Khi hàng Tàu đội lốt "Made in Vietnam"

Mây Trinh,
Chia sẻ

Chỉ sau một thời gian ngắn, chiếc áo "Made in Vietnam" bị dão hẳn ra, phai màu và rụng lông. Kiểm tra kĩ, chị H mới phát hiện ra đằng sau cái mác Made in Vietnam là nhãn toàn chữ Trung Quốc được dán đè lên.

Bán hàng Tàu, trưng biển "Made in Vietnam"

Những năm trở lại đây, quần áo VNXK dần lên ngôi và trở nên ngày càng phổ biến. Hàng Việt ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong nước. Nhưng có một thực trạng đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang trà trộn vào các shop ngày càng gia tăng.

Số hàng rởm, nhập lậu hiện đang trôi nổi trên thị trường chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, được người bán nhập về rồi dán nhãn mác “made in Vietnam” vào. Thế là quần áo “made in China” lại đường hoàng bước chân vào các cửa hàng vốn treo biển chỉ dành cho hàng nội.

“Nhập hàng Tàu giá rẻ, mẫu mã đẹp mà chất lượng cũng không thua kém bao nhiêu. Chứ bán độc hàng nội thì khó kiếm lời lắm.” Anh N, một chủ cửa hàng bán đồ VNXK tiết lộ. Và vì lãi cao mà nhiều chủ cửa hàng sẵn sàng “treo đầu dê, bán thịt chó”, lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để hô biến hàng đểu, hàng lên thành hàng chính hãng xuất khẩu nguyên mác, nguyên tem.


Hàng Việt ngày càng giành được thiện cảm của người tiêu dùng

Người mua hàng, nhất là các chị em công sở thích hàng xuất khẩu ở ưu điểm rẻ, bền và mẫu mã ngày càng đa dạng. Nếu có nhu cầu sử dụng quần áo tàu, chị em sẽ không bao giờ bước chân vào một cửa hàng có chữ VNXK. Thế nhưng tình trạng trà trộn diễn ra trắng trợn, khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần. Cùng một mặt hàng ấy, ở chợ cóc bán với giá 100 nghìn thì khi đường hoàng bước chân vào các shop VNXK, được gắn nhãn mác hàng nội “xịn” thì có khi người tiêu dùng phải trả đến 150 nghìn thậm chí là hơn. Với chiêu thức kinh doanh ấy, các cửa hàng bán quần áo Việt Nam xuất khẩu đang tự “tẩy chay” hàng nội và vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái lộng hành.

Bên cạnh hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, Campuchia núp bóng hàng “Made in Vietnam”, thì cũng không thiếu những sản phẩm nhái theo dạng chủ hàng tự may theo mẫu VNXK, hàng thời trang có sẵn. Những sản phẩm thủ công copy này được các chủ cửa hàng dán nhãn, tự phong thành hàng VNXK, để đẩy giá thành lên cao. Người tiêu dùng nếu không cẩn thận có thể mắc bẫy một cách ngoạn mục. Còn các cửa hàng chỉ cần bỏ ra ít vốn nhưng lại thu về nguồn lợi cao.

Theo chị T, một người bán hàng quần áo lâu năm trên phố Nguyễn Lương Bằng cho biết: Hàng VNXK có hai loại. Thực tế, hàng VNXK “xịn”, chính hãng trên thị trường rất ít. Một loại là hàng do các hãng nước ngoài thuê nhân công Việt may gia công, nguyên phụ liệu 100% nhập từ chính hãng, xuất khẩu đi các nước EU, Châu Mỹ...và không được phép bán trực tiếp tại Việt Nam. Muốn bán tại Việt Nam phải nhập khẩu lại từ nước ngoài. Chính vì thế giá sản phẩm rất cao vì chịu 2 lần thuế xuất khẩu, nhập khẩu, chi phí vận chuyển, VAT… Chỉ có một ít sản phẩm sau khi gia công, không được xuất đi như hàng mẫu, hàng tồn kho, hàng trưng bày… và số ít hiếm hoi ấy bằng cách nào đó được tuồn ra ngoài và tiêu thụ trên thị trường.


Chỉ cần gắn mác này vào thì từ hàng Tàu cũng có thể thành VNXK (Ảnh minh hoạ)

Còn một loại là hàng VN xuất khẩu đi: do nhà máy kí được hợp đồng, tự gia công, nguyên phụ liệu tự sản xuất, và thường là những nhãn hàng của 1 số nhà máy VN sở hữu. Chất lượng của loại này thường kém hơn loại trên, có thể có số lượng nhiều trên thị trường do từ nguồn hàng lỗi, hàng dự phòng...

Bên cạnh hệ thống các cửa hàng, đồ VNXK nhái cũng len lỏi lên các diễn đàn mua sắm, rao vặt online. Chỉ cần một cú click chuột là chị em có thể dễ dàng tìm thấy những lời quảng cáo bán hàng VNXK “xịn”. Thấy dòng quảng cáo bán quần áo VNXK chính hãng hấp dẫn trên một trang rao vặt trực tuyến, chị H (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hí hửng đặt mua một chiếc áo len với giá 200 nghìn và chắc mẩm nghĩ vớ được món hời. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn mặc thì vải bị dão ra, phai màu và rụng lông. Kiểm tra kĩ, chị H mới phát hiện ra đằng sau cái mác Made in Việt Nam là nhãn toàn chữ Trung quốc.

Còn chị M, Hoàng Mai, Hà Nội thì bị trúng vố đau hơn. Đợt lạnh năm ngoái, chị mua cho chồng một chiếc áo phao ở cửa hàng VNXK với giá 1 triệu 400 nghìn. Tin tưởng vào thương hiệu hàng nội, chị cũng không kiểm tra kĩ. Đến khi về mới phát hiện ra đó là hàng Trung Quốc. Chị càng "cay cú" hơn khi phát hiện cũng chiếc áo y hệt như thế ở phố Hàng Đào lại được bán với giá chưa đến 700 ngàn. Vừa tức lại vừa tiếc, chị M chỉ biết dặn mình từ sau đi mua hàng phải cẩn thận hơn, không thì vào shop nội mà cuối cùng lại mang về hàng rởm.

Mách nước cho chị em

Trong thời buổi vàng thau lẫn lộn, người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình, tránh tình trạng mua phải hàng tàu ngay ở những nơi treo biển Made in Vietnam.

Chị B, một tín đồ của VNXK mách nước: Nhãn mác hàng Trung Quốc chỉ "bắn" nguyên trên giấy chứ không có mác vải in trên cổ áo hoặc nếu có, khi nhìn kỹ, đường may thực chất là bị cắt ra (cắt mác “Made in China” đi, rồi gắn mác “Made in Vietnam” vào). Hàng chính hãng thường có chất liệu mềm, mát và đẹp, tem may chuẩn và thường có code bên trong sản phẩm.

Trong khi đó mặc dù hàng nhái giày dép, quần áo làm theo mẫu mã của chính hãng nhưng chất liệu vải, chất liệu may thô và không đảm bảo quy trình chất lượng. Thêm vào đó là keo dỏm, đường chỉ may không sắc sảo, độ bền không đảm bảo và thường chắp vá nguyên vật liệu theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn quần áo đã bị giãn, phai màu và xù lông.  

"Trước tình trạng hàng nhái ngày càng phổ biến như hiện nay, chị em đừng nên ham rẻ mà hãy xem xét kĩ đường kim mũi chỉ cũng như chất liệu vải, hình thức mẫu mã, kiểu dáng kẻo vớ phải hàng fake. Tốt nhất hãy chọn những cửa hàng Made in Vietnam uy tín, có tên tuổi trên thị trường", chị B tư vấn.

Chia sẻ