Học sinh cấp 2 học 5 năm thay vì 4 năm: Nhiều phụ huynh lo lắng

Nguyệt Nguyễn(TH) - Hồng Hạnh,
Chia sẻ

Trước thông tin đề xuất "Học sinh cấp 2 sẽ học 5 năm thay vì 4 năm" đang được bàn luận tại phiên họp Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, một số phụ huynh bày tỏ sự lo lắng.

Đề xuất học THPT trong 2 năm, học sinh cấp 2 sẽ học 5 năm thay vì 4 năm

Ngày 20/8, tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, nhiều vấn đề liên quan tới đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã được thảo luận.

Học sinh cấp 2 học 5 năm thay vì 4 năm: Nhiều phụ huynh lo lắng 1
Học sinh trường THCS Tăng Bạt Hổ A, quận 4, TP.HCM trong giờ ra chơi - Ảnh: TTO


Trong đó, việc xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân được bàn đến với 2 phương án:

Phương án 1, giáo dục cơ bản thực hiện trong 10 năm (5 năm tiểu học và 5 năm THCS),  giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 2 năm.

Phương án 2, giáo dục cơ bản thực hiện trong 9 năm (5 năm tiểu học và 4 năm THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp thực hiện trong 3 năm.

Phân tích về hai phương án này, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng phương án 1 có ưu điểm thêm 1 năm để học sinh có điều kiện trang bị tốt kiến thức phổ thông nền tảng.

Độ tuổi 16 học xong giáo dục cơ bản phù hợp hơn độ tuổi 15 khi triển khai phân luồng sau THCS. Nhưng có hạn chế là nếu thực hiện, sẽ phải điều chỉnh Luật Giáo dục năm 2005 và phải cơ cấu lại các yêu tố trong hệ thống giáo dục hiện hành.

Phương án 2 có ưu điểm là đảm bảo quy đinh tại Luật Giáo dục năm 2005 và ổn định hệ thống giáo dục hiện hành. Nhưng với 9 năm, việc trang bị kiến thức nền tảng còn ít so với yêu cầu mới, trong khi không cần thiết phải kéo dài giai đoạn định hướng nghề nghiệp tới 3 năm.

Nhiều ý kiến nghiêng về phương án 1. Tuy nhiên, đề án vẫn đang được tranh luận gay gắt, chưa có quyết định cuối cùng. GS.TSKH Nguyễn Minh Đường (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH) cho biết ông ủng hộ phương án học sinh THCS sẽ học 5 năm, vì học sinh cần được giáo dục cơ bản toàn diện, có trình độ dân trí tối thiểu để tham gia thị trường lao động hoặc học tiếp lên cao hơn.

Ngược lại với GS Đường, TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng nếu thay thay đổi theo phương án này, chi phí sẽ rất lớn: "Theo tôi, số năm học cho mỗi cấp học không phải là vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay. Mang chuyện này ra bàn bạc chỉ tốn công, tốn của, tốn thời gian, làm xao nhãng suy nghĩ của nhiều người. Trước khi đưa ra một chính sách nào, nhà nước cần xem xét giữa lợi ích và chi phí."

Ông Tống cho rằng sự thay đổi này sẽ gây xáo trộn lớn về cơ sở vật chất, phòng ốc ở các trường, số lượng giáo viên...Không chỉ phiền toái mà sự thay đổi đó còn tốn chi phí rất lớn trong khi lợi ích thì không tương xứng."

"Thay đổi như thế được gì?" - Một số phụ huynh lo lắng

Khi được hỏi thông tin có biết về đề án thay đổi thời gian học cấp 2, chị Nguyễn Kim Nguyên (xóm 2, Cổ Nhuế) phụ huynh học sinh lớp 5 trường Tiểu học Nghĩa Đô cho biết chưa biết thông tin, tuy nhiên, nếu có thế thật sẽ “nhất quyết phản đối”. Bây giờ thi cấp 2, cấp 3 còn khó hơn thi vào đại học, học sinh tiểu học đã đi học cả buổi sáng lẫn buổi chiều, lại học thêm buổi tối, cuối tuần cũng học, học quá nhiều đầu óc mụ mị đi, bây giờ lại học thêm một năm nữa, được cái gì? Phụ huynh này bày tỏ băn khoăn về lợi ích mà sự điều chỉnh mang lại.

Đồng tình với ý kiến này, chị Quỳnh Trang (nhân viên truyền thông) cho rằng 9 năm học không phải là ít để học sinh thu nạp kiến thức cơ bản, không nên thay đổi nhiều mà quan trọng là phải tập trung vào phương pháp dạy.

Chị Lê Thị Vân Anh, phụ huynh của Nguyễn Lê Minh Anh, học sinh lớp 6 Trường THCS Alpha – Trung Hòa Nhân Chính cho biết chị có theo dõi thông tin thay đổi thời gian học của học sinh phổ thông. “Tôi không hiểu sự thay đổi này chỉ là về việc sắp xếp lại tên gọi, số lượng năm học của từng cấp, dồn một số nội dung của chương trình cấp 3 xuống cấp 2 hay thay đổi cả nội dung chương trình. Điều tôi quan tâm nhất là nếu thay đổi như vậy, cụ thể 2 năm phổ thông sẽ học gì, hướng nghiệp ra sao, hay vẫn học chương trình như trước (chỉ khác là phần chương trình lớp 10 chuyển xuống cấp 2)? Còn nếu dồn chương trình lại và mọi thứ như cũ, thì chẳng để làm gì!”

Theo phụ huynh học sinh này, việc thay đổi thời gian học như vậy sẽ mang đến sự xáo trộn và tốn kém không cần thiết: “Nếu chương trình cấp 3 chuyển xuống cấp 2 học, rõ ràng phải sắp xếp lại giáo viên, yêu cầu của giáo viên THPT là tốt nghiệp đại học trong khi giáo viên THCS là tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.”

“Vấn đề quan trọng nhất là tại sao lại thay đổi, cấp 3 sẽ học gì, hướng nghiệp ra sao, có ưu việt hơn không? Nếu thực sự lợi ích hơn thì mới nên thay đổi” – Phụ huynh này nhận định.

Chia sẻ