Điều ước của cô gái cạy hàu

Theo Tuổi trẻ,
Chia sẻ

Trần Thị Ngọc Hân, tân sinh viên trường cao đẳng Sư phạm trung ương Nha Trang, cùng mẹ và em trai trú ngụ bảy năm nay trong một căn nhà chừng hơn 10 m2.

Nhà nằm cuối con đường nhỏ hẹp ngoằn ngoèo ở làng biển thôn Tam Ích (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). “Tường” là những tấm bạt mủ, mái tôn han gỉ sắp mục. Nhà không có nền vì được dựng nửa trên đất, nửa còn lại cắm các trụ dưới lạch sông rồi đóng ván bên trên để làm sàn.

Nhìn căn nhà ấy người ta thấu hiểu ngay nỗi cùng cực của chủ nhân.

Điều ước của cô gái cạy hàu
Trần Thị Ngọc Hân giúp mẹ chẻ hàu.

Cánh cửa sổ xệ xuống vì các móc chốt đã hỏng, còn cửa chính cũng không có chốt vì, theo bà Nguyễn Thị Diễm (45 tuổi, mẹ Hân), “có mở toang đi vắng cả tuần trộm cũng không thèm vào bởi chẳng có gì đáng giá”.

Cơ cực phận nghèo

Nhà chật, mùa nắng ba mẹ con Hân thường lê la dưới bóng mát cây trứng cá bên ngoài là chính vì không chịu nổi cái nóng hầm hập từ mái tôn đổ xuống, còn mùa mưa gió không dám ở trong nhà mà thường xuyên “ở đậu” nhà người cậu bên cạnh.

Hằng ngày, khi trời chưa sáng tỏ, bà Diễm đã dậy để theo ghe của người em dâu xuôi 4 km lạch sông Găng ra biển Hòn Hèo, ngâm mình trong biển dùng dao cạy những con hàu bám cứng trong gành, trong đá.

Thường mỗi ngày bà Diễm cạy hàu từ 5h sáng đến 13h chiều mới về. Do thể trạng ốm yếu, bà Diễm thường chỉ kiếm được bằng phân nửa người khác làm cùng thời gian. Số hàu mang về, ba mẹ con tranh thủ ngồi chẻ ra, lấy cơm hàu chờ thương lái tới gom vào xế chiều mỗi ngày.

“Hôm làm được nhất thì khoảng 2 kg cơm hàu, bán được 120.000 đồng, còn hôm nước lớn nhanh có khi chỉ chừng 1 kg” - bà Diễm cho biết. Đôi tay, đôi chân bà Diễm chai sần, thường xuyên tóe máu vì bị vỏ hàu cắt.

“Tui sợ nhất là lúc biển động hay khi mình đổ bệnh, vì một ngày không kiếm được ký hàu nào là ngày đó không có tiền đong gạo, không lo được cho hai đứa đi học” - giọng bà nghèn nghẹn. 

Điều ước của Hân

Nhà chỉ có một chiếc xe đạp, những ngày còn học chung Trường THPT Tôn Đức Thắng, hai chị em Hân chia nhau theo buổi học từng đứa. Nhưng có thứ chia không được đó là chỗ học, bởi nhà quá hẹp nên khi Hân học ở nhà thì Hiệp phải về nhà ngoại cách đó chừng 100 m để học và ngược lại. Vượt qua khốn khó, đói ăn thiếu ở, hai chị em luôn đạt kết quả học tập từ khá đến giỏi.

Hân kể ngày nhận được tin đậu nguyện vọng 1 vào ngành kế toán Trường đại học Nha Trang, hai hàng nước mắt em bỗng dưng chảy dài vì buồn tủi.

“Đại học, đó là chân trời mơ ước của bất kỳ học sinh nào. Nhưng gia cảnh như vậy làm sao có tiền học đại học. Chọn học sư phạm mình được miễn học phí, được ở ký túc xá với giá rẻ hơn thuê nhà trọ” - Hân thật lòng.

Dù vậy, bước vào trường với các khoản tiền cần đóng cũng tốn gần 6 triệu đồng, bà Diễm tất tả chạy đi mượn khắp xóm nghèo.

Cô tân sinh viên này cho biết sau khi ổn định học tập sẽ tìm ngay việc làm thêm ban đêm. Chuyện làm thêm không lạ với Hân khi mấy năm cấp III, mùa hè là Hân vào TP Nha Trang làm hàng laghim thuê cho một vựa rau củ quả ở chợ Đầm, hay chạy bàn ở khu du lịch...

Hai dòng nước mắt lăn dài trên má, Hân bộc bạch: “Em nỗ lực chỉ ước có được một ngôi nhà tươm tất mà không phải hoảng sợ bỏ chạy lúc đêm hôm khi trời trở dông trở gió, không phải đi ở nhờ ở đậu mỗi lúc mưa bão về”.

Chia sẻ