Đồng tính nữ: Những cuộc đời không thuộc số đông

,
Chia sẻ

Người ta nghĩ đến đồng tính nữ như người “bệnh hoạn”, cuộc sống không bình thường và khó chấp nhận.

Mặc dù thế giới của người đồng tính nữ với không ít khao khát, ước mơ về một cuộc sống bình thường, càng bị co cụm.

Xã hội cần nhìn nhận khách quan và công bằng với người đồng tính nữ. Ảnh Minh họa

Làm thế nào để “những phận đời không thuộc số đông” ấy vượt qua nỗi mặc cảm tâm lý và cả những rào cản - để họ vẫn có thể sống tốt cuộc sống của mình, qua đó mang những điều tốt đẹp cho cộng đồng - như những con người có ích... là câu hỏi chung mà mọi người đều phải mở lòng suy nghĩ.

Giấc mơ đám cưới

“Mẹ ơi, hôm nay con đi đám cưới bạn. Sao nước mắt con lại rơi khi thấy bạn hạnh phúc mẹ nhỉ? Nước mắt con trào ra vì xúc động, mừng vui cho bạn nhưng con đang khóc cho bản thân mình. Biết ngày nào con cũng được khoác lên mình chiếc váy cô dâu trong trắng trinh nguyên kia? Biết ngày nào con cũng được rạng ngời bên anh ấy với bao sự chúc phúc từ họ hàng đôi bên mẹ nhỉ?...”.

Đây là một trong số hàng ngàn lời tâm sự trên một diễn đàn của giới đồng tính nữ. Câu chuyện về Nguyên - một cô gái trẻ xinh đẹp và thông minh, được sống giữa tình thương và sự bao bọc của bố mẹ mình. Rồi một ngày, Nguyên phát hiện ra rằng mình dành tình cảm rất đặc biệt cho Hương - người bạn gái thân thiết nhất.

Đặc biệt đến nỗi ngày nào không gặp Hương là cô lại thấy bứt rứt, khó chịu. Đi đâu, làm gì cũng muốn đi cùng Hương. Thường phát khùng khi nhìn thấy Hương có nhiều chàng trai vây quanh tán tỉnh. Thay vì mang váy và giày cao gót, Nguyên chọn quần hộp, áo thụng, mũ phớt rất “ngầu”, luôn kè kè bên Hương như muốn “cảnh báo” với đám con trai không được đến gần bạn gái mình.

Và rồi điều gì đến phải đến. Khi nhận thấy sự khác thường của Nguyên, những cử chỉ âu yếm, ánh nhìn đắm đuối của Nguyên, Hương thấy sợ hãi. Cô lảng tránh dần người bạn thân thiết, để mặc Nguyên đau khổ, dằn vặt. Hương yêu một người đàn ông thành đạt và lên xe hoa. Mất đi người bạn và cũng là người mà mình dành tình yêu thương, Nguyên như muốn phát điên.

Bắt đầu những ngày đau khổ dằn vặt. Yêu một người cùng giới, có gì là xấu khi những cảm xúc mà Nguyên dành cho người bạn gái ấy rất thật, có đau khổ, có buồn vui… “đôi lúc con đã nghĩ đâu cần tới váy trắng, cho tới hôm nay trong đám cưới của một người bạn thân con mới hiểu thế nào là hạnh phúc trọn vẹn. Thì ra con vẫn với tới giấc mơ con được xúng xính trong chiếc váy trắng bên người ấy, nhưng biết khi nào điều ấy thành hiện thực mẹ nhỉ?…”.

Nguyên chỉ là một trong số rất nhiều những bạn nữ đang sống trong cuộc sống của những người đồng tính. Yêu người cùng giới cũng là nỗi ám ảnh của chính họ. Tại đường dây nóng tư vấn về giới tính thuộc TT Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), những chuyên gia tư vấn tâm lý không thể nào quên được câu chuyện đau lòng của một ông bố có con gái là đồng tính nữ.

Chỉ vì không tin nổi vào sự thật con mình là đồng tính nữ, người cha đau khổ đã bỏ thuốc ngủ vào ly nước của con rồi cho phép một người đàn ông ân ái với đứa con tội nghiệp. Khi biết được sự thật đau lòng và biết tin mình có thai, người con đã phát điên. Còn ông bố ích kỷ đến đáng thương ấy thì sống cả cuộc đời còn lại trong đau đớn và sự hối hận muộn màng.

Quay lưng?

Chính từ những trường hợp éo le, những lời tâm sự quặn đau cũng hàng trăm, hàng ngàn cuộc điện thoại của những người đồng tính nữ, gần đây CSAGA phối hợp cùng Đại sứ quán Thụy Điển đã tổ chức hội thảo “Đồng tính nữ, thông tin cần chia sẻ”.

Với mong muốn xã hội có cái nhìn rộng mở hơn với giới đồng tính nữ, bà Nguyễn Vân Anh - Chủ tịch Hội đồng sáng lập CSAGA - bày tỏ: “Xã hội cần nhìn nhận khách quan và công bằng với người đồng tính nói chung và người đồng tính nữ nói riêng. Người đồng tính nữ cũng giống như bao người bình thường khác. Xu hướng tình dục của họ cũng là một trong sự đa dạng về xu hướng tình dục hiện đang được nhiều người chấp nhận”.

Điều bất ngờ là tại cuộc gặp gỡ này, không ít người đồng tính nữ đã tự nguyện “lộ diện” và chia sẻ về suy nghĩ của chính mình. Vivian - một cô gái trẻ đồng tính - đã không ngần ngại nói: “Chúng tôi không bị hấp dẫn bởi tình dục mà chúng tôi bị hấp dẫn bởi tính dục. Tôi yêu cô ấy không phải vì tôi có thể quan hệ tình dục với cô ấy, mà để tôi có được cảm giác yêu thương - Vivian đã lộ diện với gia đình và bạn bè khá lâu và hiện tại đã xoá bỏ hoàn toàn cảm giác tự ti, trốn tránh với xã hội. Duy chỉ có một rào cản duy nhất khiến cô không thể tiết lộ danh phận của mình chính là ở nơi làm việc - Tôi sợ khi sếp biết được sự thật, tôi sẽ bị mất việc. Chúng tôi chỉ là thiểu số. Nếu cứ bắt chúng tôi sống khác mình, liệu rằng đấy có phải là sự bất công?”.

Bà Elsa Hastad - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội - trong buổi gặp gỡ lần ấy cho rằng: “Chị gái tôi là một người đồng tính. Trong một buổi tối, chị tôi tuyên bố với cả gia đình là chị ấy yêu phụ nữ. Cha tôi đã không tin vào tai mình. Ông nghĩ rằng ông luôn nghĩ chị ấy là người dị tính và đây chỉ là một phần đời mà chị ấy trải qua, dẫu rằng xã hội Thụy Điển đã thừa nhận quyền bình đẳng trong hôn nhân đồng tính từ những năm 1990”.

Năm 1995, Thụy Điển đã ban hành một đạo luật cho phép đăng ký kết hôn giữa những người đồng tính. Từ năm 2009, hôn nhân đồng tính tại nước này chính thức hợp pháp. Đã có gần 3.000 mối quan hệ đồng tính nữ và hơn 2.800 cặp đồng tính nam đăng ký kết hôn trong tổng số 9 triệu dân. Theo bà Elsa, luật này vẫn được ban hành quá muộn tại Thụy Điển.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, bà Elsa cùng Đại sứ quán Thụy Điển đã cùng CSAGA cho ra đời cuốn sách “Hạnh phúc là sống thật”. Cuốn sách là những câu chuyện có thật của người đồng tính nữ, luôn khát khao có một cuộc sống bình thường và sự khẳng định bản thân trong cuộc sống. Cuốn sách cho thấy một góc nhìn mới về những người thuộc giới thứ ba những luôn mong mỏi tìm cho mình một lối thoát, một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Một thực tế hiện nay là mọi người vẫn chưa thật sự có một cái nhìn đúng đắn về những người đồng tính nữ. Trên cả là sự kỳ thị, tò mò và xa lánh. Theo nhiều trung tâm tư vấn tâm lý, giới tính, hầu hết những cuộc điện thoại tư vấn liên quan đến đồng tính nữ đều nhận được thái độ bàng hoàng, đau khổ và thậm chí tức giận của những phụ huynh biết con mình là đồng tính nữ. Bản thân họ cũng không thể biết rằng chính con cái họ không hề mong muốn điều đó - một cuộc sống không giống với phần đông cộng đồng.

Theo một số chuyên gia tâm lý, nguyên nhân là do phần lớn các bậc phụ huynh chưa hiểu biết đầy đủ về đồng tính. Họ cho rằng do họ nuông chiều, không biết dạy dỗ con. Và thông điệp từ những người đã từng chia sẻ với cuộc sống của người đồng tính nữ là hãy hiểu biết đúng đắn, tôn trọng sự khác biệt, quan trọng hơn cả là có cái nhìn khoa học, khoan dung để giúp người đồng tính nữ hoà nhập xã hội.

Theo Dương Hà
Lao Động

Chia sẻ