"Con muốn có một trái tim khỏe mạnh"

,
Chia sẻ

Những giọt nước mắt lăn đều trên gò mà gầy guộc của những bậc làm cha, làm mẹ khi nói về đứa con bé bỏng, bất hạnh, bị bệnh tim.

Hàng năm, ở Việt Nam có khoảng 1% số trẻ em được sinh ra bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Ai mà chẳng xót lòng khi nhìn thấy vẻ mặt tái trắng, nét môi thâm tím của các con ngày ngày bị bệnh tim hành hạ. Càng xót xa hơn khi con còn non nớt và bé bỏng quá.

Trần Thị Minh Ánh ( 3 tuổi, Văn Khê, Mê linh, Hà nội): "Con sẽ cố gắng ăn nhiều để hết đau"

“Sinh cháu 3,9 kg, nhưng niềm vui chẳng thể trọn vẹn, được 10 ngày thì gia đình biết cháu bị bệnh tim bẩm sinh. Nhìn con ngày một teo tóp đi mà cả nhà quặn lòng. Cháu bị viêm phổi nặng, không ăn được nhiều , nhịp tim đập loạn và khó thở là thường xuyên, thi thoảng còn bị ngất”. Chị Hiệp, mẹ Ánh nhớ lại những ngày tháng đau đớn của con.

Cô bé mới được trở về nhà sau một tháng phẫu thuật tim bẩm sinh tại Bệnh viện tim Hà Nội. Sức khỏe của em giờ đã tốt hơn trước rất nhiều, chạy nhảy tung tăng với bạn bè hàng xóm. “Cháu ăn cũng được một bát cơm rồi, ngủ cũng ngon hơn không còn thấy tức ngực như trước. Thế nhưng tôi vẫn không dám rời cháu nửa bước, sợ cháu bị ngã úp ngực xuống đất thì…”.
Bé Minh Ánh

Giờ đây chốc chốc người mẹ lại đặt tay lên ngực con gái bé bỏng, thủ thỉ yêu thương: “Con có đau ngực không? Nếu đâu chỗ nào thì nhớ bảo mẹ ngay nha!” –“Hôm qua con đau lắm nhưng giờ thì hết rồi mẹ ạ! Con sẽ ăn thật nhiều để nhanh hết đau!”- Miệng Ánh tròn vo, cất giọng trong trẻo.

 Để có số tiền hơn 60 triệu cho con phẫu thuật, bố mẹ em đã phải cắm sổ đỏ, nhờ anh em vay mượn giúp. Căn nhà được hai vợ chồng trẻ chắt bóp xây cách đây ba năm để chào mừng đứa con gái thứ hai ra đời đến giờ vẫn nguyên tường gạch nhà nền. “Cũng chẳng thể mong một ngày ngôi nhà được hoàn thiện, hồi đó xây nhà công nợ vẫn còn, giờ thêm việc của con!” chị Hiệp không dám nghĩ xa hơn nữa, một khoản nợ quá lớn đè nặng lên đôi vai anh chị ở tuổi 29, 30. Anh thì theo thợ đi xây nhà, cố gắng lắm cũng chỉ dành dụm được hơn 2 triệu để mua thuốc bổ cho con và hàng tháng đưa con ra Hà Nội khám lại. Chị ở nhà trông nom 2 sào ruộng, cố gắng lắm cũng chỉ được hơn 4 tạ lúa mỗi năm, không nghề phụ. Vì vậy đôi vợ chồng trẻ cũng chẳng dám mong về một cuộc sống đổi thay, họ chỉ cầu ước “Hi vọng các con sẽ sung sướng hơn bố mẹ!”.

Tiễn khách ra về, nhìn đứa con gái nhỏ đã sớm chịu thiệt thòi, chị lạc giọng đi: “Bác sĩ có dặn nhớ cho cháu ăn uống đầy đủ, bồi bổ, nhưng giờ kinh tế như thế này cũng khó mà thực hiện! Chỉ biết động viên cháu gắng ăn nhiều cơm cho khỏe!”.

Rời Vân Khê trên con đường bụi mù đất đỏ với mịt mùng khói gạch, ánh mắt trong veo của Ánh cùng nỗi niềm người mẹ cứ theo chúng tôi mãi.

Dương Danh Nhật (3tuổi, Tân Chi, Tiên Du, Bắc Ninh): "Con muốn khỏi bệnh để được đá bóng và chạy nhảy thoải mái"

Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ với câu chuyện của Nhật. Em bị bệnh tim bẩm sinh nhưng đến 2 tuổi mới được các bác sĩ phát hiện. Thật may em đã được phẫu thuật kịp thời cách đây 8 tháng. Sau 6 tiếng phẫu thuật, Nhật tỉnh dậy, xung quanh em chằng chịt máy thở, ống tiếp nước, em phờ phạc cất tiếng gọi mẹ.

Nhật may mắn hơn Ánh, vì bệnh tim của em ở mức độ nhẹ, nhưng những đau đớn mà cậu bé phải chịu đựng cũng không kém gì. Từ khi sinh ra, con đường đến bệnh viện đã quen thuộc với em, nhất là khi trời chuyển mùa thì những cơn ho do viêm phổi kéo đến làm em chẳng ăn cũng chẳng nghịch đùa được. Cậu bé ngồi thu lu một góc xem mấy cậu bạn hàng xóm chơi bóng, ánh mắt của em khát khao những điều thật giản dị. Chị Hường, mẹ em ôm cậu con trai nhỏ vào lòng thủ thỉ: “Đừng buồn con trai mẹ, mấy tháng nữa vết thương lành là con sẽ được chơi bóng, chạy nhảy thật nhiều”.
 
Bé Nhật

Trước mặt chúng tôi là anh Liễu- bố Nhật, tập tễnh với chiếc chân giả, gương mặt khắc khổ: “ Tôi bị tại nạn giao thông năm 1994, một chiếc chân ra đi kéo theo kinh tế gia đình cũng bị sa sút trầm trọng”. Lúc đó gánh nặng gia đình đặt hết lên vai chị- vừa nuôi con nhỏ 1 tuổi vừa chăm sóc chồng tại bệnh viện. Anh lại là con trưởng, mặc dù vô cùng khó khăn nhưng vẫn cố đẻ con trai, hai chị gái rồi đến bé Nhật ra đời đều nhờ tới sự bao bọc, giúp đỡ của anh em họ hàng .

Cơ ngơi của anh chị là một ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng, chỉ rộng chừng 7m2, đồ đạc không có gì đáng giá: một chiếc giường, sau đó là ngổn ngang những chiếc ti vi đen trắng , những chiếc đài hỏng. 2 chị gái của Nhật vẫn ngày ngày lên nhà chú ruột ngủ nhờ. Anh sửa chữa đồ điện tử nhưng tay nghề có hạn, thu nhập chẳng là bao. Chị chăm sóc 3 sào lúa, may mắn lắm thì đủ ăn nếu không vẫn phải vay mượn anh em. “ Chị cũng cố gắng nhận thêm việc về làm, may màn cho công ty địa phương, với tiền công 800 đồng/ cái thì làm ngày làm đêm được khoảng 20.000- 30.000 nghìn nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng mới có việc”. Tiền ăn học của 2 đứa con gái đều sắp cuối cấp cùng tiền thuốc thang, điều trị của Nhật hai vợ chồng chẳng biết xoay xở thế nào.

Nhật chưa thể nghịch bóng, chơi trò ú tìm cùng các bạn, em chỉ có con dê nhựa để cưỡi  là người bạn thân thiết. Vật đồ chơi duy nhất này luôn được em trân trọng, giữ gìn.

Thật may mắn, Nhật được hỗ trợ 50 triệu từ chương trình “Trái tim cho em”, ước mơ chữa bệnh cho con đã nằm trong tầm tay, và giờ đây gia đình chị cố gắng chăm sóc Nhật để em nhanh chóng khỏe mạnh, nhanh chóng chơi đùa được như những đứa trẻ bình thường khác.

Các em chưa đủ lớn để cảm nhận những thiệt thòi của bản thân nhưng sớm chịu đựng những đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần giúp các em cứng cáp hơn để bước vào đời. Để có được một trái tim khỏe mạnh. Ngoài sự nỗ lực cố gắng của gia đình thì các em vẫn cần sự chung tay giúp sức về mọi mặt của những nhà hảo tâm. Mong rằng sau bài viết này, các em sẽ có được sự giúp đỡ để có một trái tim khỏe mạnh như bao trẻ khác.

Minh Lý

Chia sẻ