Hóa chất thực phẩm độc hại: Dễ như mua rau

Theo VEF,
Chia sẻ

Rất nhiều hóa chất bảo quản thực phẩm như "săm - pết", "chất "tẩy đường", bột soda... có thể gây bệnh cho con người nhưng vẫn được bày bán nhằm mục đích bảo quản rau quả, thịt khỏi thối hay ôi thiu.

Biến ôi thành tươi

Trên thị trường hiện đang thịnh hành một loại phụ gia có khả năng bảo quản thịt tươi lâu cả tuần và thậm chí biến thịt ôi thành thịt tươi có tên là săm - pết. Tìm đến chợ Ngọc Hà, tại quầy hàng khô ngay cổng chợ, chúng tôi đã mua được săm - pết với giá 50.000 đồng/kg. Bột săm - pết được lấy ra cân, bán từ chiếc túi bóng màu trắng, bên ngoài người bán ghi chú bằng bút màu chữ "săm - pết" để ghi nhớ mà không hề có nhãn mác chỉ dẫn thành phần, cách sử dụng, hạn sử dụng cũng như cơ sở sản xuất.

Theo hướng dẫn của người phụ nữ trung niên bán hàng, chỉ cần pha vài thìa bột với một thùng nước, phết lên bề mặt ngoài của các tảng thịt lớn, để trong phòng thoáng mát, không cần để vào tủ lạnh, thịt vẫn được giữ tươi cả tuần, không biến màu, không có mùi lạ. Loại bột này cũng được các chủ hàng kinh doanh thủy, hải sản ưa chuộng vì có khả năng chống thối rất tốt.

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), loại bột săm - pết này là một phụ gia có thành phần là kali nitrat (KNO3). Đây là một phụ gia được phép dùng nhưng trong một giới hạn nhất định nhằm giữ cho thịt không bị chuyển vi sinh vật sinh ra độc thịt. Thịt được ướp chất này sẽ có màu tươi, đẹp mắt. Một lượng nhỏ kali nitrat vào cơ thể không gây độc hại. Tuy nhiên, trong cơ thể nitrat có thể bị khử thành nitric (NO2). Nitric là chất có khả năng biến hemoglobin trong máu (chất đóng vai trò vận chuyển oxy) thành chất methemoglobin (chất không có khả năng vận chuyển oxy).

Chất Soda làm mềm thịt. (Ảnh: Tâm An)

Nếu lượng nitrat trong cơ thể vượt quá mức cho phép, sẽ hình thành nhiều nitric và làm suy giảm khả năng vận chuyển oxy đến các tế bào. Do đó có thể gây ra hiện tượng thiếu oxy, nhất là sự thiếu oxy trong não, đặc biệt là ở trẻ em. Trong trường hợp bị nhiễm độc cấp tính, có thể gây bất tỉnh, thậm chí tử vong do thiếu oxy cung cấp cho tế bào cơ thể. Hơn thế nữa, nitrit khi vào cơ thể tiếp xúc với axit amin trong thịt sẽ chuyển hóa thành nitrisamin - là một chất gây ung thư.

Để làm cho thịt mềm, đặc biệt là thịt bò, thịt bắp mau nhừ, mềm mà không nát, người bán hàng lại sử dụng nhiều cách khác nhau. Trong đó cách phổ biến là dùng "bột khai", loại bột có mùi khai nồng với giá 30.000đồng/kg hay loại bột sô - đa được đóng hộp 30.000 đồng/100g.

Tại ki ốt Huyền Quỳnh, chợ Đồng Xuân chúng tôi mua được một hộp sô - đa làm mềm thịt với giá 30.000 đồng. Hộp sô - đa này chỉ in chữ bằng tiếng Anh, đề tên là Kings. Vỏ hộp ghi thành phần chính của sản phẩm là sodium bikarbonat, sodium bicarbonate nhưng không có ngày sản xuất hay tem cho sản phẩm nhập khẩu. Khi gậy nắp hộp ra không hề có mùi, chỉ khi đưa loại bột trắng trong hộp lên sát mũi mới có mùi hăng hắc. Hỏi cách sử dụng, người chủ ki ốt từ chối: Em tự tìm hiểu cách sử dụng, chị chỉ biết bán thôi.

Tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), hầu như quầy hàng khô nào ở đây cũng bán các loại bột phụ gia thực phẩm. Tại quầy hàng khô của bà Năm, chúng tôi mua được bột khai với chỉ dẫn: 1kg thịt chỉ cần dùng gần một thìa nhỏ bột khai là thịt đã mềm rất nhanh. Thịt đã ôi, nếu rửa sạch rồi cho vào nước pha bột thì mùi ôi của thịt sẽ hết. Tuy nhiên, đúng như tên của loại bột này, nó có mùi rất khai. Khi bột được pha vào nước mới hết được mùi. Vì vậy, chúng tôi được chủ hàng khuyến cáo nên đeo khẩu trang khi sử dụng.

Hậu quả khôn lường

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết: Bột soda có công thức hóa học là NaHCO3. Chất này được sử dụng phổ biến trong y tế và thực phẩm nhưng phải đảm bảo độ tinh chất, vì thế giá thành khá cao. Nếu dùng trong công nghiệp, loại chất này rẻ hơn rất nhiều lần, nhưng lại là hợp chất có chứa nhiều kim loại nặng như chì, asen, thủy ngân... Những kim loại nặng này nếu tích lũy trong cơ thể sẽ gây ra hiện tượng hủy hoại tế bào xương, ở trẻ em biểu hiện bị bệnh còi xương, rỗng xương. Bên cạnh đó, những kim loại nặng có thể tác động lên cơ tim khiến cơ tim không hoạt động bình thường được.

Thậm chí, để biến thịt ôi thành thịt tươi, khử mùi cho thịt thiu, nhiều lái buôn thịt dùng đến chất "tẩy đường". Chỉ cần nhúng thịt vào nước pha với 1 thìa "tẩy đường", mười phút sau là thịt ôi thâm đen sẽ mất hết mùi, hồng hào trở lại. Chúng tôi cũng đã mua được bột "tẩy đường" với giá 70.000 đồng tại quầy hàng khô đầu chợ Ngọc Hà. Loại bột này màu trắng tinh, có mùi rất khó ngửi. Nếu đưa loại bột này lên sát mũi, mùi của nó có thể khiến người ngửi choáng váng, hoa mắt.

Chất khai tẩy thịt ôi. (Ảnh: Tâm An)

"Bột "tẩy đường" chính là một dạng hợp chất có chứa sunfua dioxit (SO2). Chất SO2 được dùng để tẩy trắng thực phẩm. Tuy nhiên, thực phẩm sau khi nhúng vào nước có pha chất "tẩy đường" phải được rửa lại bằng nước để không gây độc. Nếu chất SO2 còn tồn dư trên thực phẩm sẽ gây nhiễm độc SO2, cụ thể là có thể bị viêm giác mạc mắt, viêm miệng, ruột, dạ dày... Đặc biệt, trên thế giới các nước khuyến cáo khuyến cáo không để trẻ em sử dụng thực phẩm không được xử lí SO2 vì sẽ ảnh hưởng nguy hiểm đến đường ruột của trẻ", ông Thịnh nói.

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định: Bằng mắt thường, người tiêu dùng không thể nhận biết được thực phẩm đã bị tẩm ướp hóa học. Thậm chí như thịt bị tẩm qua bột săm - pết, bằng vị giác ta cũng không thể nhận biết được. Để tránh gây nguy hại cho người tiêu dùng chỉ có thể trông chờ vào sự trung thực của người sản xuất.

Nhớ lại việc mua phải thịt bị tẩm ướp hóa chất, chị Trần Thị Ngọc (ngõ 391 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Mùng 6 tết tôi mua thịt. Lúc người bán hàng cắt thịt, miếng thịt vẫn đỏ hồng. Nhưng khi mang về nhà chế biến, thái ra từng miếng nhỏ, thịt lại chuyển thành màu thâm đen, chảy nước nhờ nhờ. Hỏi người quen làm hàng ăn, tôi mới biết có lẽ thịt đã được ướp hóa chất để bảo quản".

Lương thợ xây thấp, chi phí sinh hoạt đắt đỏ khiến cả xóm trọ của anh Nguyễn Cao Kiệt (Hải Hậu, Nam Định) chuyển từ chợ sáng sang chợ sẩm tối. Anh nói: "Mua thịt lúc sẩm tối rẻ chỉ bằng 2/3 thịt buổi sáng, mà cũng không hề có mùi ôi thiu gì cả. Bây giờ hỏi ra mới biết là thịt được tẩm hóa chất. Giờ tôi thà ăn cơm mắm chứ không ham thịt rẻ nữa".

Mỗi khi ế hàng, chị Thanh chuyên bán thịt ở chợ cóc ở khu dân cư văn hóa số 7, phố Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội, lại đẩy hành cho mấy quán cơm bụi gần đó. Chị rỉ tai: "Giá thịt cao, người ta mà mua thịt tươi mới thì lấy đâu ra lãi. Họ phải thu gom thịt ế, rồi dùng thuốc tẩy mùi, sau đó ướp với hương liệu. Thịt chế biến kiểu đí thì vẫn ngon miệng như thường, khách nào biết được đang ăn thịt ôi".

Chị Bích Đào (phố Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa hết hoảng hồn khi nghĩ về lần đau bụng do ăn chè ở hàng vỉa hè: "Đi làm về thấy hàng chè bên đường nên tôi cùng đồng nghiệp ghé vào. Đến tối về nhà cả nhóm đều bị đau bụng. Đọc báo mới thấy nói nhiều hàng chè sử dụng hóa chất làm nhừ như muối, mỳ chính để giảm thời gian đun. Nghe nói, nếu hàng bán ế có thể để 2 - 3 ngày mà không vấn đề. Như vậy, người tiêu dùng ăn vào không biết sẽ chịu hậu quả thế nào. Bản thân tôi, từ nay xin cạch không ăn ở quán vỉa hè nữa".

Chia sẻ