Hàng Tết: Không dám mua nhiều

,
Chia sẻ

Do dự đoán sức tiêu thụ sẽ không tăng cao nên chủ trương gom hàng Tết của các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) là dự trữ hàng Tết ở mức khiêm tốn với mức giá hợp lý nhất.

Các trung tâm mua sắm sắp hoàn tất khâu chuẩn bị hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2009 với số lượng tăng từ 15 – 20%. Đây là mức dự trữ hàng khá khiêm tốn so với những năm trước. Trong khi một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, Tết năm nay sẽ có mức tăng giá thấp nhất từ trước đến nay.

Không dám mua nhiều

Do dự đoán sức tiêu thụ sẽ không tăng cao nên chủ trương gom hàng Tết của các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) là dự trữ hàng Tết ở mức khiêm tốn với mức giá hợp lý nhất.

Ông Trần Mạnh Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: “Sức tiêu thụ vẫn rất chậm và người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn với các khoản chi tiêu. Để kích cầu, Hapro đã cử cán bộ thu mua đến các vùng đầu nguồn của mỗi loại sản phẩm như vào miền Nam mua mứt bí và các loại hoa quả đặc chủng của Nam Bộ. Hiện, Hapro đã tích trữ được 295 tấn gạo, 366 tấn thịt các loại, 7.775 tấn thực phẩm chế biến, 5.000 tấn rau, 360 tấn bánh kẹo, 500.000 lít rượu, bia, nước ngọt, 650 tấn dầu ăn, 73 tấn mỳ chính, 64 tấn đường... với trị giá hơn 570 tỷ đồng”.

Ông Bùi Duy Đức, Tổng Giám đốc Cty Vissan cũng cho biết, ngoài lượng heo giết mổ gia công, Vissan sẽ giết mổ thêm khoảng 70.000 con heo và trên 1.300 con trâu, bò (so với Tết những năm trước giảm từ 10- 15% lượng hàng dự trữ). Cty TNHH Chế biến thực phẩm Phú An Sinh cũng sẽ đưa ra thị trường 500.000 con gà để phục vụ một tháng trước và sau Tết, tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Ngoài ra các siêu thị, TTTM lớn trên địa bàn Hà Nội như Metro, Big C, Intimex, Fivimart... cũng dự trữ lượng hàng hóa trị giá trên 1.000 tỷ đồng. Chưa kể hàng chục nghìn tấn thực phẩm tươi sống mà các doanh nghiệp, các tiểu thương nhỏ lẻ trên thị trường tự do sẽ đưa ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2009.

Giá sẽ không  tăng đột biến?

Ông Hoàng Ngọc Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng, giá cả dịp Tết sẽ không tăng cao quá gấp rưỡi vì giá hiện nay đã ở mức cao. Hơn nữa, thu nhập của công nhân viên chức nói chung vẫn rất thấp so với mức tăng của giá cả nên người mạnh chi trong tháng Tết sẽ không nhiều. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu thế giới đang trong chiều hướng giảm nên giá hàng phục vụ Tết khó có thể tăng cao.

Đồng quan điểm, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cũng dự đoán, sức mua trong dịp Tết Kỷ Sửu sẽ tăng 20% so với năm 2008, nhưng giá cả sẽ không tăng đột biến, chỉ tăng khoảng 5 - 10% so với thời điểm hiện tại. Một số mặt hàng như mỳ tôm, dầu ăn, đồ uống, đặc biệt thực phẩm, giá sẽ tăng 10 - 15% so với Tết 2008.

Do “sự cố” melamine từ Trung Quốc là cơ hội tốt cho các Công ty sản xuất bánh kẹo trong nước giành lại “sân nhà” nhưng lại đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng tới 40 -50%. Do đó, giá bánh kẹo và nước giải khát đang trong xu hướng tăng. Nhiều công ty sản xuất bánh kẹo đã gửi bảng giá đến các siêu thị với mức tăng từ 10- 20% so với dịp Tết năm 2008.

Tuy nhiên, điều khiến không ít người tiêu dùng lo lắng là do lo ngại sức tiêu thụ chậm, nhiều doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng với mức khiêm tốn, nhiều khả năng lại sẽ xảy ra sốt giá nếu nhu cầu tăng ngoài dự đoán.
 
Theo Mai Hạnh
Gia đình
Chia sẻ