Gian nan người hiếm muộn tìm con (P2): Hành trình "thông vòi trứng"

Tạ Thủy,
Chia sẻ

Người Việt Nam mình không như phương Tây, lấy chồng mà không có con là bị đàm tiếu ghê lắm.

Cưới mới được một năm mà mỗi khi tôi gặp họ hàng là đã bị bà bác có tiếng là ngồi lê đôi mách nhất họ hỏi với giọng ngọt ngào dịu dàng nhưng khuôn mặt lại có vẻ gì như ngầm tự đắc: "chúng mày làm ăn kiểu gì mà chậm trễ thế hử? Bằng tuổi mày ngày xưa là bác đã có đến hai đứa rồi đấy". Rồi đến ông chú: "mày như thế là không được. Có vợ là để có con, chứ cứ như mày tao bỏ từ lâu rồi á".
 
Tôi lại cắn răng ngăn nước mắt rưng rưng. Một tháng sau tôi vào viện.
 
Sau một ngày trời lăn lộn ở Viện C làm đủ loại xét nghiệm máu, rôi nước tiểu đến dịch âm đạo… chồng và mẹ khăn đùm gói túm đưa tôi vào phòng bệnh. Hôm nay tôi sẽ phải nằm đây chuẩn bị để hôm sau mổ. Tôi bối rối thay cái váy “bà bầu” lụng thụng của Viện Phụ sản TW.
 
Bác sĩ trực phát cho tôi một ít thuốc, dặn mua lấy chai La Vie to pha vào và uống hết trước 7h tối, sau khi uống xong thì không ăn gì nữa. Nắm nuốt mãi mới uống hết được cả chai lít rưỡi to đùng, chỉ một lát sau là thuốc làm cho cả mấy chị em trong phòng đi WC té tát, người cảm tưởng nhẹ như chỉ còn lại cái vỏ không.
 
Tối hôm đó, tất cả những bệnh nhân sẽ mổ trong ngày hôm sau (khoảng hơn chục người) đều phải tập họp để khám lại lần cuối. Vị bác sĩ “chốt hạ” này nghe nói rất giỏi, tất cả những hồ sơ chỉ định mổ đều phải được ông ký, ông mà không ký thì không ai được mổ xẻ gì hết.
 
Ảnh minh họa.
 
Chiếc mỏ vịt xoáy sâu vào trong tôi nhói đau, xoay đi vần lại khiến tôi nhăn mặt bặm môi. Kết luận cuối cùng : tôi vẫn phải mổ. Sau khi qua công đoạn cuối là làm vệ sinh bằng dung dịch Betadine(1) khiến cả bụng cả đùi tôi nhuốm màu vàng đất nhờn nhờn của thuốc, tôi được về phòng. Người nằm viện chẳng có việc gì làm nên đi ngủ từ lúc chín giờ. Tôi nằm trong bóng tối mà mắt chong chong, lo lắng rộn ràng. Ngày mai tôi lên bàn mổ.

Căn phòng chờ mổ bé xíu chừng hai mét vuông. Tôi ngồi cùng hai bà bầu chờ đẻ, một người nằm thiêm thiếp còn người kia đang kêu rên ầm ĩ. Thỉnh thoảng lại có một cô y tá đẩy cáng chạy qua. Trong căn phòng mổ đối diện, một bà bầu khác thét lên đau đớn, mùi thuốc sát trùng bay là là trong không khí như một màn sương nặng. Tôi chờ chừng một tiếng đồng hồ trong trạng thái tinh thần bị uy hiếp ấy thì được gọi vào phòng mổ.

Phòng mổ bật nhiều đèn sáng choang, có các thứ máy móc chạy ro ro. Tim tôi đập mạnh hơn khi cô y tá đo huyết áp, quấn mũ phẫu thuật quanh đầu và làm vệ sinh. Ngoài các y bác sĩ, trong phòng còn có nhiều người khác mặc áo xanh vô trùng, tôi đoán là các sinh viên thực tập.
 
Được cái tất cả đều rất dịu dàng nên tôi bớt run. Đến đúng giờ, một kim truyền lớn được đâm vào cổ tay tôi đau nhói. Rất nhanh, theo từng giọt thuốc gây mê nhỏ xuống, tôi bắt đầu cảm thấy mơ màng. Ngọn đèn sáu bóng chiếu trên bàn mổ lung linh lung linh, bài “Họa mi hót trong mưa” của Khánh Linh vang lên êm ái(2).
 
Ảnh minh họa.
 
Mọi thứ như lung lay trước mắt. Loáng thoáng hình như có ai hỏi họ tên, địa chỉ; tôi trả lời lơ mơ(3). Chìm vào trong giấc ngủ sâu không mộng mị.

Tôi thấy sống mũi cay cay.

Mấy ngày đã trôi qua, những đau đớn sau mổ cũng đã trôi bớt. Tôi ngồi thẳng trên giường, chăm chú luận từng chữ viết tháu trong tờ giấy biên bản mổ. Bác sĩ phụ trách phẫu thuật ghi rõ tôi chỉ bị tắc phần đầu vòi trứng, ca mổ thông vòi đã hoàn toàn thành công. Chồng tôi khẽ nắm tay tôi mỉm cười, hy vọng lấp lánh trong đôi mắt…
 
Ra viện! Sau một vài tháng dùng thuốc Zoladex 3.6mg(4), chúng tôi lại tiếp tục lao vào công cuộc “tìm con”. Từ ngày 13 đến ngày 16 của kỳ kinh là ngày trứng rụng, nghĩa là nếu quan hệ vợ chồng vào những ngày đó thì sẽ nhiều khả năng có thai nhất.
 
Tôi đến bác sĩ siêu âm thường xuyên để tìm ra chính xác ngày trứng rụng (cái này các chị em đi chữa hay gọi nôm na là “canh trứng”). Muốn kết quả cao thì hai vợ chồng phải kiêng ít nhất 3, 4 hôm trước, dành sức cho “ngày vàng”.
 
Kết quả là những ngày khác, mặc dù “hừng hực khí thế”, vợ chồng tôi cũng phải bấm bụng nhịn, còn đến đúng ngày thì dù mệt đến mấy, căng thẳng đến mấy cũng phải cố mà làm. Liền mấy tháng như thế, vợ chồng tôi vừa chán vừa nản. Con vẫn chẳng thấy đâu, các đàn anh đàn chị đi trước thì trề môi: “Ôi dà, mới chỉ là bước đầu thôi em ạ.”
 
Vì đó mới chỉ là bước đầu, nên chúng tôi bắt đầu lao vào bước thứ hai. Vì đã mổ hai lần, lại vốn nội tiết kém nên trứng của tôi rất nhỏ (nhiều khả năng vì quá nhỏ nên không đậu thai), tôi phải dùng thuốc uống kích trứng(5).
 
Uống đến ngày thứ hai, tôi bị tiêu chảy té tát, càng uống càng đi, đi như thể tất tần tật ruột gan phèo phổi cũng theo đó mà trôi ra hết. Đến ngày thứ năm xong thuốc đến bác sĩ kiểm tra, trông tôi chẳng khác gì các xác ve nên tháng đó không “đậu” cũng là điều dễ hiểu.
 
Thế nhưng đến tháng thứ hai, thứ ba… đã đổi thuốc khác rồi, trứng cũng to lên rồi mà tôi vẫn “trơ trơ”. Ca này nặng rồi đây! – bác sĩ xoa cằm. Ông tư vấn tôi chuyển sang làm IUI – phương pháp giúp thụ thai bằng cách đưa tinh trùng vào tận buồng tử cung(6).
 
(Còn tiếp)
 
Chú thích:
 

1.        Dung dịch Betadine : thuốc sát trùng chỉ định trước phẫu thuật.

2.        Đôi khi các bác sĩ phẫu thuật nghe nhạc trong phòng mổ để tránh căng thẳng.

3.        Hỏi một vài thông tin cơ bản của bệnh nhân là cách các bác sĩ trong phòng phẫu thuật kiểm tra xem bệnh nhân bị gây mê sâu đến đâu. Nếu gây mê quá nặng thì cần có biện pháp xử lý, tránh những hậu quả đáng tiếc về sức khỏe.

4.        Zoladex 3.6mg: Loại thuốc biệt dược dùng sau mổ lạc nội mạc, tiêm dưới da bụng.

5.        Kích trứng : kích thích cho trứng to hơn

6.        Phương pháp này thường được dùng trong trường hợp tinh trùng yếu, không đủ sức xâm nhập vào tử cung.

Chia sẻ