Hàng không giá rẻ và những câu chuyện delay ám ảnh hành khách

Quỳnh Trân,
Chia sẻ

Thời gian gần đây, các hãng hàng không liên tục gặp sự cố gây ồn ào trong dư luận. Trong đó, câu chuyện về việc hủy chuyến, trễ chuyến là nỗi ám ảnh lớn nhất với các khách hàng chọn dịch vụ bay của hàng không giá rẻ.

Hãng hàng không nào “thích trễ” nhất?

Theo báo cáo của Cục Hàng không, trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ chậm, hủy chuyến (delay) trên tổng số chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam chiếm 25%. Trong đó, tỷ lệ hủy chuyến bay của VietJet và Jestar tương đương nhau, chiếm khoảng một nửa, còn của Vietnam Airlines là 14% và của Vasco khoảng 17%.

Đại diện VietJet Air cho biết, trong 6 tháng vừa qua, hãng có 32 chuyến bay phải hủy vì lỗi kỹ thuật, gây chậm dây chuyền đến 200 chuyến bay khác. Chỉ riêng trong ngày 9/7, 8 chuyến bay đi/đến Đà Lạt buộc phải hủy vì lí do thời tiết.

Hàng không giá rẻ và những câu chuyện delay ám ảnh hành khách 1

Đại diện VietJet Air cho rằng tình trạng trễ và hủy chuyến cũng xuất phát từ việc hệ thống check in ở các sân bay chưa đồng bộ, việc tiếp xăng dầu chuyến bay chậm, thời gian soi chiếu an ninh lâu (15 - 20 giây)… Ảnh: Khách hàng đang kiểm tra an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Jetstar Pacific - nói lên vấn đề nội tại của hãng là số lượng máy bay chỉ có 6 chiếc, mỗi chuyến bay được điều hành cách nhau 15 phút, nếu 1 trong số này phải đưa vào bảo dưỡng kỹ thuật thì khả năng khai thác cũng giảm đi 1/6. Theo vị này, thời gian chậm chuyến của Jetstar Pacific thường xảy ra vào lúc đầu ngày và mỗi chuyến chậm khoảng 20 phút. 


Hàng không giá rẻ và những câu chuyện delay ám ảnh hành khách 2
Vietnam Airline đạt được tỷ lệ chuyến bay đúng giờ cao nhất và chậm hủy thấp nhất. Ảnh: Khách đáp xuống sân bay Tuy Hòa, Phú Yên vào ngày 13/7.

Bay từ Sài Gòn ra Hà Nội mất… 17 tiếng

Cho đến giờ, anh Nguyễn Trung Dũng, 30 tuổi, kỹ sư xây dựng tại Sài Gòn vẫn nhớ như in chuyến bay từ Sài Gòn vào buổi chiều nhưng đến 10 giờ sáng hôm sau mới có thể đáp xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội.

Chuyện xảy ra vào ngày 29/1/2013, anh Dũng đặt mua vé giá rẻ của Jetstar Pacific, thời gian khởi hành ghi trên vé lúc 4 giờ 25 phút chiều nhưng bị delay đến 6 giờ 30 phút tối thì chuyến bay BL802 mới cất cánh.

Bay được 1 giờ thì máy bay lại đáp xuống sân bay Phú Bài, Huế vì lý do thời tiết xấu.

Từ Huế, máy bay lại bay ngược về sân bay Tân Sơn Nhất vì… lý do kỹ thuật. Tại đây, các hành khách phải chờ đợi 45 phút để tiếp tục cất cánh. Sau 2 giờ bay, máy bay đã “lơ lửng” gần sân bay Nội Bài nhưng lại không thể đáp xuống vì sương mù dày đặc.

Hàng không giá rẻ và những câu chuyện delay ám ảnh hành khách 3

Chuyện delay khiến nhiều hành khách mệt mỏi vì phải chờ đợi trong thời gian dài.

Anh Dũng kể: “Các hành khách bắt đầu hoang mang, lo sợ vì máy bay cứ bay lòng vòng trên trời. Sau đó chúng tôi nhận được thông báo “khủng” rằng không thể đáp xuống Nội Bài mà phải quay về… sân bay Đà Nẵng để tiếp thêm xăng. Lúc này là 1,2 giờ sáng. Hành khách bắt đầu phẫn nộ nhưng tôi cũng khuyên mọi người bình tĩnh vì đây là sự cố ngoài ý muốn. Tôi chỉ tội nghiệp các cụ già và một chị có bầu phải chịu cảnh nằm vật vờ tại sân bay Đà Nẵng đến 8 giờ sáng. Lúc này mới có máy bay đưa mọi người về lại Hà Nội. Khi đáp xuống sân bay Nội Bài là 10 giờ sáng. Một “trải nghiệm” kinh khủng khiến một vài người trên chuyến bay tuyên bố sẽ “cạch” đi máy bay từ đó”.

Một hành khách tên T. trên chuyến bay BL595 của Jetstar Pacific từ Đà Nẵng đi TP.HCM ngày 29.3.2014 cũng chia sẻ về việc mình bị delay đến 3 lần: “Hôm đó tôi đặt chuyến bay lúc 5 giờ 30 phút chiều từ Đà Nẵng về Sài Gòn nhưng trưa hôm đó nhận được tin nhắn thông báo giờ bay mới là 7 giờ 5 phút tối. Tôi nghĩ, mình chọn hàng không giá rẻ thì chuyện bị delay cũng nằm trong dự tính. Nhưng đến 4 giờ chiều, tôi lại nhận được thông báo chuyến bay bị delay đến 9 giờ 20 tối”.

Tối hôm đó, chị T. ra sân bay thì tiếp tục nhận được “hung tin” rằng chuyến bay bị delay tiếp tục và… chưa rõ giờ bay mới. Các hành khách nằm vật vờ tại sân bay Đà Nẵng cho đến khi được lên máy bay, và đến 1 giờ 30 sáng hôm sau, hành khách mới có thể về đến Sài Gòn.

Ngày 9/7 vừa qua, một nhóm bạn đặt vé của Vietjet Air đi Thái Lan cũng bị một phen “sốc nặng” khi chỉ còn vài ngày cất cánh thì nhận được thông báo chuyến bay này sẽ dời lại đến… 3 ngày sau vì lý do “quá tải”.

Trên facebook, một hành khách viết status bức xúc: “Khi đi xuất ngoại thì người ta đã phải lên kế hoạch rất chi tiết cẩn thận như đặt phòng khách sạn, đặt lịch hẹn khách hàng, những cuộc họp quan trọng, làm đơn xin nghỉ phép lên công ty... Vậy mà Hãng thích là đổi. Mà đổi rất nhiệt tình, hẳn 3 ngày hôm sau - ngày người ta đi về. Hãng này như có quyền áp đặt lịch bay cho hành khách, hành khách chỉ có nhiệm vụ trả tiền còn thời gian thì Hãng quyết!?”

Hàng không giá rẻ và những câu chuyện delay ám ảnh hành khách 4

Staus bức xúc của một trong những hành khách bị delay đến 3 ngày so với ngày bay ban đầu.

Mới đây, chuyến bay VJ8676 từ TP HCM - Hà Nội, theo lịch ban đầu là khởi hành lúc 21 giờ nhưng chiều cùng ngày hãng Vietjet Air đã nhắn tin báo chuyến bay bị lùi xuống 23 giờ 15. Đến sân bay từ lúc gần 23 giờ thì các hành khách lại nhận được thông báo chuyến bay tiếp tục hoãn lần 2 đến 23h55 ngày 8/7.

Lúc này tại sân bay đã có rất nhiều hành khách đã làm thủ tục check in xong và đứng chờ ở cửa để lên máy bay nhưng không thấy bóng bất cứ nhân viên nào của hãng. Đã có rất nhiều hành khách tá hỏa, lo sợ máy bay đã cất cánh mà mình không biết vì đã qua giờ bay theo thông báo nhưng không thấy nhân viên của Vietjet Air.

Đến 0h ngày 9/7, có rất nhiều hành khách bực mình quay lại gần cửa check in để phản ánh với nhân viên Vietjet thì 3 nhân viên của hãng đã giải thích lý do hoãn chuyến bay rất chung chung rồi vội vàng ra khu cửa soát vé. Trước sự phản ứng gay gắt của khách hàng, nhân viên Vietjet Air mới giải thích rằng loa bị lỗi nên không thông báo được và trên bảng điện tử báo giờ bay là 0:40 ngày 9/7.

Sau ít phút, bảng điện tử lại thay đổi giờ khởi hành thành 0:50 ngày 9/7. Tuy nhiên, cho đến tận 1h25 cùng ngày thì hơn trăm hành khách vẫn ngồi chờ trong vô vọng mà không có thêm lời giải thích nào, bảng điện tử vẫn báo giờ cất cánh là 0:50. Đến khoảng 1h35 hành khách mới bắt đầu được khởi hành.

Chậm chuyễn, hủy chuyến của các hãng hàng không giờ xảy ra như cơm bữa. Nhưng điều làm các khách hàng thất vọng, mệt mỏi phần lớn là do thái độ làm việc quá tắc trách, kém nhiệt tình của nhân viên các hãng hàng không. Việc trễ chuyến, hãng hàng không chỉ việc thông báo tin nhắn cứ cách 1 tiếng 1 lần "tít tít". Có những khách cứ đinh ninh quá tam... 3 bận, đến sân bay sẽ đi được. Nào ngờ, hãng hàng không chậm tới 5-6 lần nhắn tin.

Khi ra sân bay, nhiều nhân viên tỏ thái độ bực dọc, nói năng thiếu nhã nhặn vì khách hỏi han, thắc mắc. Khách hàng thì cứ tự an ủi: "thôi thì tại ham giá rẻ", "lần sau thì cạch hãng này ra", còn lại nhìn chung vẫn là cảnh cam chịu.

Để khi được bay đúng giờ, máy bay "đi đến nơi, về đến chốn" thôi mà nhiều hành khách còn mở tiệc ăn mừng!

Chia sẻ