Dấu ấn Trần Phương My - nhà thiết kế làm đẹp cho sao Việt

Lê Minh ,
Chia sẻ

Xinh đẹp, tài năng, đạt được nhiều thành tích nổi bật, nhưng Trần Phương My, nhà thiết kế thời trang trẻ này dường như chưa bao giờ hài lòng với những gì cô đạt được.

Nhà thiết kế Trần Phương My: “Tôi không bao giờ làm gì với một nửa năng lượng mình có” 1

Trần Phương My

Sinh năm 1988

Tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật San Francisco (Mỹ)

Tham gia nhiều show diễn thời trang thế giới: New York Fashion Week 2010, Macy’s Fashion Night Out 2010, Black V Fashion Show 2011, Tokyo Fashion Fuse 2011, New York Fashion Week Spring 2012

Mở cửa hàng thời trang riêng tại Việt Nam năm 2013

Là nhà thiết kế thời trang trẻ lọt vào danh sách “30 gương mặt nổi bật dưới 30” doForbes Việt Nam bình chọn tháng 2/2015


Phụ nữ tuổi 30 luôn biết mình muốn gì

Được biết sau khi Phương My tốt nghiệp Học việnNghệ thuật San Francisco, bạn đã chiến thắng trong cuộc thi “Are You Runway Ready” tại tuần lễ thời trang New York và sau đó là hàng loạt cơ hội nghề nghiệp ở Mỹ, tại sao My lại chọn quay về Việt Nam khởi nghiệp?

Không phải My không muốn phát triển sự nghiệp tại Mỹ vì sắp tới My sẽ mở một showroom tại New York, nhưng cửa hàng thời trang đầu tiên thì My muốn mở ở Việt Nam. Vì Việt Nam là nơi My sinh ra, nên My muốn thương hiệu của mình sẽ gắn bó lâu dài với đất nước mình.

Có mặt trên thị trường gần 2 năm, thương hiệu Phương My được nhiều khách hàng yêu mến và cũng là sự lựa chọn của nhiều sao Việt, My nhận định sự thành công của thương hiệu là do những điều gì?

My nghĩ rằng thương hiệu Phương My có những điểm mạnh như chất liệu vải được kết hợp sản xuất từ các đối tác nước ngoài ở Hàn Quốc, Pháp, Ý, Hồng Kông.. tạo nên những chất liệu vải riêng mà ngay cả những thương hiệu nổi tiếng thế giới cũng không tìm được. Kế đến, những đường cắt trong thiết kế của My luôn giúp người phụ nữ, dù béo hay gầy, đều có thể tôn lên vẻ đẹp hình thể của họ.

Nhà thiết kế Trần Phương My: “Tôi không bao giờ làm gì với một nửa năng lượng mình có” 2
“My nhận thấy rằng phụ nữ luôn cần được lắng nghe, nhưng ít khi được lắng nghe. Thương hiệu của My quan tâm đến những điều phụ nữ ở độ tuổi 30 mong muốn”

Được biết đối tượng khách hàng của Phương My hướng đến là phụ nữ ở độ tuổi từ 30 – 55 tuổi, vì sao My lại chọn phân khúc đối tượng khách hàng này?

Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên có những nét đẹp rất riêng. Họ có thể không còn đẹp một cách trẻ trung như thưở 20 mà là vẻ đẹp đằm thắm, nữ tính hơn. Ở độ tuổi 30, phụ nữ trưởng thành, chín chắn hơn trong cuộc sống và luôn biết mình chắc chắn muốn gì. Họ cũng thành công hơn trong cuộc sống, nên họ sẽ chịu khó đầu tư hơn về ngoại hình của mình, về trang phục họ khoác lên người, về những trang sức họ đeo.

Con gái tuổi 20 có thể khoác lên mình những bộ cánh dù không có thương hiệu vẫn có thể đẹp. Phụ nữ 30 thì khác, họ bắt đầu nhận thấy da dẻ bắt đầu chùng xuống, bắp chân, bắp tay bắt đầu to lên, bụng có ngấn mỡ... nên họ chú tâm hơn vào trang phục để che những khuyết điểm. Đa số khách hàng tìm đến thương hiệu của My đều có những câu chuyện riêng, ví dụ như vùng thịt ở cánh tay bắt đầu chảy xuống, có tập yoga cũng không giảm bớt, bụng sau khi sinh con sẽ có những vết này nọ... My nhận thấy rằng phụ nữ luôn cần được lắng nghe, nhưng ít khi được lắng nghe. Thương hiệu của My quan tâm đến những điều phụ nữ ở độ tuổi 30 mong muốn.

Nhà thiết kế Trần Phương My: “Tôi không bao giờ làm gì với một nửa năng lượng mình có” 3
Những thiết kế mang dấu ấn của Trần Phương My

Như My đã chia sẻ, phụ nữ ở độ tuổi từ 30 trở đi, độ tuổi họ kết hôn và sinh con, thường gặp khó khăn trong việc chọn trang phục vì vóc dáng không còn thon thả và đẹp như thời con gái nữa, bạn đã giải quyết những khó khăn này thế nào trong những thiết kế của mình?

My nghĩ đường cắt là yếu tố quan trọng nhất. Đường cắt cho bạn cảm giác khi mặc bộ trang phục, bạn không cảm thấy mình quá gầy hay quá béo. Đó là lý do mà một số loại đầm phải dài qua đầu gối để tạo sự sang trọng, còn một số thiết kế phải ngắn trên đầu gối để tạo sự trẻ trung. Độ dài của tay áo cũng vậy, tay áo ngắn sẽ để lộ phần nách, sẽ khiến nhiều người e ngại vì làm cho họ có cảm giác mập hơn. Ngược lại, nếu tay áo dài quá thì khiến người khác cảm nhận đây là một phụ nữ quá kín đáo, không cởi mở, không đủ tự tin để khoe tay của mình ra. Vì thế thiết kế độ dài tay sao cho vừa phải, không quá hở, không quá kín. Tương tự với đường cắt cổ áo, nếu cổ quá kín khi mặc vào sẽ gây cảm giác chật chội, không thoải mái, còn nếu cổ quá rộng, quá hở thì lại không phù hợp với độ tuổi 30.

Để giải thích về đường cắt thì không dễ, nhưng mỗi xê dịch trong mỗi chiếc đầm từ 1 – 2cm tạo ra cả một cảm giác khác biệt. Nếu đường cắt không đẹp, thì có thể tạo ra những chỗ rộng và chật trên thiết kế, có thể khiến ngực của bạn không đứng như khi mặc một thiết kế ôm hơn. Hoặc có thể tạo ra những tình huống trời ơi kiểu như mặc đầm suông mà trông giống như có bầu.

Ý tưởng đến từ những cuộc gặp gỡ, trò chuyện hàng ngày

Được biết nguồn cảm hứng thiết kế của Phương My đa phần đều xoay quanh người phụ nữ châu Á, đặc biệt là dựa vào tính cách và nguồn cảm hứng từ những phụ nữ xung quanh bạn. My có thể chia sẻ về những người phụ nữ có ảnh hưởng đặc biệt đế gu thiết kế của bạn?

Người phụ nữ châu Á rất đặc biệt, họ là chỗ dựa cho cả gia đình, họ có thể vừa đi làm, vừa gánh vác mọi việc trong nhà, đó là điểm rất riêng của người phụ nữ châu Á. Vì những phụ nữ phương Tây, họ thường sống rất độc lập, hoặc là họ thích hoặc là không, họ chỉ làm việc liên quan đến bản thân họ thôi.Thời My còn sống ở Mỹ, My đã rất thích hình ảnh của người phụ nữ châu Á, họ vừa nhẹ nhàng lại vừa mạnh mẽ, đó là hình ảnh mà My luôn cố gắng giữ xuyên suốt trong các bộ sưu tập của mình. Kể cả khi chất liệu vải có cứng thì đường cắt của My cũng phải đem lại cho người mặc cảm giác mềm mại, nhẹ nhàng.

Nếu nói cố định một người phụ nữ nào đó ảnh hưởng đến thiết kế của My thì khó quá. Đó là những phụ nữ My gặp gỡ và trò chuyện hàng ngày. Đôi lúc trong những câu chuyện họ kể tình cờ My nảy ra những ý tưởng thiết kế.

Nhà thiết kế Trần Phương My: “Tôi không bao giờ làm gì với một nửa năng lượng mình có” 4

Nhà thiết kế Trần Phương My: “Tôi không bao giờ làm gì với một nửa năng lượng mình có” 5
Nhiều sao Việt rất yêu thích thiết kế của Phương My

Là nhà thiết kế nhưng có vẻ Phương My rất am hiểu về việc xây dựng thương hiệu, những kiến thức này bạn học từ đâu?

Ba mẹ My thường nói My học lan man, vì hồi xưa My đi học Luật, sau đó chuyển sang học Toán rồi lại theo đuổi lĩnh vực thời trang. Nhưng với My, không có kiến thức nào là thừa cả, sẽ có lúc mình áp dụng được những kiến thức đã tích lũy vào cuộc sống, quan trọng là mình phải biết áp dụng khi nào và như thế nào.

Khi mới ra trường, My đi làm báo, nghề báo cho My những kiến thức về thị trường, My cũng làm việc với những hãng thời trang lớn, để biết cách xây dựng hình ảnh thương hiệu. My cũng làm công việc tạo mẫu với các nhiếp ảnh gia, nắm bắt được những đường cắt nào sẽ tạo ra những bộ ảnh đẹp. Khi mình làm nhiều ngành nghề khác nhau thì từ nhiều góc độ khác nhau, My thu thập được rất nhiều kiến thức, từ góc độ người làm báo, người mẫu, độc giả... để đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu của mình.

Mỗi năm Phương My cho ra mắt 2 bộ sưu tập, mỗi bộ sưu tập có khoảng 50 thiết kế. Làm thế nào Phương My có nguồn sáng tạo với hàng trăm thiết kế mới mỗi năm?

Sự sáng tạo không thể đến trong một đêm mà là cả một quá trình. Đa số ý tưởng thiết kế đến từ những người phụ nữ My gặp gỡ, trò chuyện hàng ngày. Nhưng để có 50 thiết kế cho một bộ sưu tập, My đã vẽ từ 800 đến 1000 thiết kế trên giấy. Có những thiết kế cứ vẽ đi vẽ lại mà My vẫn chưa thấy hài lòng. Có những thiết kế vẽ trên giấy thì đẹp nhưng khi người mẫu mặc lên lại không hợp, lại bỏ. Cứ thế, từ 800 thiết kế chắt lọc thành 50 kiểu là cả một quá trình.

Thường My mất khoảng hai tháng để vẽ, thiết kế, làm việc với xưởng may, thợ cắt... để tạo ra bộ sưu tập. Đó cũng là khoảng thời gian My được làm công việc yêu thích nhất của mình, 10 tháng còn lại My phải làm tất cả mọi việc để có thể duy trì niềm đam mê của mình. My nghĩ ngoài sự đam mê nghề nghiệp còn cả một sự nỗ lực ở đằng sau đó. Có những hôm mình không đam mê nhiều lắm thì mình vẫn thức dậy để làm việc với hy vọng là 6 tháng tiếp theo mình vẫn sẽ được làm công việc mình yêu thích.

Nhà thiết kế Trần Phương My: “Tôi không bao giờ làm gì với một nửa năng lượng mình có” 6
“My nghĩ ngoài sự đam mê nghề nghiệp còn cả một sự nỗ lực ở đằng sau đó. Có những hôm mình không đam mê nhiều lắm thì mình vẫn thức dậy để làm việc với hy vọng là 6 tháng tiếp theo mình vẫn sẽ được làm công việc mình yêu thích”

Nên "sống chết" với công việc mình đam mê

Nên hay không nên đuổi theo niềm đam mê của mình luôn là trăn trở của nhiều bạn trẻ. Cũng như Phương My chỉ có hai tháng được làm công việc mình thích so với 10 tháng phải làm công việc để nuôi sống đam mê, đó quả là một chênh lệch lớn. Có khi nào My cảm thấy nản và muốn bỏ cuộc không?

Ban đầu My cũng nghĩ rằng mình nên tập trung vào lĩnh vực mình giỏi, còn những lĩnh vực mình không giỏi thì để cho người khác làm. Nhưng đấy là một cuộc sống lý tưởng và không phải lúc nào bạn cũng tìm thấy người muốn đi cùng con đường với mình. Dĩ nhiên, nếu một ngày nào đó My tìm thấy những người bạn đồng hành cùng chí hướng, My sẵn sàng chia sẻ với họ những công việc về mảng kinh tế, tài chính... những mảng mà My không giỏi.

Đối với những bạn trẻ đang trăn trở giữa việc làm công việc mình đam mê hay công việc nuôi sống bản thân thì My nghĩ rằng vẫn nên chọn công việc mình đam mê, vì cuộc sống là của mình và mình phải sống với công việc mình chọn đến cuối đời. Nhưng đam mê thôi chưa đủ, cũng như tình yêu vậy, không phải lúc nào mình cũng yêu tha thiết người ấy như ban đầu, nên chúng ta phải nỗ lực mỗi ngày để không bỏ cuộc. Vì nếu bỏ cuộc để tìm việc khác thì một ngày nào đó mình cũng sẽ bỏ việc khác ấy thôi.

Giữa hai vai trò, nhà thiết kế thời trang và doanh nhân, Phương My thấy vai trò nào khó hơn? Và làm sao bạn cân bằng hai công việc có vẻ trái ngược nhau này?

Có lẽ khó nhất là khi làm việc với công việc sổ sách, tiền bạc. Những con số ấy thật sự hạn chế sự sáng tạo. Công việc thiết kế giúp My đưa ý tưởng của mình đến với người tiêu dùng, nhưng khi đong đo thiết kế ấy trong khía cạnh tài chính thì đôi khi My lại cảm thấy hoang mang và hay tự hỏi: nếu thiết kế của My chưa được người tiêu dùng chấp nhận thì My có nên thay đổi không, hay cứ kiên nhẫn chờ đợi họ sẽ chấp nhận sản phẩm trong tương lai?

Vì thế My luôn cân bằng những điều đó bằng cách trong mỗi bộ sưu tập luôn có 3 mảng. Mảng thứ nhất là dành cho báo chí và chụp ảnh để kéo khách hàng đến cửa hàng của My. Thế nhưng, khi đến cửa hàng, họ sẽ không bao giờ mua những trang phục trên báo vì đó là những sản phẩm của sáng tạo và nghệ thuật. Mảng thứ hai là những đường cắt mới đưa ra thị trường để thử phản ứng của người tiêu dùng. Mảng thứ ba là những đường cắt mang dấu ấn thương hiệu của My, mà bất kỳ khách hàng nào cũng có thể chọn mua ngay tại cửa hàng.

Nhà thiết kế Trần Phương My: “Tôi không bao giờ làm gì với một nửa năng lượng mình có” 7
“Đam mê cũng như tình yêu vậy, không phải lúc nào mình cũng yêu tha thiết người ấy như ban đầu, nên chúng ta phải nỗ lực mỗi ngày để không bỏ cuộc”

Doanh thu có gây áp lực cho My không?

Có chứ. Doanh thu sẽ cho My biết thương hiệu của mình sẽ đi bao lâu và đi bao xa. Thế nhưng, My đang bán thương hiệu đằng sau sản phẩm, nên không thể vì doanh thu kém mà My giảm chất lượng sản phẩm. Thế nên khi doanh thu dù có đi xuống thì các loại vải bán ra, những đường cắt, những sáng tạo... vẫn phải đảm bảo, đó là một áp lực rất lớn.

Bạn trai không cần đẹp nhưng phải thông minh

Vậy làm sao My có thể cân bằng giữa công việc và đời sống hàng ngày?

My nghĩ là đôi khi My không có cuộc sống hàng ngày đấy chứ. Khi công việc chưa giải quyết xong, còn nhiều điều vướng mắc, thì thật khó để nói về nhịp sống hàng ngày. Có một thương hiệu riêng, cuộc sống của My khi ăn, ngủ, đều xoay quanh thương hiệu ấy, My thật sự dành rất nhiều thời gian cho đứa con tinh thần của mình.

Vậy còn thời gian dành cho người yêu thì sao?

Tất nhiên là không có người yêu rồi, làm sao có thể yêu nhiều thứ cùng lúc như vậy được (cười lớn).

Tại sao một cô gái xinh đẹp, thấu hiểu sâu sắc về cuộc sống như My giờ này vẫn còn lẻ bóng?

Trong tiếng Anh, My thường dùng từ “priority”, đó là một từ rất quan trọng. My nghĩ trong cuộc sống nên biết thứ gì là quan trọng với mình. Nếu gia đình là quan trọng thì công việc có thể lùi một bước. Nhưng nếu công việc hiện tại là quan trọng nhất với My thì chuyện tình cảm có thể lùi lại một bước. My không bao giờ làm gì với một nửa năng lượng mình có, My luôn toàn tâm toàn ý với những việc mình làm. Có thể khoảng 2, 3 năm nữa, khi công việc của My đã ổn định, My sẽ dành thời gian để tính đến chuyện chồng con (cười).

Khi đó My đã gần chạm đến ngưỡng cửa tuổi 30...

My không sống theo quan niệm đến tuổi là phải lấy chồng, vì chuyện kết hôn cũng như chọn công việc là chuyện cả đời, phải chọn đúng. My không thích quan niệm vì phải kết hôn nên chọn tạm thời một anh nào đó tốt nhất ở thời điểm đó mà hy vọng rằng mình sẽ chọn được một người tốt nhất trong mọi thời điểm.

Nhà thiết kế Trần Phương My: “Tôi không bao giờ làm gì với một nửa năng lượng mình có” 8
“My không thích quan niệm vì phải kết hôn nên chọn tạm thời một anh nào đó tốt nhất ở thời điểm đó mà hy vọng rằng mình sẽ chọn được một người tốt nhất trong mọi thời điểm”

Vậy mẫu người bạn trai lý tưởng của Phương My sẽ như thế nào?

Người bạn trai lý tưởng của My không cần phải đẹp trai nhưng phải thông minh, My thích mẫu đàn ông thông minh, trò chuyện sâu sắc. Còn lại thì có thể là một nét gì đó đặc biệt như ánh mắt, nụ cười mà khi My nhìn vào cảm thấy tim mình đập nhanh hơn (cười lớn).

Gần đây, Trần Phương My đã lọt vào danh sách “30 gương mặt nổi bật dưới 30” củaForbes Việt Nam. My nghĩ gì sau khi nhận được danh hiệu này?

My nghĩ mình may mắn khi nhận được danh hiệu này. Danh sách này chọn từ rất nhiều ngành nghề khác nhau, My không nghĩ mình là người xuất sắc nhất trong những người dưới 30 tuổi, nhưng vì một trong những ngành nghề Forbes chọn là thời trang mà thời trang ở Việt Nam chưa phát triển mạnh và những người đã khẳng định tên tuổi trong ngành thời trang Việt thì tuổi đã ngoài 30, nên My mới lọt vào danh sách này (cười lớn). Danh sách này cũng mới được bình chọn trong năm 2015, chứ nếu xuất hiện từ 5 – 10 năm trước thì chưa chắc My đã được chọn.

Câu hỏi cuối cùng nhé, phương châm sống của Phương My là gì?

Luôn nỗ lực hết mình trong mọi việc mình làm.

Cảm ơn Phương My về cuộc trò chuyện thú vị. Chúc My luôn xinh đẹp và ngày càng thành công trong công việc của mình!

(Ảnh: NVCC)

Chia sẻ