Gặp gỡ nhiếp ảnh gia của bộ ảnh đồng tính gây "sốt"

Thu Hương,
Chia sẻ

Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi chia sẻ về bộ 3 chùm ảnh nổi tiếng thời gian qua, về thị phi xung quanh bộ ảnh và cuộc sống của người đồng tính. Anh cũng tiết lộ những dự định mới trong tương lai.

Họ tên: Bùi Thanh Tâm
Ngày sinh: 10/2/1985
Tốt nghiệp khoa Đông Phương Học, ngành Hàn Quốc Học của trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh


Nếu những ai đã từng có cơ hội ngắm nhìn 3 bộ ảnh “Gà trống”, “Gà mái” và gần đây nhất là “Daydreamers - Những kẻ mộng mơ”, hẳn sẽ không lạ lẫm với nhiếp ảnh gia Tâm Bùi. Ảnh của Tâm Bùi không phải là “đỉnh cao” về kỹ thuật nhiếp ảnh hay khiến người ta phải trầm trồ vì những khuôn hình mới lạ. Ngược lại, đôi khi người ta còn cảm thấy thắc mắc về sự giản dị trong mỗi tác phẩm của nhiếp ảnh gia 29 tuổi này và không hiểu tại sao anh ấy lại chộp được những khoảnh khắc sống động với độ “hot” cao đến vậy. 

Thực sự thì, ảnh của Tâm Bùi được cảm nhận bằng cả nhãn quan và cảm quan. Nhìn vào mỗi bức ảnh, người ta hiểu thêm về thế giới của những nhân vật sống trong đó và đôi khi còn thấy lẩn khuất đâu đó bóng dáng của chính bản thân mình. Tất nhiên, làm được điều đó không dễ. Tâm Bùi cũng tự nhận mình đã từng trải qua 5 năm tự tìm tòi và chuẩn bị, thu nhặt vốn sống ở khắp nơi trước khi nói một cách khiêm tốn rằng “tôi làm nghề và sống với nghề ảnh chưa đầy 1 năm nay”. Không chỉ thế, anh còn sẵn sàng đầu tư tiền bạc và công sức để “hành hương” đến Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Đô, Nepal,… chỉ để thu thập vốn sống và cảm hứng sáng tác.

Gặp gỡ nhiếp ảnh gia của bộ ảnh đồng tính gây
Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi tại Ấn Độ.

PV đã có cuộc trò chuyện cùng nhiếp ảnh gia Tâm Bùi để hiểu thêm về những trăn trở của anh về nghề nghiệp, nhiếp ảnh cũng như cuộc sống thực!

Chào anh Tâm Bùi, được biết "Những kẻ mộng mơ" là bộ ảnh cuối cùng trong bộ 3 chùm ảnh về gia đình do anh thực hiện. Tại sao anh lại quyết định dừng lại vậy? Nhiều người vẫn hy vọng sẽ tiếp tục được chiêm ngưỡng những sản phẩm của anh về đồng giới nữ...

- Sẽ vẫn còn những cảnh đời khác được đưa lên ảnh của tôi nhưng nó sẽ không theo phong cách của bộ 3 này nữa. Nếu các bạn để ý thì bộ 3 này được thể hiện theo một format chung về màu sắc, bố cục và cả mặt ý nghĩa là sự không trọn vẹn trong 1 gia đình. Tôi muốn tìm một hướng khai thác mới hơn để tạo sự đa dạng trong các bộ ảnh, có thể sẽ là 1 bộ 3 khác với màu sắc tươi sáng hơn chẳng hạn!

"Gà trống", Gà mái, những kẻ mộng mơ.. đều có 1 điểm chung là nói về một bộ phận gia đình "khuyết". Gà trống khuyết người phụ nữ, gà mái khuyết người đàn ông và những kẻ mộng mơ khuyết giới tính. Anh chọn vì nó hợp thời, ăn khách hay là phải chăng anh cũng đang khuyết điều gì đó?

- Tôi khuyết tình yêu thương. Gia đình tôi đầy đủ ba mẹ, anh em nhưng tôi tự lập từ nhỏ, có vẻ bản tính đã vậy nên so với bạn bè đồng trang lứa, tôi không được đầy đủ như họ. Rồi cũng không biết do đa đoan hay sao mà trong chuyện tình cảm cũng không được êm đềm. 

Nhưng trời không lấy đi của ai tất cả. Có lẽ đó là lý do tôi nhạy cảm trong việc nhìn nhận những vấn đề trên. Tôi cũng công nhận rằng những chủ đề này đang hợp thời, tôi thú nhận điều đó. Nhưng tôi nghĩ: một người nghệ sĩ nên hoặc là hợp thời, hoặc là đi trước thời đại chứ không nên ở sau lưng xã hội.

Gặp gỡ nhiếp ảnh gia của bộ ảnh đồng tính gây

Gặp gỡ nhiếp ảnh gia của bộ ảnh đồng tính gây
Tâm Bùi cho rằng người nghệ sĩ phải đi trước thời đại.

Bộ ảnh gần đây nhất "những kẻ mộng mơ" đã lột tả được chiều sâu cảm xúc của những người đồng tính. Chắc hẳn phải là người thông thuộc thế giới này lắm thì mới có thể chuyển tải được điều này thành công đến vậy. Xin lỗi được hỏi thẳng: anh có phải là người đồng tính?

- Nhiều người xem bộ ảnh "Gà mái" xong và tâm sự trong nước mắt với tôi là họ đồng cảm quá, họ thấy chính con người của mình trong đó. Tôi nghĩ với tôi giới tính không còn quan trọng nữa vì khi có sự phân biệt tức là có rào cản. 

Nếu tôi phân biệt tôi với nhân vật của mình thì tôi không thể hiểu hết họ được, tôi phải gần như sống cuộc đời của họ thì may ra mới chuyển tải được phần nào cái tâm tình mà người ta đang ấp ủ. Cho nên có lẽ tôi không nên trả lời câu hỏi này trong lúc này, mong bạn thông cảm!

Trong bộ ảnh “Những kẻ mộng mơ”, ngoài hai nhân vật nam trưởng thành, còn xuất hiện cả nhân vật mẫu nhí là bé Bơ. Đưa hình ảnh trẻ em vào để thể hiện cuộc sống của người đồng tính – thế giới vốn không ít thị phi, anh không sợ hành động đó của mình sẽ bị phản đối kịch liệt sao?

- Trong phần tự sự về quá trình thực hiện bộ ảnh, tôi có viết: ngoài những tiêu chí hợp vai, ngoại hình ra, tôi còn phải đi tìm những con người có khả năng toàn-quyền-quyết-định-cuộc-sống của mình. Họ hoàn toàn tự do, không sợ hãi dư luận, không ràng buộc nghề nghiệp, độc lập với gia đình và quan trọng hơn cả là họ dám nhìn thẳng vào bản thể mình. Chính tôi phải là người đầu tiên hội đủ tiêu chuẩn đó thì mới mong tìm được những người đồng điệu với mình, nên thị phi với tôi không là một vấn đề lớn!

Về bé Bơ, tuy chưa quyết định được cuộc đời mình vì còn nhỏ quá nhưng ngay bản thân ba mẹ bé đã xác định đây chỉ là 1 bộ ảnh và chuyện đồng tính là một vấn đề hết sức bình thường nên họ vẫn đồng ý tham gia.

Những bộ ảnh nổi tiếng của anh thời gian gần đây đều thiên về con người. Đây có phải là sở thích và sở trường của anh không? Anh dự định xây dựng "bản sắc" riêng của mình như thế nào?

- Đúng là thế, nhưng chưa đủ vì ngoài thích người ra, tôi còn thích thiên nhiên nữa. Tôi có ghi một câu mô tả ngắn gọn về mình trên facebook cá nhân là "I'm a world wanderer", có thể hiểu như một kẻ lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để ghi lại hình ảnh của những con người tôi gặp, những cảnh đẹp tôi đi qua. Không chỉ mô tả bằng hình ảnh, tôi còn ấp ủ một dự định cho một cuốn sách ảnh với những bài viết tuỳ bút, du ký về kinh nghiệm sống của mình nữa.

Những nhân vật xuất hiện trong ảnh của anh đều khiến người ta rất ám ảnh, đặc biệt là đôi mắt. Đây có phải là ý đồ mà anh muốn tập trung thể hiện nhất?

Tôi thấy khí chất của một con người phát tiết qua đôi mắt. Nhìn vào đôi mắt họ, tôi cảm giác được họ bình yên, hay lạc lõng, hay cô đơn u uất nên tôi nghĩ ngoài việc chụp được một tấm ảnh đẹp về ánh sáng, bố cục ra, nếu bạn "bắt mạch" được nỗi niềm từ trong ánh mắt này thì quả là một thành công lớn. 

Gặp gỡ nhiếp ảnh gia của bộ ảnh đồng tính gây
Tâm Bùi tiết lộ anh còn ấp ủ về một cuốn sách ảnh với những tác phẩm ảnh và những bài viết tùy bút, du ký...

Câu nói "Muốn một người phá sản, hãy đưa cho anh ta 1 chiếc máy ảnh” có đúng với anh? Anh có thể tiết lộ bộ máy anh hiện tại đang sử dụng có giá trị là bao nhiêu không?

- Những thứ tôi đang theo đuổi đúng là "đụng phỏng tay" nhưng đã leo lên… lưng cọp rồi biết làm sao bây giờ… (Cười). Đã quyết sống hết mình cho niềm đam mê thì tôi nghĩ cuộc đời sẽ không phụ mình đâu, rồi cuối cùng cũng sẽ được bù đắp thôi. Nói về tiền bạc ở đây thì ngại quá! Hay tôi quy nó ra ước mơ đi, bộ máy ảnh hiện tại đã ngốn một góc lớn ước mơ mua 1 căn nhà ở Sài Gòn của tôi đó!

Từ việc lên ý tưởng, tìm kiếm nhân vật, cách xử lý bối cảnh... trong các bộ ảnh của anh đều toát lên vẻ chỉn chu. Anh có phải là một người chỉn chu và cẩn thận ngoài đời không?

- Ngoài đời tôi là một người dễ tính nhưng không dễ dãi. Trong quá khứ tôi từng là một người khá bề bộn và thiếu nguyên tắc. Nhưng sau này tôi nghĩ chính điều này sẽ dẫn mình đến địa ngục nên tôi bắt đầu tập dần tính ngăn nắp. Ngăn nắp trong cuộc sống hàng ngày như đồ đạc, phòng ốc thì dễ rồi, ngăn nắp trong suy nghĩ mới khó. 

Tôi phải thu gom những ý nghĩ bát nháo, lộn xộn gọi tạm là "rác" để cho nó vào một xó, đóng gói lại, ghi bảng tên lên để biết đâu sau này cần thì lục lại, không để vương vãi ảnh hưởng không gian suy nghĩ của mình. Nói hơi trừu tượng một chút nhưng kỳ thực cái tôi đang nói là về những kỉ niệm. Lúc này đầu óc được sạch sẽ thì mới tập trung được vào công việc.

Bộ ảnh nào anh cũng đều tự chọn một bản nhạc hay ca khúc đi kèm. Phải chăng âm nhạc sẽ khiến người ta cảm thụ nhiếp ảnh sâu sắc hơn?

- Âm nhac, hội hoạ, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa... đều là những môn nghệ thuật có liên quan mật thiết với nhau. Vì bạn xem phim, nghe thấy nhạc nền của phim nên nghĩ chỉ có phim mới có nhạc, nhưng thực sự ra hội hoạ và nhiếp ảnh cũng có âm thanh của nó. Tôi ví dụ: để diễn tả một cảm giác đau đớn, khắc khoải thì phim họ cũng làm được, chụp ảnh cũng ra mà âm nhạc thì lại càng phong phú. Tôi chọn đúng loại nhạc của hoàn cảnh mà mình đồng cảm, mang nó vào nhiếp ảnh để tăng sự cộng hưởng của 2 môn nghệ thuật với nhau, chẳng phải tuyệt vời hơn sao?

Gặp gỡ nhiếp ảnh gia của bộ ảnh đồng tính gây

Gặp gỡ nhiếp ảnh gia của bộ ảnh đồng tính gây
Anh đặc biệt thích sự di chuyển và những trải nghiệm thú vị.

Mỗi bộ ảnh chắc hẳn gắn với anh bằng những kỷ niệm, anh có thể chia sẻ 1 kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình?

- Tôi xin mạn phép kể một kỉ niệm có một không hai mà tôi sắp công bố trong thời gian tới đây, đó là trải nghiệm trong phòng sinh. Tôi có một người chị rất thân, chị vừa sinh đứa con thứ 3 xong. Lúc chị sinh, tôi được cả nhà "tin tưởng" giao trọng trách vào phòng sanh cùng chị để chụp lại cảnh em bé ra đời. 

Lần đầu tiên tôi bước vào căn phòng lạnh tanh và nồng nặc mùi thuốc sát trùng, với bao nhiêu lời căn dặn của y tá. Chị sinh mổ nên không phải vật vã mà rất tỉnh táo chụp ảnh selfie với tôi trong lúc đợi em bé ra đời. Đến khi cô y tá ra hiệu, tức thì một tiếng oe oe phát lên và tôi bắt đầu chụp liên hồi. Có lẽ chỉ nên kể tới đây tôi, để dành cảm xúc khi công bố bộ ảnh nữa chứ nhỉ!

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện! Chúc cho những dự định của anh luôn thành công!
Chia sẻ