Hà Nội: Sẽ không dạy, học thêm cho HS tiểu học

,
Chia sẻ

Không dạy, học thêm cho HS tiểu học, trừ các trường hợp như: nhận quản lý HS ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những HS yếu kém; bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao,...

Quy định về quản lý dạy, học thêm trên địa bàn thành phố Hà Nội mà Sở GD-ĐT đang dự thảo có ghi rõ, đối với các trường dạy học 2 buổi/ngày, nhà trường và giáo viên không được thực hiện hoạt động dạy, học thêm cho HS; việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyển cấp, phụ đạo HS yếu kém, bồi dưỡng HS giỏi chỉ bố trí trong các buổi học tại trường.

Không ép buộc học thêm để thu tiền
 
Không dạy, học thêm cho HS tiểu học, trừ các trường hợp như: nhận quản lý HS ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những HS yếu kém; bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, luyện tập kỹ năng đọc, viết cho HS đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Đồng thời, các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ không được thực hiện dạy, học thêm theo chương trình giáo dục phổ thông cho người học không phải là HS, học viên của cơ sở đó...
 
Dự thảo quy định việc học thêm hay không là quyền của người học, mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc HS học thêm để thu tiền. Học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách cho HS, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông. Đặc biệt, không dạy nhiều, quá sức tiếp thu của người học, đảm bảo quyền lợi của người học thêm và nêu cao trách nhiệm của người dạy thêm.
 
Chiều 18/2, Sở GD - ĐT Hà Nội đã tổ chức hội thảo về vấn đề này. Ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục trung học nhận định, thời gian qua, dạy thêm còn một số vấn đề nổi cộm như dạy, học thêm nhiều khiến HS phải học quá tải hay có những buổi học không lành mạnh như giáo viên chủ tâm không hoàn thành bài học, buộc HS phải đi học thêm mới nắm được đủ kiến thức hoặc phân biệt giữa HS không học thêm và học thêm. Ông Kỳ nhấn mạnh: Việc này đã tạo dư luận không tốt trong vấn đề dạy thêm, học thêm. Do đó, việc ban hành quy định chính thức về dạy, học thêm là một đòi hỏi bức thiết trong tình hình hiện nay.
 

Sẽ không có chuyện ép học sinh học thêm nhờ dự thảo mới (Ảnh chỉ mang tính minh họa). (Ảnh: Bích Ngọc)

 
Băn khoăn thu chi dạy thêm
 
Tại hội thảo, vấn đề quy định mức thu trong dạy, học thêm cũng được đưa ra bàn thảo. Dự thảo Quy định về quản lý dạy, học thêm trên địa bàn Hà Nội nêu rõ: “Mức thu dạy, học thêm trong nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ HS với nhà trường (thông qua Ban đại diện cha mẹ HS) đảm bảo thu đủ chi; mức thu ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa người học hoặc cha mẹ HS với tổ chức, cá nhân thực hiện dạy, học thêm”.
 
Chi phí cho dạy thêm trong nhà trường sẽ gồm các khoản chi cho giáo viên, chi phục vụ trực tiếp dạy, học thêm, chi công tác cấp phép, quản lý và kiểm tra, cho sửa chữa, tu bổ cơ sở vật chất (hay thuê, mượn phòng học đối với dạy thêm ngoài nhà trường) và các khoản chi khác phục vụ dạy, học thêm.
 
Trước đây, Sở GD -  ĐT Hà Tây (cũ) có quy định mức thu học thêm theo vùng miền, còn Sở GD - ĐT quy định thu theo thỏa thuận. Ông Kỳ cho rằng, quy định như của Hà Tây (cũ) gặp phải hạn chế là sau một thời gian đồng tiền trượt giá thì sẽ phải quy định lại, khá phức tạp.
 
Nhưng, nhiều ý kiến muốn rằng, nên có quy định rõ ràng hơn về thu chi. Ông Nguyễn Quốc Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng thẳng thắn, nên nói rõ hơn về kinh phí đóng góp dạy, học thêm, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” và dẫn đến sự chênh lệch giữa các trường, các giáo viên và tổ chức thực hiện hoạt động này. Việc “thỏa thuận giữa giáo viên, phụ huynh” cũng cần bổ sung thêm “có sự tham gia của nhà trường” để tránh việc giáo viên “áp đặt”.
 
Đồng tình với quan điểm trên, ông Kỳ nói rõ, thu chi là vấn đề nhạy cảm, nhiều thắc mắc nhất. Tới đây, Sở GD- ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu để tránh tạo ra tình trạng thu chi bất hợp lý. Ông Kỳ cũng nhấn mạnh, mỗi tổ chức, cá nhân đều phải xin cấp phép nếu muốn dạy, học thêm. Có thể năm nay Sở chưa kiểm tra thì năm sau sẽ kiểm tra và nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý. Quy định là hành lang pháp lý nhưng bên cạnh đó là đạo lý, trách nhiệm đạo đức của mỗi người thầy.
 
Theo Gia đình
 
Chia sẻ