Độc thân và vẫn long lanh

,
Chia sẻ

Nguyễn Phương Mai, tiến sĩ - giảng viên đại học Kinh tế Amsterdam (Hà Lan) là một chuyên viên về những vấn đề giao thoa văn hoá Đông Tây.

 34 tuổi và độc thân, Phương Mai vừa tạm gác quay trở lại với công việc sau một chuyến độc hành tới châu Phi và châu Mỹ và được nhiều đài truyền hình châu Âu đến quay phóng sự về một phụ nữ đầu tiên một mình khoác balô đi du lịch với hành trình dài như thế. Nguyễn Phương Mai điển hình cho mẫu hình phụ nữ “độc thân & tuyệt vời”…

Hãy kể một chút về chuyến đi châu Phi và Mỹ Latinh của chị?

Kể một chút thì hơi khó vì chuyến đi kéo dài tám tháng qua 23 nước. Tôi đang dự định viết một cuốn sách để có thể kể dài hơn một chút những điều tôi trải nghiệm. Chuyến đi này hoàn toàn chẳng có mục đích gì lớn lao hơn là: “hứng lên thì đi”. Nhưng những điều thu lượm được thì nhiều vô kể, đáng khoe nhất là khả năng có thể phẩy tay nói: “Whatever!” (thế nào cũng được!) với vô số vấn đề trong cuộc sống mà trước đây có thể làm tôi lo nghĩ đến ốm đi được.

Chị đã chuẩn bị cho chuyến đi đó như thế nào? Tôi tin là chị sẽ mất rất nhiều thời gian, mất nhiều tiền thậm chí là mất cả công việc ổn định. Nhưng khi trở về xã hội châu Âu của chị, có lẽ chị sẽ bị lạc một thời gian?

Tôi mất đúng ba tuần chuẩn bị cho chuyến đi. Công việc thì sếp bảo bao giờ về đi làm tiếp nên tâm lý rất thoải mái. Sau tám tháng, về nhà được đúng 32 tiếng tôi đã đi làm nên không có thời gian để lần hồi luyến tiếc hoài cổ. Tôi thích nghi nhanh, chỉ bị quên chìa khoá khắp nơi thôi. Tiền thì phải chi nhiều, chuyện dễ hiểu, tài khoản của tôi còn đúng 20 euro khi đặt chân về đến Hà Lan.

Cá nhân chị, ngay từ khi còn là học sinh, sinh viên, công chức, nghiên cứu sinh, và làm tiến sĩ… Những giai đoạn đó cần thời gian để đầu tư cho công việc chính là học và làm. Chị đã cân bằng nó với việc làm vui tươi cuộc sống của mình, giải trí và hưởng thụ cuộc sống như thế nào?

Tôi may mắn là luôn được học và làm công việc mà mình ưa thích. Tôi yêu công việc (khác với nghiện công việc nhé) nên cuộc sống cũng vì thế mà vui tươi theo.

Vượt băng hà ở New Zealand.

Khi còn ở Việt Nam, chị có gặp phải những vướng mắc về quan điểm sống với những người xung quanh như môi trường công sở, gia đình và xã hội hay không?

(Hahahahahha) Nghĩ gì? Ai mà chẳng có bất đồng quan điểm, chỉ có điều mỗi người chọn cách giải quyết khác nhau. Đàn bà con gái Việt Nam khôn ngoan thì không đối đầu, chọn cách đi vòng vèo, lạt mềm buộc chặt. Đàn bà con gái cứng đầu bướng bỉnh như tôi thì gân cổ lên cãi. Hệ quả là cách đây không lâu có một anh chàng người Việt đột nhiên thổ lộ rằng, tôi làm người tình thì ổn, làm vợ thì hỏng.

Độc thân & tuyệt vời – hẳn là phù hợp với phụ nữ phương Tây hơn phương Đông – nhất là ở các nước kinh tế phát triển?

Tất nhiên! Để có thể độc thân rồi lại còn long lanh nữa thì phải có đủ hai yếu tố: có kinh tế và sống trong một xã hội có nền văn hoá phù hợp. Trong suốt tám tháng lang thang ở châu Phi và Trung Mỹ, lúc nào trên ngón tay tôi cũng có một chiếc nhẫn cưới (2 đôla mua ở chợ trời). Cái mẩu sắt mạ vàng này giúp tôi thoát khỏi hàng trăm câu hỏi cả lo lắng lẫn nghi ngờ của dân bản xứ.

Theo chị lối sống này của phụ nữ thể hiện điều gì: bình đẳng giới hay sự phát triển về tri thức của phụ nữ trong xã hội hiện đại?

Cả hai, đơn giản vì bình đẳng giới là hệ quả của tri thức. Tuy nhiên, bình đẳng giới là khái niệm nhiều tranh cãi. Mỗi xã hội, tuỳ thuộc vào gốc văn hoá, lại có một cách nhìn nhận khác nhau. Ở những nền văn hoá trọng nam, (Á Đông, Nam Âu, Mỹ Latinh), bình đẳng giới thể hiện chủ yếu bằng việc phụ nữ lấn sân nam giới trong khi nam giới vẫn giậm chân tại chỗ. Điển hình là việc phụ nữ có thể làm sếp, trở thành phi công, cảnh sát v.v..., nhưng nếu đàn ông mà muốn làm y tá hay ở nhà chăm sóc con thì sẽ bị cười thối mũi. Ở những nền văn hoá này, bình đẳng giới thực chất chỉ được tính cho giới chị em. Ngược lại, ở Bắc Âu, Tây Âu và Bắc Mỹ, bình đẳng giới là việc cả hai giới lấn sân của nhau, cả anh lẫn ả đều cả hai bên. Hà Lan, nơi tôi đang sống chẳng hạn, rất nhiều sếp nam ký hợp đồng làm việc ba – bốn ngày để chăm sóc gia đình cùng bà xã.

Lặn biển ở Honduras.

Bên cạnh đó, bình đẳng giới cũng cần phải được nhìn nhận từ góc độ bản năng giới (phụ nữ có thiên chức làm mẹ và sinh con). Điểm xuất phát này cho phép phụ nữ tuyên ngôn rằng: “Tôi muốn và lựa chọn cuộc sống thiên về chăm sóc gia đình” thay vì “Tôi phải và không có lựa chọn nào khác là hy sinh bản thân cho cuộc sống gia đình”. Bình đẳng giới từ góc độ này phát triển cao hơn một bậc nhưng cũng đồng thời phức tạp hơn (hành vi giống nhau nhưng động cơ khác nhau), đắt đỏ hơn (chính phủ phải cấp tiền và dịch vụ hỗ trợ vì làm mẹ được coi là một nghề nghiệp thay vì đơn giản chỉ là lựa chọn cá nhân).

Trong quá trình nghiên cứu về giao thoa văn hoá Đông Tây, chị thấy đặc điểm nào của người phụ nữ Việt Nam vẫn còn thụ động trong khuôn khổ và đặc điểm nào họ đang giành được thế chủ động cho mình?

Phụ nữ Việt Nam bình đẳng hơn nhiều so với phụ nữ Bắc Á (Trung Quốc, Nhật, Hàn). Sếp nữ ở Việt Nam nhiều hơn hẳn các nước láng giềng. Nguyên nhân chính là do Việt Nam bản chất xa xưa là văn hoá mẫu hệ. Một ngàn năm Bắc thuộc thiết lập một hệ thống văn hoá phụ hệ đối lập với các giá trị trọng nữ của người Việt. Từ đó đến nay, lịch sử phụ nữ Việt Nam là lịch sử của trò chơi bập bênh giữa hai hệ thống giá trị, một được thừa hưởng, một do bị áp đặt. Mỗi người phụ nữ Việt sinh ra là bắt đầu một quá trình tự cân bằng, ai cân bằng tốt thì trở thành “giỏi việc nước đảm việc nhà”, ai kém may mắn hơn thì bị bẹp gí ở một bên, hoặc là trở thành bà la sát, hoặc là bị “thằng” chồng đè đầu cưỡi cổ. Ai từ chối trò chơi này thì được mời trả lời phỏng vấn chuyên đề “Độc thân mà vẫn long lanh”.

Phụ nữ Việt vẫn đặt nặng gánh gia đình, thời gian của họ sau khi lập gia đình giống như một cái khoá sắt buộc họ và với cuộc sống ấy. Cân bằng con người cá nhân với con người xã hội đã khó, cân bằng con người gia đình và con người xã hội còn khó hơn?

Đi máy bay ở New Zealand.

Tất nhiên là khó hơn, ở đâu cũng thế, chẳng cứ gì ở nhà. Đám bạn tôi ở đây lập gia đình rồi chẳng khác gì đàn bà Việt Nam. Điều khác duy nhất là mấy lão chồng lăn ra nấu ăn cho cả nhà thay vì nằm dài trên ghế chĩa điều khiển vào màn hình tivi rồi lại còn càu nhàu là canh hôm nay nấu mặn.

Quan điểm cá nhân của chị về chuyện lập gia đình?

Trước hết phải nhấn mạnh rằng quan điểm của tôi tương đối nhất quán, nhưng cách sống của tôi phụ thuộc phần lớn vào nơi tôi cư trú. Khả năng thích nghi là điều tối quan trọng, không ai có thể khăng khăng nhất nhất 100% đòi sống theo quan điểm của mình mà có thể tồn tại yên ổn trong xã hội được. Mỗi lần về Việt Nam, dù là về chơi, tôi luôn cố gắng nhắc nhở mình thay đổi, không phải do sợ bị chửi là mất gốc, đơn giản chỉ vì thay đổi để dễ sống hơn thôi.

Cụm từ “lập gia đình” có mục đích khác với cụm từ “thành đôi”. Với một số người, hạnh phúc là phải có cả hai, thành đôi rồi có con để thành một gia đình. Cũng có kẻ đơn giản chỉ muốn nhân giống. Với một số người khác, thành đôi quan trọng hơn hết thảy, trẻ con sinh ra không phải là mục đích mà là hệ quả của yêu thương. Tôi thuộc về nhóm này.

Chị có nghĩ rằng đến một lúc nào đó họ sẽ ân hận, chẳng hạn như tuổi xuân họ đã qua, sức khoẻ và thể trạng không còn phù hợp với việc sinh con hoặc lập gia đình quá muộn?

Phụ nữ khôn ngoan tự tin khác với phụ nữ nông nổi ích kỷ. Kẻ khôn ngoan tự tin thì không dễ dàng hối hận bởi họ quyết định dựa trên sự hiểu biết, cân nhắc, cố gắng lường trước những hệ quả có thể xảy ra. Ở xã hội phương Đông, khôn ngoan và tự tin thôi chưa đủ, bạn phải cực kỳ khôn ngoan và cực kỳ tự tin để lựa chọn cách sống này mà không hối tiếc. Vì thế tôi chân thành ngả mũ chào những ai đi chung con đường ở quê nhà.

Ngọn núi lửa ở Costa Rica.

Tuy nhiên, có một hiểu lầm rất phổ biến là phụ nữ độc thân kiểu này không cần nam giới. Sai lầm. Tất nhiên là chúng tôi cần nam giới, nhưng không phải để hoàn thiện cuộc sống theo kiểu một nửa này chờ một nửa kia. Tự bản thân người phụ nữ đã là một chỉnh thể hoàn thiện, thêm một chút tình tang của các chàng, cũng như việc lập gia đình, hoặc sinh con.v.v... là những giá trị gia tăng của cuộc sống. Hoặc là nằm ỳ ra chờ hoàng tử đến hôn cho một cái để rồi hạnh phúc lúc đó mới thực sự bắt đầu, hoặc là tự tìm cách thoát thân ra khỏi lâu đài, sống vui tươi, có cả một đám hoàng tử bám đuôi, và khi nào thích thì tự mình lựa gã đẹp trai nhất mà hôn. Đấy, chọn cách nào thì chọn!

Tôi muốn có một chia sẻ của chị, thực tế và chân thành với những phụ nữ khác cùng thế hệ và cùng lối sống? Và một chia sẻ khác với thế hệ phụ nữ bà và mẹ của các chị?

Với đám cùng hội cùng thuyền: Trung thực với trái tim và hết mình với cuộc sống.

Với các bà, các mẹ: Đã bảo là con vui mà!

Trên đỉnh Tika (Guatemala).
Tại Salar Uyuni (Bolivia).
Trên đỉnh Machu Pichu (Peru).
Cưỡi ngựa trong suốt bốn tiếng từ Chugchilan đến Sigchos (Ecuador).
Vắt sữa bò ở Ecuador.
Trên vịnh Ometepe (Nicaragua).
 
Theo SGTT
Chia sẻ