Trung Quốc:

Giằng co bắt đóng phạt, hại chết bé 13 tháng

Theo NLĐO,
Chia sẻ

Công an Trung Quốc đã bắt giữ hai viên chức nhà nước sau vụ giằng co làm một đứa trẻ 13 tháng tuổi thiệt mạng.

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, hồi đầu tuần (ngày 4-2), 11 quan chức và cán bộ chuyên trách dân số – kế hoạch hóa gia đình ở trấn Mã Dữ (thành phố Ôn Châu, tình Chiết Giang) đã cố gắng thuyết phục hai vợ chồng Trần Liên Đệ và Lý Ngọc Hồng nộp tiền phạt vì sinh con thứ ba.

Anh Trần kể với Tân Hoa Xã: “Chúng tôi bị bắt đóng 30.000 đến 40.000 nhân dân tệ, bằng không họ sẽ bắt giữ chúng tôi”. Vợ chồng anh không đồng ý nên xảy ra ẩu đả với nhóm cán bộ.

Trong lúc giằng co, cậu con trai 13 tháng tuổi của anh Trần bị rơi xuống đường và bị chiếc xe của quan chức địa phương cán qua. Đứa trẻ được xác nhận đã chết trong bệnh viện.

Giằng co bắt đóng phạt, hại chết bé 13 tháng 1
Trần Liên Đệ cho phóng viên xem cái áo bị xé rách trong lúc giằng co.

Giằng co bắt đóng phạt, hại chết bé 13 tháng 2
Cư dân địa phương đến phản đối bên ngoài văn phòng chính quyền địa phương.

Ngay sau cái chết của cậu bé, rất nhiều người dân đến phản đối bên ngoài văn phòng chính quyền địa phương. Theo Tân Hoa Xã, tài xế và một quan chức địa phương có liên quan đã bị bắt, song không cho biết hai người này có thể phải đối mặt với những tội danh nào.

Tờ Nhân dân Nhật báo dẫn lời một người hàng xóm ở cách nơi xảy ra sự cố chừng 10 m cho biết: “Khi nghe tiếng ồn ào, tôi liền chạy ra ban công để xem có chuyện gì xảy ra. Anh Trần đứng ở cánh cửa xe, bên cạnh là vợ cùng hai cô con gái. Cô con gái lớn của anh Trần bồng đứa em. Cánh cửa xe không đóng và có lẽ hơn 10 người bên trong xe. Mọi thứ lúc đó chẳng khác nào một mớ hỗn độn. Mọi chuyện xảy ra nhanh đến độ tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì nghe 4-5 người hét lên: “Nhanh lên! Mau lái xe đi!” Sau đó, nghe thấy ai đó bảo đứa bé trai bị rơi xuống đường”.

Vụ việc lần này làm người dân Trung Quốc nhớ lại câu chuyện thai phụ Phùng Kiến Mai sống ở tỉnh Thiểm Tây, bị chính quyền ép nạo thai 7 tháng dù gia đình không đồng ý.

Chia sẻ