Diện tích nền nhà dân bị nóng ngày một to ra

,
Chia sẻ

Mặc dù Sở KHCN Hải Phòng kết luận hiện tượng nóng ở sàn nhà không hề gì nhưng gia đình bà Hứa Thị Lợi (Lê Chân, Hải Phòng) không khỏi lo lắng vì diện tích bị nóng vẫn to ra.

Lần đầu bà Lợi phát hiện ra hiện tượng này, diện tích bị nóng chỉ to bằng khoảng hai viên gạch nhỏ (khoảng 40 cm2), nhưng đến 8/12, diện tích này đã to bằng khoảng cái mâm (khoảng 60-70 cm2).
Bà Lợi đang chỉ khoảng sàn nhà bị nóng lên. Ảnh: Đức Trọng.

Có thể cảm nhận rõ hiện tượng này khi sờ vào một viên gạch thì ấm, còn viên bên cạnh lại mát bình thường. Chỉ vào chân cầu thang, bà Lợi cho phóng viên VnExpress.net biết, sức nóng tăng cao và kéo dài đã khiến nhiều chỗ ở chân cầu thang bằng gỗ bị nứt.

Bà kể: "sáng ngày 1/12, khi đặt chân xuống sàn tầng 1, tôi giật mình kinh hãi vì nền nhà bỏng rát. Chỗ bỏng đó nhỏ thôi, nhưng có lúc, chân, tay không thể tiếp xúc được vì quá nóng. Tôi lo lắng quá nên đã cầu cứu đến chính quyền địa phương".

Trưa hôm đó, cơ quan chức năng của quận Lê Chân đã đến xem xét và cho rằng nhiều khả năng khí gas của bể phốt ở dưới nền nhà tích tụ lâu ngày không thoát được đã gây hiện tượng nền nhà nóng lên.

Bán tín bán nghi về phán đoán này, bà Lợi liền gọi cho ông Minh, là chủ thầu xây dựng công trình nhà bà năm 2006, tới. Khi có mặt, ông Minh khẳng định khu vực bị nóng ở nền nhà không hề có bể phốt...

Sợ sẽ dẫn đến cháy nổ, nên trong khi chờ các cơ quan chuyên ngành đến đo đạc, bà Lợi đã sơ tán vội một số đồ dễ cháy như bình gas, xe máy và khóa cửa sang nhà hàng xóm.
Cột chân cầu thang bị nứt do sàn nhà nóng lâu. Ảnh: Đức Trọng.

Cũng ngay trong chiều hôm đó, một đoàn cán bộ các cơ quan chức năng (từ Hà Nội) cùng đại diện của Sở KHCN Hải Phòng tới mang theo một số thiết bị kỹ thuật chuyên dùng tiến hành đo thử nhiệt. Kết quả, nhiệt độ mặt nền nhà bà Lợi lên tới 80 độ C. Qua kiểm tra, họ khẳng định không có phóng xạ hay khí độc ảnh hưởng đến sức khoẻ mọi người.

Yên tâm nên bà Lợi đã chuyển về nhà sống bình thường. Sang ngày 2/12 thì nhiệt độ giảm dần và chấm dứt. Nhưng đến 5/12, hiện tượng này lại xuất hiện và lan rộng hơn.

"Lo lắng, tôi đã báo cáo chính quyền địa phương, nhưng người ta trả lời là cứ yên tâm, không làm sao cả, không có hại gì cho sức khỏe, thậm chí là còn tốt trong trời lạnh thế này", bà Lợi kể lại.

Đến hôm nay, sàn vẫn còn ấm nhưng bà đã không còn lo lắng nữa. Trong khi đó, nhiều người dân hiếu kỳ ở xung quanh lại kéo đến để được "mục sở thị".
Phần đất tiếp giáp bên phải nhà bà Lợi (nhà sơn màu trắng cam) là khoảng đất trống. Ảnh: Đức Trọng.

Lý giải về hiện tượng sàn nhà nóng lên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn và Bảo vệ Môi trường, thuộc Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam, đồng thời là Tổng thư ký Hội địa chất thủy văn Việt Nam cho rằng có thể sàn nhà nóng do hiện tượng bị rò điện, hoặc dưới nền đất có thấu kính bùn tỏa khí metan, khí này cháy nên tỏa nhiệt. Cũng có khả năng bên dưới có nguồn nước nóng hoặc có hố tôi vôi cũ. Trung tâm của ông Lâm đã xử lý 2 trường hợp tương tự tại Hà Nội. Ông cũng cho biết cần có cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực này khảo sát toàn diện mới tìm ra được nguyên nhân.

Trước đó, một số địa phương khác cũng từng ghi nhận hiện tượng này và đều có lời giải thích rõ ràng. Tại Hải Phòng, vài năm trước một nhà dân ở đường Đà Nẵng, quận Ngô Quyền cũng xảy ra hiện tượng tương tự.

Theo Đức Trọng
Vnexpress

Chia sẻ