Mất tiền vì ham mua iPhone giá siêu rẻ

Theo Thanh Niên,
Chia sẻ

Tưởng mua được chiếc iPhone xịn với giá 2,4 triệu đồng nhưng anh N.M.L dính bẫy hàng Trung Quốc của một người giả bán vé số dạo.

Đã gần nửa tháng trôi qua nhưng anh N.M.L, ngụ ở ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TP.HCM) vẫn nhớ rõ từng chi tiết: “Hôm đó có một chị bán vé số ghé nhà, trên tay cầm một chiếc điện thoại iPhone nói là mới lượm được ở quán cà phê nhưng không biết cách sử dụng cũng không biết nó là điện thoại gì. Nghe thế tôi mới hỏi mua nhưng chị bán vé số dùng dằng không muốn bán vì không biết giá cả thế nào.

Mất tiền vì ham mua iPhone giá siêu rẻ
Cảnh giác với những người bán hàng cao cấp giá siêu rẻ

Vả lại thấy điện thoại đẹp cũng muốn giữ lại. Sau một hồi ngã giá, chị bán vé số quyết định bán với giá 2,4 triệu đồng. Tôi nhìn thấy nó giống iPhone 4, nhưng bán giá có chừng đó thì quá rẻ. Không có đủ tiền, tôi đã vay mẹ thêm 1,4 triệu đồng nữa, với hy vọng bán lại kiếm lời chút đỉnh vì tôi biết giá ở ngoài loại này tới hơn 14 triệu, nếu điện thoại cũ giá cũng 10 triệu”. Tuy nhiên, khi đem ra tiệm điện thoại kiểm tra lại, anh L. mới té ngửa vì đó là điện thoại iPhone Trung Quốc đang bán trên thị trường giá chỉ hơn 1 triệu đồng. Biết bị lừa, anh L. đã rảo quanh một số con đường ở xã kiếm người bán vé số nhưng mấy ngày liền không gặp. 

Chị V. ngụ ở Q.5 (TP.HCM) cũng hết sức bức xúc về trường hợp bị lừa của mình: “Mới đây, trên đường đi làm về, tình cờ tôi gặp hai thanh niên mặc áo phông in chữ Rinnai, tên một hãng bếp gas Nhật, đứng cạnh chiếc xe tải nhỏ loại 1 tấn. Hai thanh niên này mở cửa thùng xe cố ý để cho người qua lại nhìn thấy những vật dụng như kệ, tủ, và vài tấm biển nhỏ… chở bên trong và giới thiệu là người của hãng Rinnai đang đi giao hàng. Họ cho biết sau khi giao hàng về hãng còn thừa 1 chiếc bếp gas âm Rinnai và sẵn sàng bán với giá rẻ là 1,5 triệu đồng so với giá 4,5 triệu đồng trên thị trường vì thiếu giấy bảo hành. Tôi thấy rẻ nên mua nhưng sau đó phát hiện ra chiếc bếp trên là hàng Trung Quốc được làm nhái”. 

 Anh T., công tác tại Q.1, kể: “Hôm đó tôi vào trụ ATM trên đường Bùi Thị Xuân để rút tiền. Khi rút xong thì có một chiếc xe tải nhỏ trờ tới, trên xe có 2-3 người đàn ông. Một người rất khẩn khoản bước đến trình bày là nhân viên giao hàng của công ty Rinnai, nhưng xuất kho còn dư 1 cái bếp gas phải mang về. Họ nhanh nhẹn mở thùng hàng, cho xem cả giấy xuất kho và yêu cầu bán với giá chỉ 2 triệu đồng. Tôi đang ngần ngừ định bỏ đi thì họ níu lại nói là có thể thỏa thuận, muốn mua giá nào cứ nói. Tôi thấy khả nghi nên nhất định không mua, sau này hỏi ra mới biết đây là chiêu lừa bán hàng Trung Quốc kém chất lượng”. 

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Bách Phong - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM - khuyến cáo: “Trên bình diện người tiêu dùng, tôi muốn khuyến cáo bà con phải tỉnh táo trước khi mua món hàng “ngoài luồng”, tức là món hàng không được bán ở nơi có tên hiệu, có địa chỉ… Cần báo ngay cho cơ quan nhà nước (cụ thể là Chi cục Quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế) biết nếu nghi ngờ bị cá nhân, tổ chức nào đó “dụ” mua hàng kém chất lượng; còn bản thân thì mình phải dứt khoát, đừng vì một món lợi nhỏ mà mua hàng ở những nơi không địa chỉ, không thể khiếu kiện được; đừng dính tới hàng trộm cắp mà mang vạ”.


Chia sẻ