Hàng nghìn bốt điện thoại công cộng ở thủ đô đang bị bỏ rơi

Hoàng Đan- Nguồn ảnh Afamily,
Chia sẻ

Bốt điện thoại hoen rỉ, biến thành nơi chứa đồ và rác, máy điện thoại không hoạt động, màn hình, bàn phím bị mờ,… đang là thực tế của hàng nghìn bốt điện thoại công cộng của thủ đô.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tên hầu hết các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy… các bốt điện thoại hầu hết đều trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Nhiều bốt điện thoại bị hoen rỉ, vỡ kính bên ngoài, bị biến thành nơi dán các quảng cáo rao vặt, bôi vẽ lem nhem, màn hình, bàn phím bị hoen ố, máy điện thoại không còn sử dụng được.

Một buồng điện thoại công cộng bị biến thành "kho" chứa của người dân trên đường Cầu Giấy.

Ngay trên khu vực vỉa hè phía trước Bách hóa Thanh Xuân (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) hai bốt điện thoại công cộng từ lâu đã không còn hoạt động. Bốt bị hoen rỉ, trên thành tràn ngập các quảng cáo rao vặt được những người thiếu ý thức dán lên. Bên trong bị biến thành tủ chứa đủ các loại đồ linh tinh, phích, cốc nước của hàng bán nước, bơm vá xe đạp trên vỉa hè. 

Bác Trần Văn Hưng (khu tập thể Thanh Xuân Bắc) cho biết: “Tôi thấy tình trạng bốt điện thoại công cộng bị biến thành các kho chứa này từ lâu rồi nhưng chẳng thấy ai đến nhắc nhở, xử lý cả. Nếu mình không dùng nữa thì nên bỏ đi chứ cứ để thế này rất mất mĩ quan đô thị”.

Tương tự vậy, trên tuyến phố Trần Hưng Đạo (đoạn từ bệnh viện Tim đến đối diện ga Hà Nội), hai bốt điện thoại cũng đã “chết yểu” từ lâu. Nóc của một buồng điện thoại thẻ (đoạn Ngân hàng công thương) đã bị hoen rỉ hoàn toàn và bung một phần. Bên ngoài buồng là đủ các loại “rác” quảng cáo rao vặt từ gia sư, tuyển nhân viên… được dán chi chít. Bên trong buồng điện thoại thì len nhem, trên máy điện thoại là một lớp bụi dày đặc, phía dưới là đủ loại rác thải, than, xỉ than tổ ong do một hộ kinh doanh bún tại đây đổ vào. 

Đủ các loại rác, bụi bẩn bám đầy buồng điện thoại trên phố Trần Hưng Đạo.

“Mỗi lần qua đây nhìn thấy cái buồng điện thoại này tôi thấy như một chiếc áo rách đang tồn tại trên một tuyến phố đẹp. Nó làm mất hẳn đi cái văn minh, cái đẹp đẽ của đô thị thủ đô”, bác Hoàng Văn Phong (nhà trên phố Phan Bội Châu) cho hay.

Không chỉ vậy trên dọc các tuyến đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Kim Mã, Láng Hạ, Giảng Võ… chúng tôi còn bắt gặp hàng loạt những bốt điện thoại hoen rỉ, cửa kính bên ngoài bị vỡ, nhiều cái không còn tay cầm và cá biệt có một số buồng điện thoại công cộng còn bị biến thành “nhà vệ sinh” công cộng của nhiều người.

“Lâu lắm rồi tôi chẳng thấy ai vào đây để sử dụng hay kiểm tra những cái bốt điện thoại công cộng này mà chỉ thi thoảng thấy có mấy người vào đây để đi tiểu tiện mà thôi. Theo tôi thì nên khai tử nó đi thôi, chứ càng để càng mất mỹ quan đô thị”, bác Văn, sống cạnh một bốt điện thoại trên đường Kim Mã bảo.

Buồng điện thoại công cộng cạnh văn miếu Quốc tử giám bị biến thành "nhà vệ sinh" công cộng.

Dù nằm gần bưu điện trung tâm thành phố nhưng hàng loạt buồng điện thoại công công xung quanh khu bờ hồ Hoàn Kiếm cũng trong tình trạng “chết yểu”. Khi chúng tôi kiểm tra thì màn hình điện thoại không hề hiện ra các thông số, nhấc tay cầm máy lên thì không hề có tín hiệu.

Bốt điện thoại công cộng cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm không còn tín hiệu hoạt động.

Theo một nhân viên kỹ thuật của một công ty viễn thông ở Hà Nội lỳ giải, sở dĩ các bốt điện thoại công cộng dần đi vào lãng quên và bị chính các đơn vị chủ quản bỏ mặc là do không cạnh tranh nổi với sự phát triển quá nhanh chóng của điện thoại di động. 

“Nếu như trước đây khi điện thoại di động chưa phát triển mạnh thì các bốt điện thoại công cộng này rất được chuộng vì cước gọi khá rẻ lại khá tiện lợi vì vị trí lắp đặt. Nhưng khi điện thoại di động, các mạng di động phát triển mạnh, giá cước, giá máy giảm mạnh thì những bốt điện thoại công cộng này đã lộ rõ những hạn chế về mặt cơ động, tiện lợi so với di động. Thêm vào đó, do máy thường xuyên hỏng, việc sửa chữa không được triển khai nhanh đã khiến những buồng điện thoại này dần bị rơi vào quên lãng”, anh này cho biết.

Cũng theo anh này, thì với chỉ phát triển mạnh của điện thoại di động trong thời gian qua đã khiến không chỉ các bốt điện thoại công cộng mà ngay cả hệ thống điện thoại bàn cũng đang bị tụt số lượng sử dụng, doanh số rất nhanh. 

“Thực sự hiện tại theo tôi thì việc sử dụng đã không còn hiệu quả nữa thì thay vì bỏ hoang, tốt nhất các đơn vị chủ quản cũng nên cho khai tử những bốt điện thoại công cộng này”, anh này phân trần.

Hoen rỉ, nhếch nhách là điều dễ bắt gặp ở các bốt điện thoại công cộng hiện nay.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện của công ty Viễn thông Hà Nội cũng thừa nhận về tình trạng “chết yểu” của phần đa trong số gần 2.000  bốt điện thoại công cộng đang tồn tại ở Hà Nội.

"Việc sửa chữa hệ thống điện thoại công cộng này đang là khó khăn với chúng tôi do máy móc, thiết bị phải nhập ngoại. Thêm vào đó là ý thức của nhiều người dân vẫn cố tình xâm hại các bốt điện thoại này vào mục đích riêng của mình. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần có biện pháp để xử lý nghiêm, bảo vệ tài sản công cộng”, vị đại diện cho hay.


Chia sẻ