Thực phẩm cao cấp

Hàng ngoại lấn lướt

Theo SGĐT,
Chia sẻ

Dù Việt Nam là một nước nông nghiệp, nhưng các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu cao cấp vẫn ồ ạt chảy về vì sản phẩm trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường.

Sức tiêu thụ tốt

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Siêu thị Citimart, mặc dù giá cả các sản phẩm nhập khẩu cao gấp nhiều lần so với thực phẩm nội, dao động từ 300.000 đồng đến cả triệu đồng/kg, nhưng sức tiêu thụ các sản phẩm lương thực, thực phẩm nhập khẩu ở hệ thống Citimart luôn đạt mức tăng trưởng cao, khoảng 30-40%/năm.

Trước đây, các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu từ các nước phát triển ở khu vực châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng nay các dòng sản phẩm đang ngày càng đa chủng loại và đến từ nhiều nước hơn. Tại hệ thống Lotte Mart, các mặt hàng đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… như thịt, cá, sữa, rau củ quả chiếm số lượng lớn và được bày ở những vị trí đẹp.

Thậm chí, tại Maximark, Co.opmart, Big C, dù thực phẩm ngoại được bán với mục đích đa dạng hóa nguồn hàng, thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng, nhưng đại diện của siêu thị cho biết sức mua hàng ngoại là khá cao và luôn tăng trưởng tốt. Hơn nữa, dễ dàng nhận thấy, dù số lượng ít nhưng những mặt hàng thực phẩm ngoại tại các siêu thị này luôn đầu tư các khu vực trưng bày tốt để thu hút khách hàng.

Hàng ngoại lấn lướt 1

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm cao cấp ở siêu thị

Ngoài ra, để tạo sự mới lạ, một số siêu thị đang tiến hành liên kết với các nhà cung cấp nước ngoài để đưa thực phẩm ngoại vào hệ thống. Tháng 10 vừa qua, Fivimart công bố sẽ bày bán các mặt hàng thực phẩm cao cấp đến từ Hoa Kỳ như khoai tây tươi, táo, nho, hạt dẻ, snack, các loại nước sốt, bánh kẹo, thịt bò, thịt gà và rượu vang tại hệ thống các siêu thị của Fivimart.

Những sản phẩm này được Fivimart nhập khẩu trực tiếp và đơn vị này đang tập trung quảng bá cho sản phẩm khoai tây tươi của Hoa Kỳ. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc CTCP Nhất Nam, đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Fivimart, cho biết để đa dạng hóa chủng loại thực phẩm, giúp người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội tiếp cận các mặt hàng thực phẩm cao cấp, Fivimart đã liên hệ với nhiều nhà cung cấp nổi tiếng tại Hoa Kỳ như táo Washington, nho California, ngô nổ Jolly Time, bánh Fomai Tesobon…

Hàng nội ra rìa

Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản và nghề muối, từ giữa năm 2011 đến nay, cơ quan thanh tra đã đã phát hiện 38% cơ sở giết mổ, 59% cơ sở chế biến rau quả trên cả nước không đạt chất lượng và yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm nên người tiêu dùng khá e dè với thực phẩm chế biến từ nguồn cung nội địa. Hơn nữa, số công ty tham gia sản xuất thực phẩm sạch, thực phẩm cao cấp lại khá hạn chế, chủng loại chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Trong khi đó, thực phẩm ngoại vừa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế, nhiều sản phẩm ngon và lạ mà trong nước không có rất được ưa chuộng.

Do vậy, những năm gần đây, các công ty trong nước đang đẩy mạnh nhập thực phẩm từ nước ngoài để cung cấp cho thị trường trong nước. Theo Công ty Hòa Nhã, mỗi năm đơn vị này nhập khẩu khoảng 500 tấn thực phẩm, đa số từ các nước châu Á và một phần từ khu vực châu Âu. Công ty TNHH Thực phẩm Tốt Lành (Goodfood) đang cung cấp cho thị trường 200 mặt hàng thực phẩm của hơn 20 thương hiệu của các nước châu Âu, châu Mỹ và Australia, bao gồm các loại thịt, thủy hải sản, rau củ quả tươi cũng như đã qua chế biến, các loại dầu thực vật, bánh ngọt, cà phê…

Công ty Hoàng Lan, đơn vị phân phối các sản phẩm phô mai President, sữa Agnesi, cho biết mức độ tăng trưởng của các mặt hàng này rất tốt. Thậm chí vào những dịp lễ tết, lượng hàng bán ra luôn tăng đột biến, đẩy doanh thu tăng đến 50% so với bình thường. Với đà phát triển như vậy, một số công ty đang vạch ra chiến lược xây dựng hệ thống siêu thị để mở rộng kênh phân phối trên khắp cả nước.

Ngoài việc các nhà nhập khẩu lên kế hoạch tăng cường nguồn hàng, các nhà cung cấp trên thế giới cũng đang rất quan tâm đến thị trường thực phẩm Việt Nam. Mới đây, Tổ chức Các nhà sản xuất thịt châu Âu (UPEMI) đã phát động chiến dịch “Truyền thống, chất lượng và hương vị châu Âu” tăng cường tìm kiếm đối tác tại Việt Nam cho các nhà phân phối, nhập khẩu, sản xuất thịt lợn, thịt bò của EU.

UPEMI hiện đang tập trung các nhà sản xuất thịt tại 27 nước EU, chuyên cung cấp những sản phẩm được đóng gói đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, nhiều đoàn thương mại nông nghiệp đến từ Hoa Kỳ, Đức, Ba Lan cho biết đang thâm nhập thị trường Việt Nam, tìm kiếm đối tác để cung cấp các dòng sản phẩm chất lượng cao từ các loại trái cây như lê, táo, dâu tây đến các sản phẩm từ thịt heo, gà, bò.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong khi thực phẩm cao cấp ngoại đang ồ ạt tràn vào, các DN Việt Nam vẫn còn ì ạch với công nghệ chế biến tụt hậu và không tham gia được vào thị trường trong nước. Nhưng muốn tham gia vào phân khúc cao cấp với giá trị gia tăng cao này cũng không phải là chuyện dễ vì cần sự cộng tác của nhiều phía. Cụ thể, muốn chế biến thực phẩm cao cấp, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải có một sự đột phá để đảm bảo chất lượng đầu vào.

Đồng thời, Nhà nước phải hỗ trợ các DN đầu tư công nghệ sản xuất mới để chế biến những sản phẩm chúng ta chưa làm được. Khi có sự hợp tác từ nhiều bên, thực phẩm Việt Nam mới có thể cải thiện chất lượng và mang về giá trị kinh tế cao.

Chia sẻ