Khám bệnh tại nhà, nhu cầu có thật

,
Chia sẻ

Nếu là bác sĩ, hẳn trong cuộc đời hành nghề của mình, không hiếm những lần bạn được một gia đình bệnh nhân nào đó mời về nhà thăm bệnh cho người thân.

Trong khi ở nước ta, hệ thống bác sĩ gia đình chưa phát triển theo đúng nghĩa, thì dịch vụ khám và chữa bệnh tại nhà chính là một tiện ích y khoa mà rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu.

Cho đến bây giờ, ở Việt Nam chưa có một trung tâm hay một cơ quan nào có trách nhiệm thật sự trong việc cung cấp thông tin cho những người muốn mời thầy thuốc đến thăm bệnh tại nhà. Tất cả những thông tin đều do truyền miệng, do quen biết, do tình cờ và một nguồn không nhỏ là từ các bệnh viện, phòng mạch tư.

Ai muốn khám bệnh tại nhà?

Những người có nhu cầu khám bệnh tại nhà thường là những gia đình có bệnh nhân bị các bệnh mãn tính và di chứng của các bệnh nặng: cao huyết áp, tai biến mạch máu não, tiểu đường và nhất là những bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối. Thỉnh thoảng cũng có những trường hợp bị bệnh cấp cứu không đi lại được và bác sĩ được mời đến nhà, ngoài khám bệnh có thể tiêm thuốc và truyền dịch luôn theo yêu cầu của thân nhân.

Phần lớn những bệnh nhân yêu cầu được khám bệnh tại nhà đều có kinh tế tương đối khá. Vì chi phí khám bệnh cho một lần mời có thể cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với khám bệnh tại phòng khám bệnh viện. Nhưng cũng tiện lợi cả đôi đàng, vì rằng nếu đưa đi khám, những bệnh nhân này thường không tự đi được, tiền xe taxi, nhờ người đi theo, đến phòng khám phải chờ đợi, rất là nhiều chi phí và cũng gần tương đương với thù lao cho bác sĩ đến nhà thăm bệnh. Cũng có những gia đình, cha mẹ bị bệnh ác tính lâu ngày, không thể mỗi ngày đều có người mang bệnh nhân đi khám hoặc săn sóc về phương diện y tế được. Họ chấp nhận chia sẻ kinh tế với nhau và mời thầy thuốc đến nhà. Thời gian không bị mất ấy họ làm việc khác cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

“Khám bệnh tại nhà giúp người thầy thuốc tiếp xúc tốt hơn với người bệnh, thông hiểu hoàn cảnh người bệnh, giúp gia đình và bệnh nhân giải quyết được những điều khẩn cấp mà các dịch vụ y tế khác không làm được”.

Đòi hỏi bác sĩ phải đa năng

Đa phần bác sĩ khi đến khám bệnh tại nhà phải làm cả công việc của y tá, nghĩa là truyền dịch, tiêm thuốc, dặn bệnh nhân cách uống thuốc, thậm chí thay thông tiểu, thay ống thông dạ dày nuôi ăn cho những bệnh nhân nặng, hôn mê, thay băng...
 
Không giống như những công việc đơn thuần khám bệnh hay mổ xẻ hàng ngày trong bệnh viện. Nguồn bác sĩ làm công việc này thường là những bác sĩ trẻ mới vào nghề, nhận làm để vừa có thêm thu nhập, vừa tích luỹ kinh nghiệm điều trị, săn sóc bệnh nhân. Khi tuổi đã lớn, việc khám bệnh tại nhà với họ ngày một thưa dần, họ sẽ từ chối bớt những bệnh nhân lạ và chỉ còn khám cho một vài bệnh nhân cũ, vì tình nghĩa và những kỷ niệm tốt mà gia đình và người bệnh đã dành cho hơn là vì thù lao.

Một số bác sĩ khi đến khám bệnh tại nhà còn là do quen biết với gia đình bệnh nhân từ trước, họ được coi như người thân và mọi ý kiến về bệnh tật cũng được người nhà tham khảo. Số còn lại có vai trò như bác sĩ gia đình, hàng tháng nhận một số tiền thù lao nhất định và chăm lo sức khoẻ cho gia đình thân chủ. Bất kỳ đêm hôm, mưa gió, khuya khoắt thế nào, khi thân chủ gọi là phải lên đường dù chỉ đến cho bệnh nhân một viên thuốc ngủ hay một gói thuốc sốt cho cậu con quý tử hồi chiều còn chạy chơi, nửa đêm lên cơn sốt nhẹ.

Quy hoạch lại dịch vụ để chuyên nghiệp hơn

Ở nước ngoài, đặc biệt là Pháp, hệ thống bác sĩ gia đình rất phát triển. Các bác sĩ gia đình được tập hợp và quản lý bởi y sĩ đoàn. Danh sách bác sĩ được đăng ký, họ cũng chia nhau trực như bác sĩ tại bệnh viện. Tiền thù lao khám bệnh được quy định rõ ràng: cao gấp ba lần so với đi khám tại phòng khám. Số tiền này cũng được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định và bác sĩ phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, cả về chuyên môn lẫn phương diện tài chính đối với bảo hiểm. Đây là kinh nghiệm chăm sóc sức khoẻ cộng đồng chúng ta nên lưu ý, khi mà nhu cầu xã hội hoá của ngành y tế ngày càng cao, mọi yêu cầu chính đáng của người bệnh cần được tôn trọng và thực hiện.

Khám bệnh tại nhà là một trong những dạng dịch vụ y tế rất cần thiết cho cả người bệnh và các bác sĩ trẻ. Nó giúp người thầy thuốc tiếp xúc tốt hơn với người bệnh, thông hiểu hoàn cảnh người bệnh, giúp gia đình và bệnh nhân giải quyết được những điều khẩn cấp mà các dịch vụ y tế khác không làm được. Mặc dù vẫn còn nhiều bất cập, cả về phương tiện điều trị và ứng xử giữa người bệnh và thầy thuốc nhưng thực tế vừa qua cho thấy, kết quả chữa trị được nâng lên rõ rệt, nhiều trường hợp bệnh nặng đã được chuyển viện kịp thời, giúp bệnh nhân qua cơn thập tử nhất sinh. Trong quá trình khám bệnh và điều trị, nhất là những trường hợp bệnh mãn tính hay ác tính cần điều trị lâu dài, giữa gia đình bệnh nhân và bác sĩ cũng đã có những tình cảm tốt đẹp.

Đã đến lúc các nhà quản lý, thầy thuốc và người bệnh cần ngồi lại với nhau để phác thảo một kế hoạch quy hoạch lại dịch vụ này, như các nước tiên tiến trên thế giới đã làm, không nên để nó phát triển tự phát và chưa đạt hiệu quả cao như ở nước ta hiện nay.

Vui lắm, buồn cũng nhiều…
 
Thời gian mới ra trường, tôi cũng nhận lời khám bệnh tại nhà cho khá nhiều người. Những ngày đầu tôi thấy rất lo, không biết người ta sẽ đối xử với mình như thế nào. Khi đi khám như vậy, niềm tôn trọng với người thầy thuốc có còn không?
 
Vì chỉ có niềm tôn trọng này, người bệnh mới thật sự tin tưởng vào bác sĩ và kết quả điều trị. Rất may là hầu hết các gia đình mời tôi đến khám bệnh tại nhà đều coi trọng thầy thuốc, có người còn mang xe đến bệnh viện đón, phần vì lo bác sĩ không đến, phần thì sợ khó tìm nhà. Mọi yêu cầu của thầy thuốc về chuyên môn đều được đáp ứng. Những chỉ định điều trị cũng được tuân thủ tốt.
 
Bên cạnh niềm vui thì cũng có những nỗi buồn. Nhiều đồng nghiệp của tôi kể lại, có những gia chủ, khi người nhà bệnh nặng, họ mời bác sĩ đến khám với thái độ cầu cứu, chỉ cần người nhà khoẻ lên một chút là thay đổi thái độ liền, coi bác sĩ như chủ nợ.
 
Lại có những lần, khi bệnh vừa tạm khỏi, họ đã đề nghị bác sĩ không khám nữa. Nếu trong bệnh viện, người bệnh tin tưởng tuyệt đối thầy thuốc thì khi khám tại nhà, người bệnh có thể bỏ ngang điều trị bất cứ lúc nào mà không cần báo trước vì đủ mọi lý do: kinh tế, chuyện gia đình hay không tin tưởng bác sĩ.

 

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam
SGTT
Chia sẻ