Siêu bão Haiyan

Hà Nội chưa vội mua đồ dự trữ cho bão

Trần Trang,
Chia sẻ

Trước nguy cơ ngập lụt do bị ảnh hưởng bởi bão Haiyan, người dân Hà Nội dường như chưa mấy vội vã tích trữ lương thực cho những ngày tới.

Tại miền Trung, không khí chuẩn bị đón bão đã rất khẩn trương. Ở các đại lý tạp hóa lớn và siêu thị, người dân tấp nập mua sắm các nhu yếu phẩm cần thiết để có thể tích trữ dài ngày. Sự vội vã tương tự cũng có thể thấy ở các chợ truyền thống, người dân cố mua nhiều rau, cá, thịt, các loại củ quả như khoai tây, khoai môn, bí đỏ… sẵn sàng để tích trữ ăn dần trong những ngày mưa bão sắp tới.

Hà Nội chưa vội mua đồ dự trữ cho bão 1
Không khí mua sắm tại gian hàng mỳ gói trong một chi nhánh
siêu thị Big C ở Đà Nẵng tối 8/11. Chụp từ màn hình FB


Trên một fanpage của Đà Nẵng, những thành viên đã cung cấp liên tục những thông tin từ báo chí cũng như những gì họ chứng kiến cận kề thời khắc siêu bão Haiyan đổ bộ vào miền Trung. Theo một thành viên, vì thông tin chiều 9/11 các chợ trên địa bàn Đà Nẵng sẽ đồng loạt đóng cửa, từ đêm qua, người dân đã đổ xô đến các siêu thị để mua sắm thực phẩm.

Theo thành viên này, khoảng 22 giờ đêm 8/11, tại một chi nhánh của siêu thị Big C, các loại nhu yếu phẩm và rau củ quả đã được người dân “vét” sạch. Những khu chợ như chợ Cồn, chợ Hòa Khánh của Đà Nẵng cũng nhộn nhịp bán mua.

Hà Nội chưa vội mua đồ dự trữ cho bão 2
Những quầy thịt đông nghẹt khách trong một khu chợ trước giờ bão tấn công. Ảnh: Infonet.vn.

Hà Nội chưa vội mua đồ dự trữ cho bão 3
Người dân miền Trung khẩn trương đi chợ thu gom, tích trữ thực phẩm. Ảnh: Infonet.vn.

Xăng dầu cũng là mặt hàng được người dân miền Trung lùng mua trong những ngày này. Sáng 9/11, ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn có tin đồn hết xăng khiến người dân đổ xô đi mua.

Theo thông tin từ Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines), hãng đã điều chỉnh giờ khai thác và tăng chuyến trong ngày ngày 9/11 đến/đi từ khu vực miền Trung, nơi bị ảnh hưởng của siêu bão Haiyan. Diễn biến phức tạp của cơn bão này còn dự kiến sẽ gây ảnh hưởng tới các chuyến bay của Vietnam Airlines tại khu vực Trung Bộ trong ngày 10/11/2013 và trong ngày 10/11, hãng sẽ hủy tất cả các chuyến bay được khai thác đi/đến sân bay Đà Nẵng và Huế trước 12 giờ trưa.

Trên mạng xã hội, siêu bão Haiyan cũng khiến nhiều người bày tỏ lo ngại. Không ít người con miền Trung đang ở xa quê hương đã ngậm ngùi viết những dòng chia sẻ đầy âu lo trên Facebook của mình.

Hà Nội chưa vội mua đồ dự trữ cho bão 4
Một người Quảng Bình đang sống và làm việc tại Hà Nội lo âu vì bão Haiyan.

Hà Nội chưa vội mua đồ dự trữ cho bão 5
Xa nhà, một người con miền Trung khác chỉ còn biết trút tâm sự vào Facebook.

Những người đang sống ở miền Trung cũng trực tiếp cập nhật tin tức ở nơi mình sống.

Hà Nội chưa vội mua đồ dự trữ cho bão 6
Dòng chia sẻ đầy âu lo của một người sống trong "rốn" bão.

Hà Nội chưa vội mua đồ dự trữ cho bão 7
Chia sẻ về chuyện "tản cư" của một bạn trẻ Đà Nẵng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sau khi bão đổ bộ vào đất liền, hoàn lưu của bão sẽ gây mưa lớn trên diện rộng. Ngoài các tỉnh bị bão đổ bộ trực diện, ở khu vực Bắc Bộ (bao gồm khu vực Hà Nội) sẽ có mưa lớn trên diện rộng, bắt đầu từ trưa ngày 10/11 kéo dài đến 13/11. Lượng mưa ở những nơi thấp cũng trên dưới 100 mm, còn những nơi cao lượng mưa có thể lên tới 500mm.

Khu vực Hà Nội thậm chí còn có thể bị ngập úng cục bộ do ảnh hưởng của bão. Các cơ quan chức năng đã lên kế hoạch, sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của bão. Xí nghiệp thoát nước Hà Nội cũng đã có phương án đối phó nếu ngập lụt xảy ra tại thành phố này.

Trước những thông tin về siêu bão Haiyan, tại Hà Nội, không ít người dân tỏ ra lo lắng. Dân tình bàn tán, lo âu về những tác hại có thể xảy ra.

Hà Nội chưa vội mua đồ dự trữ cho bão 8
Một người Hà Nội bày tỏ lo lắng cho miền Trung ruột thịt.

Cơn bão này có thể rất khủng khiếp, nghĩ mà thương người dân miền Trung. Cầu trời cho bão mau tan, thiệt hại đến nước mình ít thôi” – chị Lưu Thị Huệ (Nhân Chính, Thanh Xuân) chia sẻ. Chị cho hay, mấy hôm nay ở chợ đâu đâu cũng thấy người ta nói về chuyện cơn bão, chuyện nhường cơm sẻ áo cho đồng bào miền Trung ruột thịt.

Nhiều phụ nữ ở khu vực xung quanh nhà chị cũng đang tổ chức quyên góp quần áo, chăn màn và các nhu yếu phẩm cần thiết, chờ bão tan sẽ lập tức vào miền Trung cứu trợ.

Tuy nhiên, trái với không khí mua bán khẩn trương tại miền Trung, ở Hà Nội, người dân dường như không vội vã tích trữ thực phẩm cho những ngày sắp tới. Tại các siêu thị như Co-op Mart Hà Đông, Big C Thăng Long, Hapro Thanh Xuân, tình hình mua bán thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô cũng như rau củ không mấy xôn xao.

Hà Nội chưa vội mua đồ dự trữ cho bão 9
Khu thực phẩm của siêu thị Co-op Mart không mấy đông đúc.

Hà Nội chưa vội mua đồ dự trữ cho bão 10
Quầy thực phẩm khô...

Hà Nội chưa vội mua đồ dự trữ cho bão 11
... cũng như thực phẩm đông lạnh chỉ lác đác vài người.

Theo quan sát, lượng người tập trung vào khu vực thực phẩm không đông đúc. Khi được hỏi, đa phần những người mua hàng đều trả lời họ biết thông tin có bão, biết nguy cơ thời tiết biến động và Hà Nội sẽ có thể ngập úng cục bộ, tuy nhiên, họ cho rằng mình “đã có kinh nghiệm ứng phó với ngập lụt ở Hà Nội” nên không mấy tỏ ra lo lắng.

Một số người nói rằng, nếu chiều 10/11, tình hình thời tiết ở Hà Nội có biến chuyển, họ sẽ bắt đầu tích trữ thực phẩm cũng chưa muộn vì “đã bị nhiều lần lo xa, chất thức ăn đầy nhà với giá cao”.

Hà Nội chưa vội mua đồ dự trữ cho bão 12
Nhiều người Hà Nội cho rằng, họ chưa cần vội tích trữ lương thực cho bão.

Tại một số khu chợ truyền thống như chợ Thượng Đình (Thanh Xuân), chợ Văn Chương, Kim Liên, Ngô Sĩ Liên (Đống Đa), trong sáng và đầu chiều 9/11, tình hình mua bán có vẻ sôi nổi hơn ở siêu thị, nhưng người dân chia sẻ, họ mua thực phẩm cho cuối tuần chứ chưa có ý định tích trữ gì cho những ngày mưa bão.

Theo khảo sát, các tiểu thương tại những khu chợ trên, tình hình kinh doanh thực phẩm của họ vẫn bình thường, không có mấy biến động về sức mua so với những cuối tuần khác. Giá cả tại những khu chợ này vẫn giữ mức ổn định so với ngày thường, trừ một số thực phẩm đặc sản như cá quả, hải sản, gà ta, cua đồng, thịt bắp bò… nhích thêm khoảng 2.000  – 5.000 đồng/kg so với ngày thường.
Chia sẻ