"Học ở đây vui lắm, không mất tiền lại có cơm ăn nữa!"

Tấn Rin,
Chia sẻ

Trong bộ đồ lấm lem bùn đất, em Ngàn Văn Dũng (7 tuổi) vừa múc cơm vừa cười vang nói. Dũng là một trong số 140 học sinh được ăn - học miễn phí ở lớp tình thương của vợ chồng ông Đoàn Minh Hùng, bà Nguyễn Thị Kim Chi.


Trời nhá nhem tối, những đứa trẻ lại bắt đầu đến với lớp học tình thương Hòa Hảo của thầy Hùng (tại số 166 Phan Anh, Phường Tân Thới Hòa, Quận Tân Phú, Tp. HCM) để theo đuổi ước mơ con chữ. Gặp khách lạ, lũ trẻ vòng tay lễ phép rồi mau chóng quay sang chào người thầy già nơi góc cửa. Xong chúng ùa vào lớp để chuẩn bị cho việc học.


Lớp học Hòa Hảo được ông Hùng thành lập từ hơn 5 năm trước, lúc đầu chỉ có vỏn vẹn 2 học viên là những đứa trẻ bán vé số, giờ thì sĩ số của lớp đã lên tới 140 em. Đa số những học sinh nơi đây đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Phần lớn thời gian của các em là ở ngoài đường để bán vé số, hoặc nhặt ve chai phụ giúp gia đình. Ông Hùng tâm sự: “Tôi vốn xuất thân là nông dân, lại có một tuổi thơ rất gian khó, nên khi chuyển về đây, thấy mấy đứa nhỏ trong xóm hằng ngày phải phụ giúp gia đình bán vé số, nhặt ve chai, tôi thấu hiểu phần nào. Dù không được học qua trường lớp chính qui nhưng tôi vẫn quyết định mở lớp học này với ước mong sao chúng nó có cái chữ để sau này vào đời không bị thiệt thòi.”


Trong căn phòng rộng chỉ chừng 25m vuông, bàn ghế được xếp san sát, 2 tấm bảng ốp vào nhau để phân chia 2 lớp. Thời khóa biểu được chia từ thứ 2 đến thứ 7, bắt đầu từ 6 giờ tối và kết thúc lúc 7h45. Mỗi buổi là một môn học khác nhau. “Tôi chỉ dạy được cho mấy đứa tập đọc tập viết, còn Anh văn hay Toán của mấy lớp 3 lớp 4 tôi phải nhờ sự giúp đỡ của con trai (tên Tùng) và những sinh viên tình nguyện” - ông Hùng Tâm sự.

15 phút sau khi lớp học bắt đầu, trước cửa nhà có tiếng xe máy đỗ lại. Đó là bà Nguyễn Thị Kim Chi - vợ thầy Hùng - vừa đến tận nhà mấy em đón đến lớp. Bà Chi giải thích: “Nhiều đứa nhà gần còn đi bộ được, chứ ở xa thì tui tới đón kẻo chúng lại nghỉ học”.


Sách và giáo án ở đây chủ yếu là hàng cũ được ông mua về hoặc được những mạnh thường quân tặng. "Gia tài này" được ông Hùng sắp xếp rất cẩn thận và phân chia theo từng lớp học. Theo lời ông Hùng thì có lúc khó khăn quá, không đủ kinh phí, ông đã phải về Vũng Tàu bán đất để có đủ tiền duy trì lớp.


Ngoài khó khăn về vật chất, thời gian đầu rất nhiều em chỉ học vài ba bữa rồi bỏ. Hỏi ra mới biết, thay vì học ở lớp 2 tiếng thì các em chọn dùng thời gian đó kiếm tiền dể có cái bỏ bụng. Biết được tâm tư của mấy em, ông Hùng bàn với vợ mở thêm một tiệm cơm chay trước nhà. Một mặt, ông bà sẽ bán cơm cho người có tiền để có thêm thu nhập, mặt khác dù lời lỗ thế nào, hằng ngày ông Hùng cùng vợ vẫn luôn dành ra những suất cơm miễn phí cho học sinh của lớp. Vậy là không còn em nào bỏ học nữa, lớp học lại đông đúc và càng rộn ràng hơn.


Em Ngàn Văn Dũng (7 tuổi) trong bộ đồng phục lấm lem bùn đất, vừa múc cơm vừa cười vang: “Con học ở đây được 2 năm rồi. Con không có tiền học thêm nên sau giờ ở lớp con tới đây học, học ở đây vui lắm, không mất tiền lại có cơm ăn nữa.


Lớp mỗi ngày một đông mà phòng học bàn ghế thì có hạn nên nhiều em phải kê tập lên đùi để viết . Khó khăn của các em cũng là niềm trăn trở của ông Hùng: “Mỗi tháng chi phí phát sinh cho lớp học cộng tiền trọ cũng đã hết 9 triệu đồng, biết là khó khăn nhưng tôi quyết giữ lớp để các em không phải thất học”.


Ghế sát ghế, bàn sát bàn, nhưng lớp học diễn ra rất trật tự và nghiêm túc. Vừa viết xong chữ two bé Kim Ngân (8 tuổi) khoe: “Giờ con đã biết đọc, biết viết rồi, con còn biết cả tiếng Anh nữa”.


Sau mỗi buổi học không ai bảo ai lũ trẻ tự động dọn bàn ghế ngăn nắp, quét dọn sạch sẽ cho buổi học sau.


Tại lớp học Hòa Hảo, ngoài việc học thì cứ đều đặn vào một ngày trong tháng, thầy Hùng cùng các tình nguyện viên lại tổ chức một buổi tiệc sinh nhật chung cho em có ngày sinh trong tháng ấy. Bữa tiệc hôm nay ấm cúng và vui vẻ hơn hẳn bởi 2 chiếc bánh kem to đùng của những mạnh thường quân.


Những nụ cười thả ga sau những giờ học trên lớp của thầy Hùng. “Ở đây ngoài những đứa trẻ nghèo khó không có tiền đi học ở trường, hay học thêm, tôi còn nhận luôn cả những đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ. Những đứa trẻ bình thường dạy đã khó, thì những trẻ bị khiếm khuyết còn khó hơn gấp bội, nhiều lúc cả tháng chỉ dạy được một 2 chữ, nhưng không vì vậy mà tôi từ bỏ” - ông Hùng chia sẻ.


Sau những giờ lên lớp, ông Hùng lại quay trở về với những công việc thường nhật, nấu vội gói mì, ông cười xuề xòa: “Đôi lúc nhìn tụi nó cười vui, tôi chẳng biết đói là gì nữa”.


Nhiều lúc quá khó khăn vợ chồng ông như muốn buông xuôi nhưng nghĩ đến việc lũ trẻ thất học, nghĩ đến cảnh chúng nó háo hức đến lớp, vợ chồng ông lại động viên nhau, cùng vượt qua khó khăn để ước mơ con chữ của những trẻ em nghèo không kết thúc dang dở.
Chia sẻ