"Dầu gội trẻ em chứa độc tố vẫn trong ngưỡng an toàn"

,
Chia sẻ

Cục Quản lý Dược đã đưa ra nhận định trên sau khi có thông tin phát hiện hai chất độc trong dầu gội trẻ em. Trước đó, nhiều siêu thị ở TP HCM đã bắt đầu rút hàng của hãng Johnson & Johnson.

Theo kết quả kiểm tra mới đây của Chiến dịch vận động sử dụng mỹ phẩm an toàn tại Mỹ, nhiều sản phẩm tắm dành cho trẻ em có chứa formaldehyde hay 1,4 dioxane, là những hóa chất độc hại có thể gây ung thư. Trong số đó có những thương hiệu nổi tiếng có mặt tại Việt Nam như dầu gội của Johnson's Baby và dầu gội L'Oreal Kids Extra Gentle 2-in-1, đều chứa một lượng formaldehyde đủ để gây kích ứng da với những người có làn da nhạy cảm.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Cục Quản lý Dược đã thông báo khẩn yêu cầu một số cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm báo cáo tình hình chất lượng sản phẩm được sản xuất và lưu hành tại Việt Nam.

Theo tiêu chuẩn của Mỹ và Hiệp hội Mỹ phẩm ASEAN:

Đối với Formaldehyde,hàm lượng an toàn là không vượt quá 1.000 ppm đối với các sản phẩm dùng để chăm sóc răng miệng và 2.000 ppm đối với các mỹ phẩm khác.

Với 1,4 Dioxane, các nước này đều không cho phép dùng trong mỹ phẩm như là một hoạt chất. Tuy nhiên trong một số sản phẩm từ dầu mỏ như Polyethylenglycol (PEG) và các dẫn chất của chúng được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm và các ngành công nghiệp khác có thể có vết 1,4 Dioxane. Cả Mỹ và EU đều không đưa ra giới hạn vết với chất này. Riêng Canada có khuyến cáo giới hạn an toàn cho các sản phẩm mỹ phẩm là 380 ppm.

 

Cục cũng liên hệ với phía Mỹ, Hiệp Hội mỹ phẩm ASEAN... để nắm bắt những tiêu chuẩn cụ thể của các nước này.

Trao đổi với VnExpress, Cục trưởng Quản lý Dược, Trương Quốc Cường cho hay, căn cứ vào tiêu chuẩn của những tổ chức này, thì tất cả các sản phẩm công bố nhiễm đều ở mức rất thấp (Formaldehyde cao nhất là 610 ppm và 1,4-dioxane cao nhất là 35 ppm), nằm trong mức cho phép.

"Dù Việt Nam không có tiêu chuẩn riêng về hai chất này, nhưng về lý thuyết thì các sản phẩm này có thể coi là an toàn.", ông Cường khẳng định.

Tuy nhiên, ông cũng cho hay sẽ tiếp tục kiểm tra các sản phẩm mỹ phẩm để xác định các hợp chất này, khi có kết quả cuối cùng sẽ thông tin chính thức.

Trong khi đó, tại TP HCM hôm nay, một số siêu thị trên địa bàn TP HCM như Co.op mart, Big C, Martximart đã rút và ngừng bán các sản phẩm mà người tiêu dùng đang e ngại có chứa chất gây ung như dầu gội, sữa tắm, sữa tắm gội của các hãng này. Các siêu thị cho biết họ ngừng bán để chờ các kết luận chính thức của cơ quan chức năng về chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, tại nhiều chợ, cửa hàng tạp phẩm trong thành phố vẫn trưng bày đầy đủ các loại sản phẩm tắm trẻ em của Johnson... Các tiểu thương cũng đang chờ cơ quan chức năng công bố chất lượng sản phẩm và nếu có độc tố sẽ trả lại ngay cho nhà phân phối như đã làm với bột ngọt Vedan trước đây.

Còn tại Hà Nội các sản phẩm của Johnson vẫn được bày bán tại các siêu thị và đại lý, cửa hàng bán mỹ phẩm.

Ông Rowel Vijandre, Trưởng đại diện hãng Johnson & Johnson cho rằng "vết của một số chất do Nhóm hoạt động xã hội về An toàn mỹ phẩm tìm thấy có thể phát sinh từ quá trình làm cho sản phẩm dịu nhẹ và an toàn đối với sự phát triển của vi khuẩn".

Ông cũng cho biết Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ và một số cơ quan nhà nước khác trên thế giới đều xem vết này là an toàn.

Riêng dầu gội L'Oreal Kids Extra Gentle 2 in 1 thì chỉ là hàng xách tay nên không được bán rộng rãi. Đại diện L'Oreal Việt Nam, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh cho biết: "L'Oreal chưa phân phối dòng sản phẩm nào dành cho trẻ em tại Việt Nam. Thương hiệu L'Oreal ở Việt Nam hiện chỉ gồm các sản phẩm chăm sóc tóc, dưỡng da, trang điểm, dược mỹ phẩm và chỉ chuyên dùng cho người lớn".
 
Những cảnh báo từ Cuộc vận động sử dụng mỹ phẩm an toàn (Mỹ):
- Lựa chọn những sản phẩm có ít thành phần hơn và không có mùi thơm hoặc chất nhuộm màu nhân tạo, và nói chung là ít sử dụng các loại mỹ phẩm.
- Tìm hiểu kỹ về sản phẩm mà bạn sử dụng và chọn giải pháp an toàn hơn nếu có thể.
- Đọc kỹ nhãn mác: Lựa chọn sản phẩm cho trẻ con và cho chính mình không chứa những thành phần kể trên.
Không sản phẩm tắm cho trẻ em nào liệt kê Formaldehyde và 1,4-dioxane trên nhãn sản phẩm, vì chúng được hình thành như là một sản phẩm phụ của quá trình sản xuất và không được cho vào một cách cố ý.
Tuy nhiên, nhóm vận động cho biết người tiêu dùng có thể kiểm tra trên nhãn các thành phần có khả năng chứa một trong hai độc tố trên, bao gồm: peg-100 stearate, sodium laureth sulfate, polyethylene and ceteareth-20, quaternium-15, DMDM hydantoin, imidazolidinyl urea, diazolidinyl urea and sodium hydroxymethoylglycinate.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ