Mực xé ăn liền là mực rẻ tiền, ngâm hóa chất?

,
Chia sẻ

Một chuyên gia chế biến mực ở đảo Quan Lạn (Quảng Ninh) cho biết: Rất có thể mực xé trên thị trường hiện nay là một sản phẩm đã được xử lý bằng công nghệ hóa chất bí mật.

Có thể là mực mặn, rẻ tiền

Ngày 30/10, Chi cục Quản lý thị trường TP.Hải Phòng tổ chức tiêu hủy hàng tấn mực xé không rõ nguồn gốc. Trước đó, người dân rộ lên thông tin mực xé làm từ... cao su. Ngành y tế đã phải lên tiếng trấn an nhưng nguồn gốc làm mực xé vẫn là dấu hỏi.

Ngư dân phơi mực mặn ở Quảng Nam.


Trong khi chờ đợi ngành chức năng làm rõ, nhiều ngư dân cho rằng, mực xé được làm từ... mực, nhưng là loại mực mặn (chỉ dùng ăn tươi).

Theo ông Lương Văn Com - một ngư dân ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam thường xuyên câu mực ở vùng biển Trường Sa: Loại mực mặn này các thương lái chỉ mua với giá 40 nghìn đồng/kg. Sở dĩ vẫn tiêu thụ được là bởi các thương lái thu mua rồi xuất sang Trung Quốc, sau đó họ chế biến ra các dạng khác như khô mực hay mực xé sẵn.

“Hiện tại, ở một vài địa phương như Khánh Hoà, Phú Yên cũng đã nhập khẩu công nghệ chế biến mực xé này từ nước ngoài về, và cũng đã dùng mực mặn để chế biến thành mực ăn sẵn như mì tôm”- ông Com nói.

Còn theo anh Nguyễn Văn Leo - một chủ tàu chuyên đánh bắt cá chuồn cồ ở vùng biển Hoàng Sa và Trung Sa, hàng năm cứ vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 Âm lịch, thời tiết trên 2 vùng biển này rất lạnh và thường xuất hiện những đám mực nổi lên rồi chết. Nhiều đám rộng đến 4km2 với hàng triệu con mực.

Ngư dân nước ta khi gặp hiện tượng này thường chỉ lấy vợt xúc lên, con nào khoẻ mới lấy làm mồi nhậu. Nhưng các tàu cỡ lớn của nước ngoài thì họ dùng lưới rút cỡ lớn thu gom hết mang về chế biến. Còn chế biến thành sản phẩm gì thì ngư dân không biết.

Công nghệ bí mật

Ông Bàng Quân Hưng - người Đông Hưng, Quảng Đông, Trung Quốc, một chuyên gia chế biến mực, sứa thường xuyên có mặt ở đảo Quan Lạn (Quảng Ninh) cho biết: Sứa và mực đều là dạng nhuyễn thể, nên khi chế biến phải được xử lý bằng các loại hóa chất đặc biệt.

Ngay cả những người chuyên làm những công việc ướp hóa chất như ông cũng không nắm rõ quy trình và gồm những loại hóa chất nào, vì mỗi người chỉ được quản lý và chịu trách nhiệm 1 loại, không ai được biết của người khác.

Theo quy trình chế biến, sứa hay mực đều được đưa vào bể rửa sạch, sau ngâm hóa chất cùng với muối, khoảng 10 giờ đồng hồ sau mới xả hóa chất rồi đưa vào sấy khô để giữ cho sản phẩm có màu đẹp và không bị phân hủy. Rất có thể mực xé trên thị trường hiện nay là một sản phẩm đã được xử lý bằng công nghệ hóa chất bí mật như ông Hưng nói.

Tại Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận, mực xé ăn liền cũng xuất hiện khoảng 2 năm trở lại đây. Ông Nguyễn Thành Bắc - Đội phó Đội Quản lý thị trường quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, cơ quan quản lý thị trường đã có những nghi vấn, và đã đưa một số mẫu đi kiểm nghiệm hóa sinh, nhưng đều cho kết quả không phải là cao su hay hợp chất gì khác mà vẫn là loại họ mực thân mềm. Nhưng theo ông Bắc, trước khi các nhà khoa học tìm ra những độc tố có trong loại mực xé này, người tiêu dùng cần cẩn thận trước những sản phẩm mực đóng gói xé sẵn không rõ nguồn gốc.

Ngày 2/10, theo ghi nhận của phóng viên tại các khu vực ven biển tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, hiện nay đã không còn xuất hiện loại mực xé nhỏ (đóng gói). Bà Lưu Thị An, ở xã ven biển Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết: Hồi năm ngoái, ở địa phương này cũng xuất hiện loại mực xé nhỏ, đóng gói, nhưng giờ không thấy ai bán nữa. Còn tại xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc và thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa (những nơi cung cấp hàng hải sản lớn của tỉnh) cũng không thấy ai bán loại mực nêu trên. Anh Trần Xuân Lực, ở xã Ngư Lộc cho biết: Sau khi nghe nói loại mực xé, đóng gói sẵn có lẫn cao su, người dân và cả khách đã tẩy chay loại mực ấy.
 
Theo VTCNews
Chia sẻ