Dance Sport, hấp dẫn từ trẻ đến già

Đặng Tuyền, ảnh afamily.vn,
Chia sẻ

Những năm 2000, dance sport (khiêu vũ thể thao) du nhập vào Việt Nam. Ban đầu nó chỉ là hoạt động giải trí cho số ít người. Giờ nó đã là hoạt động thu hút rất nhiều người tham gia.

Qua rồi cái thời chỉ người già mới khiêu vũ
 
Mãi đến năm 2005, hoạt động khiêu vũ vẫn chỉ có ở… vỉa hè và trong công viên. Người ta thấy rất nhiều những người già cỡ “U40, U50” thậm chí cả “U60” cũng tham gia khiêu vũ. Lớp trẻ thì còn… mải mê đèn sách.
 
Nhưng bây giờ đã khác. Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có trên 50 câu lạc bộ khiêu vũ. Hà Nội cũng có trên 20 các câu lạc bộ lớn, chưa kể những câu lạc bộ của sinh viên các trường Đại học. Ở Hải Phòng cũng không kém cạnh với hơn 10 câu lạc bộ có quy mô.
 
Tầng 2, Cung Văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội (số 1 Tăng Bạt Hổ), tất cả các buổi tối trong tuần, từ 20h đến 21h30 tấp nập người học dance sport. Trong đó: lứa tuổi dưới 16 tuổi chiếm từ 20 – 30% (tùy từng buổi tập); lứa tuổi dưới thanh niên từ 16 đến 30 chiếm khoảng 40 – 50%, còn lại những người trung niên.
 

Rất đông người luyện tập dance sport ở các câu lạc bộ. Đây là bước cơ bản chachacha.
 
Câu lạc bộ khiêu vũ ODC Hà Nội (số 1 Giang Văn Minh – Ba Đình), hoặc các nhóm khiêu vũ tại các trường Đại học cũng có rất nhiều học viên tham gia. Trong đó, lứa tuổi các bạn trẻ chiếm đa số những người tham gia.
 
Huấn luyện viên Hồ Nam Anh, một trong những huấn luyện viên hàng đầu của bộ môn khiêu vũ thể thao, giám khảo nhiều cuộc thi quốc tế về dance sport cho biết: “cách đây vài  năm, khiêu vũ được coi là những hoạt động không nghiêm túc trong một bộ phận những người dân. Nhưng một vài năm trở lại đây, khi các phương tiện truyền thông đề cập nhiều đến những giải khiêu vũ, đặc biệt là dance sport, nhiều phụ huynh đã cho con đến tập luyện bộ môn này”.
 

Học trò của huấn luyện viên Nam Anh tại một giải đấu quốc tế.
 
Bạn  Nguyễn Văn Vương, năm thứ 2, khoa máy khai thác, Đại học Hàng Hải cho biết: “em học được 4 tháng, chưa bỏ một buổi tập nào trong tuần. Em và một bạn nữa học cùng lớp còn sưu tập thêm những clip dạy nâng cao trên mạng để tập thêm”.
 
Dance sport sẽ thay thế môn thể dục?
 
Học văn hóa không cân bằng với những hoạt động xã hội là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến sự hòa nhập môi trường xã hội của học sinh Việt Nam cực kỳ kém. Các em có ít môi trường và hoạt động để giao lưu nhưng lại chịu cảnh “nhồi” kiến thức như gà công nghiệp.
 
Hiện nay, các trường học từ cấp tiểu học đến Đại học vẫn có những tiết học thể dục. Nhưng môn học thể dục lại được coi là một môn phụ, với số tiết ít ỏi: 2 tiết/tuần đối với học sinh phổ thông, thậm chí, môn thể dục ở bậc đại học lại không được tính vào điểm tổng kết. “Đây là sự mất cân bằng và thiếu khoa học trong các hoạt động học tập và rèn luyện con người toàn diện”, huấn luyện viên Nam Anh bày tỏ quan điểm.
 

Nhóm sinh viên đại học Ngoại Thương tranh thủ tập luyện.
 
Bao nhiêu năm cải cách giáo dục, bộ môn thể dục vẫn chỉ có những nội dung: điền kinh (chạy, nhảy cao, nhảy xa), đá cầu. Chỉ một số trường như trường đại học Hàng Hải do đặc thù của các môn chuyên ngành mà sinh viên phải tập một số môn thể lực và môn đặc trưng: bơi.
 
Trở lại vấn đề của môn dance sport, theo chuyên gia Hồ Nam Anh: “đây là môn vừa có tính thi đấu, vừa có tính nghệ thuật, kích thích sự hưng phấn của hệ thần kinh, giúp học sinh có thể rèn luyện sức khỏe, có một vẻ đẹp hoàn thiện hơn và đặc biệt là tính chất giao lưu xã hội”.
 
Hầu hết những vận động viên tham gia các giải đấu dance sport lớn tầm quốc gia, quốc tế đều nằm trong lứa tuổi dưới 20. Các em đều là những người học giỏi, rất tự tin trong giao tiếp.
 
Em Trần Thùy Ngọc Ánh, 5 tuổi, học sinh của huấn luyện viên Hồ Nam Anh, đã học dance sport được hơn 2 tháng nói như người lớn: “khi không bận, con đến học với thầy Nam Anh và các bạn. Lúc nào mệt, con nghỉ ngơi rồi lại học tiếp”. Mẹ Ánh, chị Vũ Thị Thùy Dương cho biết: cháu từng học múa nhưng thường trốn tập. Học dance sport cháu rất say mê.
 

Bé Ngọc Ánh tự tin tạo dáng.
 
Hiện, dance sport đã là môn thể dục bắt buộc trong hệ thống đào tạo của các trường Đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại Thương, …
 
Nếu đặt giả thiết, môn học này được đưa vào thí điểm học ở trường học thì sẽ thế nào? Anh Nam Anh khẳng định: “nếu đưa môn dance sport vào trường học sẽ rất hay vì bộ môn này đảm bảo đủ các yếu tố văn – thể - mỹ. Không khó để thực hiện việc này. Những giáo viên thể dục chỉ cần huấn luyện 2 tháng là có thể hướng dẫn học sinh những bước cơ bản. Sau đó, hè lại tiếp tục tập huấn nâng cao”.
 

Bước nhảy hoàn vũ là một chương trình được rất nhiều người quan tâm.
 

Năm 2010, VTV tổ chức giải Dance sport: Bước nhảy hoàn vũ. Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bước nhảy hoàn vũ trở thành chương trình truyền hình đắt show của VTV trong năm 2010 và 2011.

Chia sẻ