Cuộc sống của những bé gái giả trai: Mỗi ngày trôi qua trong sợ hãi

Lê Minh,
Chia sẻ

Cuộc sống mỗi ngày của cô bé 10 tuổi Niima (Afghanistan) trôi qua trong sợ hãi. Em không dám nói chuyện, cũng không dám ngước lên để người khác nhìn thấy đôi mắt của mình, vì lo sợ họ sẽ nhận ra em là một bé gái.

Cuộc sống của những bé gái giả trai: Mỗi ngày trôi qua trong sợ hãi 1
Ở Afghanistan, áp lực phải sinh con trai buộc nhiều gia đình phải cho con gái ăn mặc giống như con trai, như cô bé Mehram (trái)

Giả trai để giúp đỡ gia đình

Cuộc sống mỗi ngày của cô bé 10 tuổi Niima trôi qua trong sợ hãi. Cô bé nhanh chóng làm những gì được yêu cầu. Trèo lên những kệ hàng để lấy hàng, gập người xuống các thùng xếp chồng lên nhau để lấy hộp trà. Cô bé cố gắng không bao giờ nhìn thẳng vào mặt khách hàng. Nếu họ nhìn vào mắt em, họ sẽ thấy cô bé không phải là một đứa con trai thực thụ.

Với mái tóc ngắn, cô bé Niima đã đóng vai một cậu bé một cách hoàn hảo. Thế nhưng giọng nói mềm mại của cô bé thì không che giấu được. Đó là lý do vì sao cô bé hiếm khi trò chuyện.

Niima đi học vào mỗi buổi sáng trong một chiếc váy và khăn trùm đầu. Sau đó cô bé thay đổi quần áo làm việc và đi làm trong một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở gần nhà mình. Mỗi ngày trung bình cô bé mang về nhà 70 xu (30.000 VND), số tiền này sẽ giúp trang trải cuộc sống hàng ngày gia đình gồm 9 người của em.

Niima phải đóng giả làm con trai vì sự sống còn của gia đình. Cô bé rất mong muốn mình sống như một bé gái và mỗi ngày than vãn với mẹ về điều này. Mẹ cô an ủi rằng chỉ một vài năm nữa cô bé có thể quay trở lại cuộc sống của một bé gái, khi Niima quá già để làm việc trong cửa hàng, em gái của Niima sẽ tiếp tục công việc của cô. Và sau đó là em gái tiếp theo.

Những cô gái sống dưới thân phận con trai vì rất nhiều lý do. Đó có thể là do gia đình cần thu nhập mà con trai thì thường được ưu tiên được làm việc ở Afghanistan, hoặc cũng có thể do con đường đến trường thường nguy hiểm với các bé gái nên việc giả trai sẽ giúp các em an toàn hơn, hoặc những gia đình thiếu con trai cần có một đứa con trai để nâng cao vị thế của mình trong xã hội.

Giả trai để nâng cao vị thế xã hội

Để có vị trí trong xã hội, một gia đình ở Afghanistan cần có ít nhất một đứa con trai. Đối với Azita, 33 tuổi, việc thiếu một đứa con trai đã cản trở con đường trở thành chính trị gia của cô. Được bầu vào ngành lập pháp vào năm 2001, Azita đã hứa với cử tri của mình rằng cô sẽ cố gắng để có nhiều viện trợ từ nước ngoài cho người nghèo ở Afghanistan. Nhưng khi cô cùng gia đình chuyển đến Kabul năm 2005, nhiều người đã chế nhạo và nghi ngờ khả năng của cô, một số còn công khai phản bác làm thế nào cô có thể thực hiện sự nghiệp chính trị của mình khi cô thậm chí còn không thể sinh cho chồng một đứa con trai?

Cuộc sống của những bé gái giả trai: Mỗi ngày trôi qua trong sợ hãi 2
Mehram (trái) đang chơi cùng chị em gái của mình

Vì thế, Azita và chồng cô đã đề xuất với cô con gái út của mình một đề nghị: “Con có muốn trông giống như một cậu bé, ăn mặc như một cậu bé và chơi những trò chơi thú vị như đạp xe đạp, bóng dá và cricket?”. Cô bé đã đồng ý và thay đổi kiểu tóc, quần áo để trở thành một cậu bé mang tên Mehran. Đối với thế giới bên ngoài, gia đình Azita giờ đây đã trở nên hoàn hảo khi họ có 3 cô con gái và một cậu con trai. Một số người tất nhiên biết sự thật nhưng họ vẫn chúc mừng Azita. Việc có một đứa con trai giả dù sao vẫn tốt hơn là không có, nhiều người còn khen ngợi cô về ý tưởng táo bạo này. Việc Mehram biến thành con trai cũng đã giúp ba chị em gái tự do hơn vì các em có thể rời nhà, đến sân chơi và thậm chí đi lang thang khắp nơi với Mehran là người hộ tống.

Những rắc rối khi quay trở lại giới tính thật

Sống một cuộc sống giả trai đến năm 15 tuổi, cô bé Zahra gặp phải rắc rối khi đến tuổi dậy thì, thời điểm mà các cô gái thường “trổ mã”, trở nên duyên dáng và bắt đầu thu hút những người bạn khác giới. Nhưng Zahra đã sống như một cậu bé ngay từ khi lên 5 thế nên cô đã quen thuộc với lối sống và cá tính của mình và không có ý định thay đổi.

 “Người ta dùng những từ ngữ thô lỗ với con gái, họ hét vào các cô gái trên đường phố. Khi tôi là một cậu bé họ nói chuyện với tôi nhẹ nhàng hơn. Tôi không muốn trở thành một cô gái”, Zhara nói.

Việc trở thành con trai đã khiến Zhara rất thích thú vì cô bé cảm thấy mình tự do hơn. “Con trai mạnh hơn con gái. Họ có thể làm bất cứ điều gi và họ tự do. Khi tôi là một đứa trẻ mọi người đánh tôi và tôi đã khóc. Nhưng bây giờ nếu ai gây sự với tôi, tôi sẽ đánh lại họ”.

Cuộc sống của những bé gái giả trai: Mỗi ngày trôi qua trong sợ hãi 3
Cô bé Zahra đã giả trai từ khi 5 tuổi

Tuy nhiên những năm gần đây Zahra cảm thấy càng ngày càng bị cô lập. Những cô gái trẻ bắt đầu tránh né cô còn những chàng trai trẻ lại thích thách thức cô. Nhiều người xung quanh dường như cũng biết giới tính thật của cô bé và luôn bàn tán về vẻ ngoài của cô. Lúc này, mẹ Zahra lập luận rằng đã đến lúc Zahra quay trở lại là một cô gái và đã làm nhiều cách để con gái mình trở nên nữ tính hơn. Nhưng Zahra không đồng ý với mẹ. Ý tưởng cô sẽ sống lại cuộc đời mẹ cô, suốt ngày chỉ tập trung lo cho chồng, con khiến Zahra cảm thấy kinh hoàng.

Cũng tương tự như Zahra, việc trở lại thành con gái đối với cô Shukria là một việc khó khăn. Cô Shukria, 35 tuổi là mẹ của 3 đứa trẻ, làm việc như một y tá gây mê tại một trong những bệnh viện lớn nhất ở Kabul. Cho đến một tháng trước đêm tân hôn, khoảng 15 năm trước đây, cô đã sống như một chàng trai.

Cuộc sống của những bé gái giả trai: Mỗi ngày trôi qua trong sợ hãi 4
Cô Shukria sống như một chàng trai đến khi kết hôn

Khi quay trở lại thân phận một cô gái, kết hôn và sinh con, Shukria đôi khi gặp rắc rối với cuộc sống mới. Đôi khi Shukria quên mất mình không còn được tự do đi lại như những chàng trai. Cô phải tập nấu ăn, giặt giũ, trang điểm và cả cách đi đứng để trông nữ tính hơn.

Suốt một thời gian dài giả trang thành con trai, sự nam tính đã “mắc kẹt” trong Shukria. Cô không cần một chuyên gia tâm lý hay một bác sĩ thần kinh nói với cô những gì cô đã biết: “Trở thành một người đàn ông thì đơn giản. Rất dễ dàng thay đổi vẻ bề ngoài. Nhưng việc quay lại rất khó khăn. Có một cảm giác bên trong sẽ không bao giờ thay đổi”.

(Theo Telegraph) 

Chia sẻ