Con thi đại học, bố mẹ oằn gánh lo

Thanh Hải - Ảnh: Chí Toàn,
Chia sẻ

Mang tiền triệu cho con đi thi chốn Thủ đô đắt đỏ, chị Hương không khỏi xót ruột. Uống cốc trà đá đợi con vào làm thủ tục mà cũng mất 5000 đồng, nói gì những thứ khác.

Lo ăn, lo ở, lo đường tắc

Hà Nội sao đông quá”, “Hà Nội sao cái gì cũng đắt”, “Hà Nội sao nhiều ngõ ngách quá”… là những câu hỏi thể hiện tâm trạng rất dễ bắt gặp của phụ huynh ngoại tỉnh lần đầu tiên đưa con về Thủ đô dự thi đại học.

Lặn lội từ vùng xa xôi Điện Biên, anh Thân đưa cậu con trai về dự thi vào Đại học Ngoại Thương Hà Nội. Anh Thân chia sẻ: “Được thằng con học hành khá nhất nhì xã, vợ chồng tôi cũng mát mặt. Nhưng đường xá xa xôi quá, tôi đã động viên cháu thi ở Thái Nguyên thôi cho gần nhưng nó không chịu. Thôi thì hết nước hết cái vì con”.


Nỗi lo lắng thường trực trên khuôn mặt của cả thí sinh và phụ huynh

Theo lời anh Thân, bố con anh xuống Hà Nội từ chiều 2/7. Ban đầu, anh Thân được một người bà con tìm nhà trọ hộ, nhưng khi đến lại bị nhà chủ trở mặt cho người khác thuê trước. Anh Thân đành dẫn con ra nhà nghỉ cạnh trường thuê một phòng: “Biết Hà Nội đắt đỏ, nhưng cũng chỉ xác định thuê nhà trọ một ngày thôi. Nào ngờ xuống đây lại phải ra nhà nghỉ, hơn 400 nghìn một ngày. Thôi thì cắn răng cắn lợi cho con ở gần trường để không lo đi lại tắc đường".

Ngồi cạnh anh Thân trong lúc chờ con vào làm thủ tục thi vào trường Đại học Ngoại Thương sáng nay là chị Hương, vừa từ Hà Nam lên Hà Nội. Chị Hương thở dài thườn thượt: “Mẹ nghèo nên con khổ. Ngồi đây từ sáng tới giờ nhìn thấy bao ô tô bóng loáng đưa con đi thi, mình thì sáng sớm đã bắt con đi bộ gần 3 cây số từ Mỹ Đình sang trường. Trời lúc mưa lúc nắng. Hai mẹ con đến được trường nhìn áo con ướt đẫm cả nước mưa lẫn mồ hôi. Thương con mà đứt từng khúc ruột. Thôi sáng mai cố gắng gọi xe ôm đi, con bé còn có sức vào làm bài”.

Nhà chị Hương thuộc huyện miền núi nghèo của tỉnh Hà Nam. Chị không chồng, nuôi Cúc là con của chị gái đã qua đời để lại. Đáng phải gọi là dì, nhưng cô bé Cúc vẫn gọi chị Hương là mẹ. Phận bà mẹ đơn thân này cả đời chỉ biết còng lưng với mảnh ruộng, đàn gà, với vườn chuối rồi vài lọ tương… chắt chiu từng đồng nuôi con, nay mang tiền triệu cho con đi thi chốn Thủ đô đắt đỏ, chị Hương không khỏi xót ruột. Uống cốc trà đá đợi con vào làm thủ tục mà cũng mất 5.000 đồng, nói gì những thứ khác.

Tiền nhà trọ đã mất 700.000 đồng cho ba ngày thuê. Hai mẹ con mỗi bữa ăn cơm quán hết 20.000 đồng/suất chỉ có rau, đậu phụ, vài miếng thịt. Mà ăn cũng có hẳn hoi đâu. Tối qua, gọi thức ăn xong mới thấy miếng thịt luộc có mùi thiu nhớt rồi. Sợ con ăn vào bụng dạ làm sao thì khốn khổ. Phải bỏ hết thịt, gắp hết đậu, hết rau sang cho con. Mẹ chan nước mắm cũng xong bữa”,  người phụ nữ tần tảo vừa nói vừa cười gượng.

Có phần may mắn hơn anh Thân và chị Hương, chị Tươi (Thái Bình) được đứa cháu đang học trên Hà Nội tìm cho một căn phòng trọ khá lý tưởng. “Mẹ con tôi trọ gần trường mà chỉ mất có 200.000 đồng/ngày. Đúng là may quá. Cháu nhà tôi thi hai trường. Mà tôi dự định cho cháu ở đây tới khi thi xong khối D nữa mới về. Thôi thì tính ra cũng ngót nghét 2 triệu tiền thuê nhà, gần 3 tạ thóc Bắc Thơm đấy, nhưng được cái sạch sẽ, an toàn”, chị Tươi nói.


Mẹ lần đầu tiên đưa con về Thủ đô. Lo lắng, lạ lẫm. Vừa thương, vừa tội


Mẹ con chị Tươi trong căn phòng trọ ở đường Chùa Láng




Thông cảm cho cảnh phụ huynh đưa con đi thi vừa lạ nước lạ cái mà tiền bạc cũng chẳng rủng
rỉnh, 
nhiều nhà chủ tạo điều kiện cho phụ huynh tự nấu ăn

Căn phòng trọ mà chị Tươi thuê được có nhà chủ khá tốt tính. Thông cảm cho cảnh phụ huynh đưa con đi thi vừa lạ nước lạ cái mà tiền bạc cũng chẳng rủng rỉnh gì, nên nhà chủ tạo điều kiện cho chị Tươi nấu ăn cùng bếp luôn với gia đình họ. Chị Tươi đã mang sẵn hơn chục cân gạo từ nhà lên. Giờ mỗi bữa mẹ con chị chỉ cần đi chợ mua ít rau cỏ về nấu cơm: "May quá, gặp được người tốt nên hai mẹ con đỡ khổ. Tôi vừa đi chợ mua cái đùi gà về bồi bổ cho con gái. Tự nấu ăn vừa ngon, vừa rẻ, vừa tránh bị ngộ độc".

Thao thức cùng giấc mơ của con

Hoàng Dũng, con trai anh Kha (Thái Nguyên) đã từng trượt một năm vào Đại học Ngoại Thương. Năm nay, Dũng quyết tâm “phục thù”. Anh Kha chia sẻ: “Không học được thay con, nhưng tôi cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để con đạt được ước mơ của nó. Dù đỗ hay trượt thì nó cũng toại nguyện, mà mình cũng không hối hận với con”.


Phụ huynh đưa con vào chùa cầu may như một cách giải tỏa tâm lý lo lắng trước khi thi

Cả tháng trước ngày con về Thủ đô thi Đại học, hai vợ chồng anh Kha đã rục rịch lo nghĩ, chuẩn bị tiền nong sẵn sàng đưa con đi. Nhiều đêm, nhìn ngọn đèn sáng bên bàn học của con, anh Kha chỉ cầu trời khấn phật cho Dũng đỗ đạt. Chẳng phải mong muốn to tát cho cậu được đổi đời, mà chỉ vì thương con 12 năm đèn sách, rồi giấc mơ lại dở dang.

Tôi đi cùng con thế này tuy có vất vả, nhưng cũng không sốt ruột bằng vợ tôi ở nhà. Trước ngày con đi thi cả tháng, vợ đã thường xuyên mất ngủ. Con mình là đứa có chí, học hành không tệ nhưng thi cử nhiều may rủi. Năm ngoái, sau khi nghe tin báo trượt, con suy sụp, vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ. Mong sao năm nay con thi thuận buồm xuôi gió”, anh Kha tâm sự.
Chia sẻ