Lời từ chối nhà tuyển dụng của cô gái trẻ gây xôn xao

Theo VietNamNet,
Chia sẻ

Khi bạn cần một công việc nào đó, đừng để nhà tuyển dụng nhìn nhận rằng họ đang “bố thí” cho bạn. Hãy để họ biết rằng bạn ở đây để giúp họ. Điều đó chỉ có được khi bạn được tôn trọng, và sự tôn trọng chỉ đến khi bạn biết cái gì đúng cái gì sai để đấu tranh cho nó.

“Tôi đang là một phóng viên. Công việc hàng ngày của tôi là phỏng vấn, thu thập tài liệu, chạy deadline, viết bài chỉnh chu nộp biên tập viên.

Đến nay cũng đã hơn 4 năm tôi “ăn dầm nằm dề” với nghiệp viết.

Giống như mắc bệnh nghề nghiệp, mỗi khi thấy bất cứ cơ hội nào có thể giúp tôi viết cứng tay hơn hoặc hứa hẹn học hỏi nhiều điều, tôi đều tìm đến để cộng tác thêm.

Lời từ chối nhà tuyển dụng của cô gái trẻ gây xôn xao 1
Ảnh minh hoạ

Cách đây một tuần, tôi đọc được một tin tuyển dụng của một công ty truyền thông cho vị trí liên quan đến mảng phóng sự.

Tôi hứng thú, tôi cảm thấy vui, tôi chủ động liên hệ với suy nghĩ: “À, mảng phóng sự, mình có thể học hỏi được nhiều đây!.

Sau đó, tôi đã gửi một email khá nhã nhặn nhưng cũng không kém phần rõ ràng bởi nghề báo không cho phép tôi cẩu thả, viết một câu không đơn thuần như văn nói và ngay cả khi bạn viết một email bạn cũng cần phải tôn trọng người đọc.

Nguyên văn tôi viết như sau:

"Dear anh/chị công ty truyền thông...

Mình tên Thảo N, hiện là phóng viên của báo….

Vô tình mình đọc được thông tin tuyển dụng nhân viên truyền thông của công ty trên mạng xã hội, mảng công việc liên quan mật thiết đến báo chí, mình quyết định gửi CV ứng tuyển.

Mình đã làm trong ngành báo tính đến nay hơn 4 năm kinh nghiệm và xác định chỉ làm báo mà thôi. Khi đọc được mẩu tin tuyển người của quý công ty, nhận thấy đây có thể là cơ hội để phát triển công việc ở mảng phóng sự, mình vô cùng hứng thú.

Đính kèm email là CV bằng tiếng Việt của mình, anh/chị vui lòng tham khảo thêm nhé. Xin cảm ơn và hy vọng được hợp tác."

Nhưng sau khi khi tôi nhận được phản hồi từ nhà tuyển dung thì cảm hứng làm việc của tôi bỗng tắt ngúm.

Bức thư của nhà tuyển dụng trả lời như sau:

"Chào bạn thảo công ty mình ở Hà Nội, Bạn ở Sài Gòn có thể ứng tuyển vị trí cộng tác viên trong đó mình đang cần xây dựng 1 đội ngủ tại sài gòn

Mình sẻ có 1 cuộc điện thoại trao đổi phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại

Thân!"

Dĩ nhiên, dưới con mắt của một người xem trọng câu chữ, tôi nhìn nhận bức mail trên là sự cẩu thả và xem thường người khác. Lỗi chính tả, câu cú loạn xạ, viết hoa viết thường tứ tung và kêu sai tên người gửi.

Bạn có thể bận, nhưng 5 phút để viết một email lịch sự không khó. Và nếu bạn không làm được điều đó, tôi cũng có quyền đòi lại sự tôn trọng của mình.

Tôi lịch sự viết lại với nội dung từ chối cuộc phỏng vấn cũng như cơ hội cộng tác, đồng thời cho biết mình cảm thấy không được tôn trọng đúng mực nên sau này người viết hãy chú trọng lỗi chính tả và danh xưng hơn. Tôi bị “quật” lại bởi email dài hai dòng với nội dung là “chúng tôi không thiếu người để tuyển dụng, nên đối với người như bạn sẽ không có lần sau đâu”.

Đọc tới đây, tôi chỉ cảm thấy phì cười. Cười vì sự đòi hỏi của tôi cho sự tôn trọng tối thiểu đang quá khó, cười vì may quá tôi không phải kiểu thất nghiệp đi xin việc mà chỉ đang kiếm cơ hội học hỏi thêm và cười vì nhà tuyển dụng xem những người tìm đến họ là hàng lô hàng tá, “không người này thì kẻ khác”.

Trước cười, sau tôi lại buồn. Tôi nghĩ đến những bạn cộng tác viên yêu thích nghề báo, yêu viết lách đang phải cật lực tìm kiếm công việc cho mình.

Tôi tự hỏi bao nhiêu trong số đó sẽ phản ứng đòi cho mình cái quyền được tôn trọng và bao nhiêu trong số đó chấp nhận cho qua?.

Tôi cho rằng khi cần một công việc đi chăng nữa, đừng để nhà tuyển dụng nhìn nhận rằng họ đang “bố thí” cho bạn. Hãy để họ biết rằng bạn ở đây để giúp họ. Điều đó chỉ có được khi bạn được tôn trọng, và sự tôn trọng chỉ đến khi bạn biết cái gì đúng cái gì sai để đấu tranh cho nó.

Chuyện tôi kể cũng tới đây thôi, nhưng nó gợi trong tôi một góc nhìn khá mới về cách giao tiếp. Chỉ vài dòng chữ cũng khiến người khác cảm thấy ra sao, chỉ vài dòng chữ thôi cũng là cách bạn đang truyền đi thông điệp của mình. Và trớ trêu thay, dân báo chí nhạy với dòng chữ gấp bội phần”.

Ngay khi câu chuyện bức xúc trên được chia sẻ, rất nhiều người đã tỏ ra khá đồng tình với ý kiến của người viết. Đa số họ cho rằng: Khi nhà tuyển muốn tuyển được người tài thì trước hết họ cần thể hiện được cái tầm và sự chín chắn trong giao tiếp của mình trước đã.

Chia sẻ