Đừng là "nô lệ" của công việc, hãy nhớ cuộc đời này là của bạn!

Lê Minh ,
Chia sẻ

Hãy tự tin nói với quản lý của bạn rằng, trong khi bạn vui mừng với nhiệm vụ của mình, bạn cũng có những ưu tiên bên ngoài công việc.

Cá nhân tôi, tôi sẽ chọn một công việc lương thấp hơn để có cuộc sống cân bằng hơn là một công việc lương cao nhưng mất đi cuộc sống. Bởi thế để có một cuộc sống cân bằng bạn cũng cần những chiến lược nhất định.

1. Hãy thẳng thắn bày tỏ yêu cầu của bạn về việc cân bằng cuộc sống – công việc ngay từ đầu

Khi gặp một nhà tuyển dụng tiềm năng, hãy bày tỏ cho họ thấy bạn kỳ vọng sẽ có một công việc cân bằng với cuộc sống riêng. Đừng sợ rằng nếu làm vậy, bạn sẽ bị loại khỏi một ứng viên cho công việc. Nếu một công ty đưa bạn ra khỏi danh sách ứng cử viên chỉ vì bạn muốn hài hòa công việc và cuộc sống cá nhân thì đó không phải là nơi làm việc lý tưởng dành cho bạn.

Tôi luôn cố gắng nêu lên yêu cầu của tôi về cuộc sống cân bằng ở mỗi công ty mà tôi phỏng vấn, chủ yếu là để kiểm tra phản ứng của nhà tuyển dụng. Nếu người phỏng vấn nao núng, trả lời loanh quanh cùng lời xin lỗi, tôi đánh giá công ty họ không đủ điều kiện trở thành ứng viên trong quá trình tìm kiếm công việc của tôi.

Vì thế, thật khó để một công ty nào đó “vượt qua” quá trình phỏng vấn của tôi, chứ không phải ngược lại. Tôi từ chối hạ tiêu chuẩn cân bằng cuộc sống và công việc cho bất kỳ “cơ hội” nào.

Đừng là

Luôn có sự cân bằng công việc – cuộc sống, phụ thuộc vào việc bạn sẵn sàng theo đuổi sự ưu tiên đấy bao lâu. Hãy nhớ cuộc sống của bạn nên luôn là ưu tiên hàng đầu. (Ảnh minh họa)

2. Chọn một nơi làm việc có văn hóa công ty phù hợp với nhu cầu của bạn

Hãy nghiên cứu công ty, đọc các lời nhận xét và trò chuyện với những nhân viên hiện tại của công ty để tìm hiểu về công việc mà bạn đang ứng tuyển. Hỏi mọi người xem họ thích nhất khi làm việc ở đó và làm thế nào để họ cân bằng công việc và cuộc sống của mình. Hãy chú ý đến những tín hiệu phi ngôn ngữ hơn là lời nói. Do dự và thiếu rõ ràng trong phản ứng là tín hiệu đèn đỏ. Thoải mái trả lời từng chi tiết là những phản ứng tốt hơn về sự trung thực.

Một lần nữa, đừng ngại nắm bắt những phút giây họ mất cảnh giác. Nếu họ làm cho bạn cảm thấy như việc cân bằng công việc – cuộc sống rõ ràng không phải là một phần không thể thiếu của văn hóa công ty, tại sao bạn lại muốn chia sẻ giá trị của mình trong một công ty như vậy chứ.

3. Hãy chia sẻ mong muốn của bạn với quản lý

Mỗi lần tôi bắt đầu công việc mới hay có một người sếp mới tôi phải làm việc cùng, tôi sẽ chủ động đến gặp người đó. Đầu tiên tôi hỏi anh/cô ấy về mong muốn, kỳ vọng của họ với tôi và sau đó tôi sẽ trình bày mong muốn của mình.

Công ty đầu tiên tôi làm việc đã dạy tôi điều này. Ở công ty thứ hai, việc này đem đến cho tôi sự tôn trọng ngay từ đầu. Tôi có ý định thực hành việc này trong suốt sự nghiệp của tôi và tôi khuyến khích bạn nên làm như vậy.

Hãy tự tin nói với quản lý của bạn rằng, trong khi bạn vui mừng với nhiệm vụ của mình, bạn cũng có những ưu tiên bên ngoài công việc. Hãy xác lập ranh giới. Ví dụ, nếu bạn không muốn nhận email công việc vào ngày nghỉ, hãy lễ phép nói rằng bạn sẽ không trả lời email vào cuối tuần.

Đừng xin phép. Bạn có quyền không suy nghĩ về công việc trong thời gian nghỉ ngơi. Nếu có trường hợp khẩn cấp, họ có thể gọi cho bạn, nếu bạn đồng ý điều đó.

4. Hãy sẵn sàng rời bỏ công việc

Tôi có thể nghe trái tim đột nhiên đập loạn xạ trong ý tưởng bỏ việc để có một cuộc sống, nhưng có lý do nào tốt hơn không nhỉ?

Tôi đã có một công việc tốt ở tuổi 20 và tôi đã bỏ việc khi chưa có việc khác. Một quản lý đã nài nỉ tôi ở lại, nhưng tôi dứt khoát ra đi. Cuối cùng tôi quyết định rằng cuộc sống có ý nghĩa với tôi hơn bất kỳ công việc nào và đó là một trong những lựa chọn đáng tự hào nhất của tôi. Sau đó, tôi đã chuyển sang một công ty toàn những người tuyệt vời, những người cho tôi một sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống mà tôi hằng mong đợi.

Bạn thấy đấy, luôn cần có sự cân bằng công việc – cuộc sống. Nhưng hãy nhớ cuộc sống của bạn nên luôn là ưu tiên hàng đầu.

Đừng để nhà tuyển dụng kiểm soát cách bạn sống. Bạn được trả tiền để làm một công việc chứ bạn không bán linh hồn mình. Hãy nhớ rằng nếu bạn tin rằng công việc của bạn là tất cả, nghĩa là bạn ở trong sự kiểm soát của công ty. Khi bạn nhận ra rằng tất cả công việc có thể thay thế được, và quan trọng hơn chúng có ít giá trị hơn cuộc sống của bạn, đó là lúc bạn đang làm chủ cuộc đời của mình.

(Theo Elitedaily) 

Chia sẻ