Hàng xách tay: Thiên đường hàng... quá date?

Theo Khánh Hòa/ANTĐ,
Chia sẻ

Với tâm lý sính đồ ngoại của người Việt, phố Nguyễn Sơn đã trở thành “thiên đường mua sắm” của khá nhiều tín đồ hàng hiệu. Tuy nhiên có phải 100% hàng tại đây có nguồn gốc xịn?

Chắc hẳn không ít người Hà Nội biết đến phố Nguyễn Sơn - một trong những địa điểm nổi tiếng với hàng xách tay do hướng dẫn viên và phi công hàng không mang về. Điều đáng nói là tại đây có đầy đủ các thương hiệu nổi tiếng thế giới mà nhiều trung tâm thương mại Hà Nội có, thậm chí cả nhiều thương hiệu mà trung tâm thương mại tại Hà Nội không có với giá có một không hai. Với tâm lý sính đồ ngoại của người Việt, Nguyễn Sơn đã trở thành “thiên đường mua sắm” của khá nhiều tín đồ hàng hiệu. Tuy nhiên có phải 100% hàng tại đây có nguồn gốc xịn?
 
Phố hàng không
 
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 3-4km, gần sân bay Gia Lâm, con phố với bảo tàng hàng không cũng như nhiều cơ quan khác của ngành hàng không Việt Nam, đặc  biệt phải kể đến trung tâm của đoàn tiếp viên hàng không luôn tấp nập. Các cửa hàng với biển hiệu hàng xách tay dầy đặc từ ngoài phố vào trong các ngõ ngách. Vào ngày nghỉ, khách  hàng tìm đến đây vô cùng nhộn nhịp, ai ai cũng  xách túi lớn, túi bé.
 
Theo lời đồn, các tiếp viên, phi công hàng không sau mỗi chuyến bay thường mang về từ 30-50kg hành lý. Khi hàng mang về đến nơi sẽ có “cửu vạn” mặt đất mang về đổ mối. “Cửu vạn” được nhận tiền vận chuyển rồi nhận và trả tiền cho tiếp viên; một đường dây chặt chẽ và đáng tin cậy được thiết lập.
 
Ngoài ra tiếp viên sẽ trực tiếp bắt mối giao hàng cho chủ cửa hàng tại Nguyễn Sơn và “ăn” tiền công vận chuyển với từng loại mặt hàng. Hoặc người nhà, người quen tiếp viên mở cửa hàng và tiếp viên đưa hàng trực tiếp về đó bán. Nghe như vậy thì chỉ mất 10 phút đến Nguyễn Sơn, người Hà Nội có thể mua được những thương hiệu nổi tiếng trên khắp thế giới với nguồn gốc hoàn toàn có thể tin tưởng với giá cực kỳ hấp dẫn. Tuy nhiên  không  hẳn như vậy.

Trái đắng hàng dựng, hàng fake
 
Để tận mắt xem hàng Nguyễn Sơn, chúng tôi lên đường “mục sở thị”. Dừng chân trước một cửa hàng nằm trên mặt phố, chúng tôi bước vào. Hàng tại đây chủ yếu là nước hoa và mỹ phẩm. Nhấc một lọ nước hoa hiệu Burberry London lên, không có mã code, chất lượng thủy tinh và nước hoa nhìn rất “tệ”, còn có vẩn đục.  Một vài chai nước hoa khác thì đựng trong một cái hộp cũ kỹ, có cái còn chả có vỏ hộp và có cái thì đã gỉ viền.
 
Thất vọng, chúng tôi bước sang cửa hàng thứ hai, cầm một chiếc túi nhãn Hermes khá đẹp, tôi mở ra thì bên trong thấy ghi Made in China. Chị chủ hàng vội đon đả: Hàng Hermes chính hãng đấy em ạ, nhưng họ thuê nhân công Trung Quốc làm thôi chứ chất lượng thì cực chuẩn. Em gái chị làm tiếp viên mang từ Pháp về đấy. Tôi hỏi giá thì chị bảo 3 triệu, một số tiền mà nếu là túi Hermes thật thì không dưới 2000 USD.
 
Rời cửa hàng chúng tôi tìm vào một nhà trong ngõ, không có biển hiệu nhưng cũng được đồn thổi có khá nhiều mặt hàng. Bước vào phía trong căn nhà, tôi bị choáng ngợp bởi hàng loạt túi xách, quần áo, mỹ phẩm, kính... của những nhãn mác hàng hiệu nổi tiếng thế giới như Burberry, Lacoste, LV, Versace, D&G, Just Cavalli, Ohui, Channel, Olay, L'Oreal... bày la liệt trên tủ, trên giá kệ và cả dưới sàn nhà. Có thể nhận thấy là giá tại đây đều mềm hơn rất nhiều các cửa hàng, siêu thị có mặt hàng cùng loại. Chẳng hạn một hộp kem sâm Hàn Quốc tại siêu thị Fivimart bán 420.000 thì tại đây chỉ có 150.000 đồng. Một lọ nước hoa Channel của Pháp bán 2 triệu thì ở đây chỉ có giá 1,5 triệu đồng. Một mức giá đáng mơ ước với những người “sính” hàng hiệu.
 
Tuy nhiên theo chị Nguyễn Cẩm Tú, một người chuyên buôn hàng xách tay đường Nguyễn Phong Sắc, giá hàng xách tay mềm, nhất là quần áo, đồ trang điểm đều là hàng lỗi mốt hoặc gần hết date. Ở nước ngoài hàng năm có nhiều đợt sale off mạnh, có khi đến 70%. Lúc này các chủ hàng tranh thủ đi gom một loạt rồi chuyển về Việt Nam. Về đến Việt Nam, tùy mỗi cửa hàng mà hét giá khác nhau.
 
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ quản lý thị trường cho biết, hàng xách tay phần lớn là hàng trốn thuế, không có đăng ký kinh doanh, không hóa đơn chứng từ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhãn hàng nổi tiếng nước ngoài thuê Việt Nam gia công sản phẩm.
 
Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp trong nước đang lợi dụng điều này để lừa người tiêu dùng. Họ bán sản phẩm, quảng bá là hàng hiệu nhưng thực chất là hàng fake. Hàng fake chính là một quả đắng với không ít khách hàng nhưng lại là mặt hàng siêu lợi nhuận với người kinh doanh. Hàng fake là loại hàng nhái cao cấp, có giá mềm và giống y như hàng thật, loại này nhan nhản trên thị trường hàng xách tay, dù nhãn mác rõ là “made in China” nhưng hầu hết các chủ cửa hàng đều biến hóa thành đồ “xịn”, thuê công nhân Trung Quốc gia công.
 
Chính chị Cẩm Tú cũng cho rằng hàng fake rất dễ bán vì giá cả phải chăng. “Nếu tôi không nói thì đố ai biết là hàng fake vì trông giống như thật, kể cả cho sờ thoải mái vẫn không phân biệt được. Khách hàng thì quá thích vì mua được một món hàng hiệu với giá hời”.
 
Với mặt hàng máy tính xách tay, điện thoại thì những tín đồ “sính ngoại”, “gà  mờ” lại dễ dàng sập bẫy hàng “dựng”. Hàng “dựng” thường được dùng để ám chỉ các loại đồ điện tử xách tay kém chất lượng, có nguồn nhập từ Trung Quốc có giá rẻ hơn đến 60-70% so với hàng chính hãng. Hàng “dựng” thường là loại đã qua sử dụng, bị hỏng hóc hoặc sản phẩm của công ty sản xuất lỗi tuồn ra thị trường được các thương lái Trung Quốc thu mua sau đó sửa chữa, thay vỏ mới. Chủ hàng tại Việt Nam nhập nguồn này, rồi tung ra thị trường dưới cái mác “hàng xách tay” để thu lợi nhuận khủng. Người mua khó có thể phân biệt vì hiện nay thị trường điện tử xách tay có đến 70% là hàng dựng.
 
Trách người bán một, trách mình mười
 
Không chỉ lập "đại bản doanh" tại con phố Nguyễn Sơn, thị trường hàng xách tay thời gian gần đây phủ sóng khắp Thủ đô. Chỉ cần gõ lên công cụ tìm kiếm dòng chữ "hàng xách tay", hơn 34 triệu kết quả về loại hàng này đủ khiến người tiêu dùng hoa mắt. Bên cạnh các mặt hàng mỹ phẩm, thời trang là vô số các loại đồ điện tử như điện thoại, laptop với đủ loại nhãn hiệu... Hầu hết đều được quảng cáo hàng "xịn".
 
Tuy nhiên theo giới trong nghề, bất kể là hàng điện tử hay mỹ phẩm, thời trang, nếu lấy nguồn hàng chính hãng từ nước ngoài thì khi về trong nước, cộng thêm các khoản phí như vận chuyển, tiền ship, thuế… người buôn sẽ chẳng lời lãi được là bao. Do vậy, giới buôn hàng xách tay phải áp dụng nhiều “chiêu, trò” để kiếm được lợi nhuận tối đa từ hình thức kinh doanh này. Đa phần “hàng xịn” được chào bán là hàng sắp đã hết thời hạn sử dụng hoặc hạn sử dụng còn rất ngắn, hoặc hàng lỗi mốt được bán trong các chương trình giảm giá tại nước ngoài. Bên cạnh đó, các tay buôn của nhiều shop mỹ phẩm ở Hà Nội thường “lượn” bên Quảng Châu, Trung Quốc như đèn cù. Vì vậy chuyện hàng Trung Quốc trà trộn với hàng xách tay xịn là điều đương nhiên và người tiêu dùng rất khó phát hiện. Từ việc kinh doanh hàng xách tay mà không ít người đã phất lên nhanh chóng chỉ trong 2-3 năm.
 
Vì vậy để tránh mua phải hàng fake, hàng giả, người tiêu dùng nên tìm hiểu thật kỹ nguồn gốc hàng hóa, mua hàng ở những cửa hàng có uy tín, làm ăn đàng hoàng. Còn nếu là hàng xịn mua ở nước ngoài về, kể cả hàng sale off cần kiểm tra hóa đơn, giấy bảo hành. Tránh tình trạng mua về rồi mới dở khóc dở mếu, tiền trao cháo múc, khó mà đổi lại.
Chia sẻ