái Thiêu chủ yếu sống bằng nghề gốm. Những sản phẩm làm ra thường là: chén, lọ, chum, bình trà… Các vật dụng được chuyển lên Sài Gòn - Chợ Lớn tiêu thụ. Bây giờ gốm sứ Lái Thiêu có rất nhiều mẫu mã mới, đẹp được xuất khẩu nước ngoài.

Những công nhân trong bài viết  này có thể gọi là những “nghệ nhân chiếu dưới”, bởi công việc chính của họ là ở khâu thô sơ như khuân đất, nhào nặn, phơi, nung,…

Nghe những “nghệ nhân chiếu dưới” trải lòng 1

Nghe những “nghệ nhân chiếu dưới” trải lòng 2
                                                                                          Quang cảnh  một lò gốm ở Lái Thiêu

Nghe những “nghệ nhân chiếu dưới” trải lòng 3
                                                                                                      Một vài sản phẩm thông dụng

Kể về quy trình làm gốm, chị Nguyễn Thị Tâm (42 tuổi, nghệ nhân lò gốm Kiến Xuân) tự thán: “Một sản phẩm được làm ra phải trải qua ít nhất bảy khâu thực hiện. Công việc làm gốm sứ khá vất vả, hằng ngày chúng tôi phải bưng bê hơn chục ký khuôn thạch cao”. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều nhân công khác: “Có việc để làm là mừng rồi, vì mang tiếng là nghề thủ công, nhưng hiện nay có sự tham gia sản xuất của móc hiện đại, khiến nhân công trở nên dư thừa”

Nghe những “nghệ nhân chiếu dưới” trải lòng 4
                                                           Khâu đầu tiên trong quá trình làm ra một sản phẩm gốm sứ là khâu chạy đất. 
Nghe những “nghệ nhân chiếu dưới” trải lòng 5

                                         Nguyên liệu ở đây gồm có 3 loại đất: đất sét, đất cao lanh và một loại đất trong nghề gọi nôm na là đất “xương”.

 “Hương đất” giữ đam mê

Một nghịch cảnh khó lý giải, gốm sứ Lái Thiêu (Bình Dương) ngày càng nổi tiếng, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển địa phương thì nhiều nghệ nhân đang phải vật lộn để tồn tại. Lý do lớn nhất cản trở họ đến với nghề chính là mức tiền công thấp so với mức chi tiêu sinh hoạt. Nhiều khâu sản xuất đã dùng đến máy móc, nhân công thành ra dư thừa. Thêm nữa, làm gốm sứ cũng theo “mùa vụ”, khi không có hàng, nghệ nhân chỉ làm việc nửa tháng, nửa tháng còn lại đành ngồi chờ hết ngày hoặc làm vài việc tạm bợ.

Nghe những “nghệ nhân chiếu dưới” trải lòng 6
Làm việc nhưng sợ việc sẽ hết

Chị Tâm nói về lí do gắn bó với nghề này: “Gia đình tôi 6 nhân khẩu, thu nhập trước giờ chỉ trông chờ tiền làm gốm sứ. Ví dụ như giờ chuyển sang làm phụ hồ, kiếm được 2 - 3,5 triệu đồng/tháng đủ trang trải cho các cháu ăn học. Nhưng như vậy là phải đi xa, không chăm sóc gia đình được”.

Ông Nguyễn Ánh Trung (43 tuổi) phân trần: “Thấy gốm sứ quê mình nổi tiếng mừng thật đó nhưng trong cái mừng cũng có cái buồn bởi nhiều nghệ nhân đã phải “rụng càng” theo thời gian, tưởng cuộc sống cũng khấm khá theo nhưng không ngờ khá bấp bênh. Thợ giỏi “cao tay” cũng chỉ làm ra 25 cái/ngày, mỗi cái được chủ trả tiền công 3 - 5 ngàn đồng, tính ra quần quật cả ngày khoảng 60 - 100 ngàn đồng”. Rồi ông lại cười khà khà: “Nhưng mà…Người ta nhớ người vẽ vời, chứ ai nhớ người bưng bê nhào nặn”.

Nghe những “nghệ nhân chiếu dưới” trải lòng 7
Nóng hừng hực trong lò nung

Nghe những “nghệ nhân chiếu dưới” trải lòng 8
Nghệ nhân làm gốm mài mịn những điểm thô

Hơn 22 năm nay những người dân ở xã Xã Phú Long (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã quá quen thuộc hình ảnh bà Nguyễn Thị Chín (63 tuổi) sáng đến lò gốm, chiều rảo bước ra về. Cũng đang lúc ngồi nghỉ trưa, bà Chín quẹt mồ hôi tranh thủ phân trần: “Nghề này cực lại ít tiền nên cũng có người bỏ đi kiếm việc khác làm rồi… Làm gì hả?... Họ đi bán vé số.”

Nghe những “nghệ nhân chiếu dưới” trải lòng 9
Mặc dù cuộc sống của nghệ nhân làm gốm rất cơ cực nhưng bà Nguyễn Thị Chín vẫn cố gắng bám giữ nghề truyền thống ông, cha.

Nhìn lại chừng ấy năm quần quật, chỉ dám tự nhận mình là nhân công - ngại từ nghệ nhân kiêu sang, bà Chín lí giải: “Sống với nghề này đã lâu, đã “nghiện” mùi đất, mùi cao lanh khi nào không biết. Bây giờ bỏ nghề không được”. 

Không phải là những nghệ nhân chuyên vẽ vời họa tiết hoa văn, chỉ là những con người chăm lo phần thô cứng nhưng nhờ họ “lỡ nghiện” mùi đất mà gốm sứ mới có được cái chất sắt son bên trong lớp men bóng bẩy kia.


Chia sẻ