"Dằn mặt" đồng nghiệp xấu tính

,
Chia sẻ

Chốn công sở rất đa dạng loại người. Bên cạnh những đồng nghiệp dễ chịu, có không ít những thành phần khiến người khác cảm thấy ức chế. Đối phó thế nào đây?

Hoa là một con ong chăm chỉ chốn công sở. Ngày nào cô cũng đi làm sớm và về muộn. Không chỉ thế, cô còn rất có chí tiến thủ. Ấy vậy mà đồng nghiệp vẫn không ngừng nói xấu và đưa ra những lời nhận xét ác ý về cô và công việc của cô. Vấn đề này trở nên thật sự nghiêm trọng khi Hoa không thể chịu được nữa và muốn xin nghỉ việc. 

Hoa là một hình mẫu rất phổ biến ở công sở, một nạn nhân cho những trò bắt nạt của đồng nghiệp và người quản lý. Những trò bắt nạt đó vừa hạn chế chất lượng công việc của bản thân cô vừa làm giảm chất lượng công việc chung. 

Sau đây là một số kiểu đồng nghiệp xấu tính kèm những lời khuyên khắc phục tình hình. 

1. Luôn mang sếp ra dọa 

Một kiểu người khá phổ biến nơi công sở là những người hay khai thác mối quan hệ thân thiết của mình với sếp như một phương tiện để bắt nạt người khác. Kiểu người này sẽ chê bai và nói xấu về người họ muốn bắt nạt, cố gắng tìm ra những điểm bất lợi với người đó. Mục đích chính vẫn là để nạn nhân phải sợ và khuất phục mình. Nếu không, anh ta/cô ta sẽ phải đón nhận những lời đe dọa như “Sếp bảo em nên làm cái này/Sếp đang theo dõi những việc em làm, vì vậy hãy cẩn thận”. 

Anh P.V, một nhân viên ngân hàng, tâm sự: “Tôi đã gặp phải loại người này ở chỗ làm. Đó là một chị cấp trên của tôi và sếp cao nhất đã đề nghị tôi làm việc với chị ấy. Tuy nhiên, sau mấy ngày đầu cùng làm việc, tôi phát hiện ra chị ấy đã tung rất nhiều tin đồn nhảm về tôi và nói xấu sau lưng tôi. Tôi hiểu được rằng chị ấy cảm thấy bị tôi đe dọa vị trí của mình nên đã tìm cách cạnh tranh không lành mạnh nhưng cách làm của chị ấy không đàng hoàng chút nào. Tôi đã gặp riêng và nói chuyện thẳng thắn với chị ấy và chị ta bắt đầu lôi sếp ra dọa. Chị ấy nói những điều đại loại như sếp không hài lòng với công việc của tôi, khiến tôi rẩt sợ và đau đầu. Chỉ đến khi quyết định nói điều đó với sếp, tôi mới được biết hóa ra đó chỉ là những điều bịa đặt. Vì vậy, tôi yên tâm tiếp tục làm công việc được giao đồng thời cũng tỏ ra vui vẻ với chị ấy. Tuy nhiên, nếu chị ấy vẫn ngoan cố chơi xấu,  có lẽ tôi sẽ không thể bỏ qua được nữa. Như thế là quá đủ rồi”. 

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Minh Tuấn, điều quan trọng khi gặp tình huống này là bạn cần giữ bình tĩnh.

Thường khi cảm thấy bất an và không tự tin về bản thân, mọi người thường cư xử bất ổn. Vì vậy, điều bạn cần làm là nói chuyện thẳng thắn với đồng nghiệp - người gây rắc rối cho bạn và nếu nó không hiệu quả thì nói chuyện với sếp trên nữa. Hãy luôn nhớ mục tiêu mà cần thực hiện trong công việc và cố gắng để không có điều gì cản trở bạn làm điều đó. 

2. Mách lẻo với sếp từng chi tiết nhỏ 

Kiểu người này thường bên ngoài tỏ vẻ hiền lành và tử tế. Họ sẽ đến bên bạn và tìm cách khuyến khích bạn nói ra những suy nghĩ bên trong của mình để rồi một hôm nào đó bạn ngỡ ngàng khi thấy sếp hỏi bạn những điều tương tự với những gì bạn đã nói cho người đồng nghiệp đó biết. Khi cung cấp mọi chi tiết về cuộc buôn chuyện chốn công sở với sếp, những đồng nghiệp này mong muốn mình sẽ trở thành một người thân tín của anh ấy/cô ấy. 

Anh M.H, 28 tuổi, nhớ lại: “Khi mới đến làm ở công ty này tôi đã kết thân với một số đồng nghiệp và chúng tôi thường đi với nhau. Tôi đã bộc lộ những tâm tư thầm kín với họ và rồi chẳng bao lâu sau đó, tôi thấy sếp hỏi tôi đôi những điều về cuộc sống riêng tư của mình mà tôi đã từng nói với họ. Tôi rất ngạc nhiên và cứ băn khoăn không biết làm thế nào mà sếp biết được. Dần dần tôi nhận ra chuyện gì đang diễn ra. Một trong số những “người bạn thân” của tôi đã tiết lộ với sếp tất cả những gì chúng tôi nói với nhau. Tôi đã hỏi cô ấy nhưng cô ta chối bay biến. Nhưng kể từ đó tôi cũng thận trọng hơn với mỗi lời mình nói ra”. 

Theo ông Tuấn Minh, hãy thận trọng lời ăn tiếng nói chốn công sở. Ngay cả khi buôn chuyện, bạn cũng nên tự đặt ra giới hạn những gì có thể nói và những gì không. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hiểu rằng bạn bè chốn công sở và bạn bè ngoài công việc có ranh giới rất rõ ràng. Và nhớ đừng bao giờ để mình vượt qua ranh giới đó. 

Giữa điều đúng và sai hay điều chấp nhận được và không chấp nhận được chốn công sở có ranh giới rất mong manh, đặc biệt là trong mối quan hệ đồng nghiệp. Việc hiểu rõ những ranh giới kia rất quan trọng khi bạn tiếp xúc với những người như vậy. 

3.Thường xuyên phản ứng tiêu cực 

Những người này không bao giờ thấy hài lòng với công việc mà họ đang làm. Họ tìm thấy những lỗi nhỏ nhất và biến nó thành một vấn đề nghiêm trọng. Những người quản lý như vậy chẳng mấy khi hài lòng với cái gì và lúc nào cũng bị đau đầu,  chán nản. Điều này sẽ khiến chất lượng công việc bị giảm sút. 

Chị H.T, 25 tuổi, chia sẻ: “Sếp của tôi thường kêu ca rằng chúng tôi quá lười biếng, mục tiêu không được hoàn thành và chúng tôi đã khiến công ty tụt dốc. Tuy nhiên, khi chúng tôi đạt được mục tiêu thì anh ấy lại im lặng về điều đó và không hề có một câu khen ngợi nào. Dần dần những lời chê bai và phàn nàn của anh ấy đã khiến mọi người ngày một nản chí và căng thẳng. Rất nhiều người đã đấu tranh rồi xin từ chức, nghỉ việc. Tôi cũng đã quyết định nộp đơn xin nghỉ việc”. 

Chuyên gia Tuấn Minh cho biết những người quản lý hoặc đồng nghiệp kiểu này sẽ tìm mọi cách để khiến bạn cảm thấy khổ sở. Đừng để mình rơi vào cái bẫy đó. Bạn không việc gì phải thấy tội lỗi vì đã không thực hiện theo những điều anh ta/cô ta nói. Bạn không có nghĩa vụ phải làm hài lòng anh ta/cô ta. 

Họ làm thế là để bạn thấy “biết ơn” vì họ đã giúp bạn bằng cách giao cho bạn làm những việc cụ thể nào đó để nâng cao giá trị bản thân của bạn. 

Hãy tự tin và hiểu rõ giá trị của bản thân. Và dù anh ta/cô ta có chê bai bạn như thế nào thì không có nghĩa bạn là một người thật sự vô dụng như điều anh ta muốn bạn tin. Bên cạnh đó, bạn cũng phải luôn cố gắng để mình thật sự là một thành phần không thể thiếu của công ty.  

Thụy Vân
(Tổng hợp)
Chia sẻ