Cô giáo chuyển giới được học trò ngưỡng mộ

Theo VnExpress,
Chia sẻ

Một chàng sinh viên trường Đại học công nghệ Sài Gòn nói rằng: "Không có từ ngữ nào diễn tả hết sự ngưỡng mộ và kính trọng của em" khi kể về cô giáo chuyển giới Phạm Lê Quỳnh Trâm.

Hơn 200 học sinh ở một vùng quê nghèo tỉnh Bình Phước đã thi đậu vào những trường đại học có tiếng ở TP HCM như: Y dược, Công nghệ Sài Gòn, Kiến trúc, Công nghiệp... có sự góp công lớn của cô giáo Quỳnh Trâm - trước đây là một chàng trai mang tên Phạm Văn Hiệp.

Kể về cô giáo cũ, chàng sinh viên tên Đạo bảo: "Không có từ ngữ nào diễn tả hết sự ngưỡng mộ và kính trọng của em đối với cô. Nhà chúng em đứa nào cũng nghèo, cô thì chẳng giàu nhưng thấy học trò cần gì là giúp đỡ ngay. Bạn nào không có tiền, cô sẵn sàng dạy miễn phí. Ngày học trò đi thi đại học ở TP HCM, cô cũng đưa đi, rồi lo cho chỗ ăn, chỗ ở".

Đạo là một trong những học trò thế hệ đầu tiên của cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm - người phẫu thuật xác định lại giới tính từ nam sang nữ vào năm 2009. Trâm khi ấy là một giáo viên dạy kèm tại gia. Về sau cô dạy ở một trung tâm luyện thi đại học tại TP HCM, cho đến khi tạm nghỉ 6 tháng trước để tập trung vào một kế hoạch ca hát.

Nam sinh viên quê Bình Phước này cho biết, 7 năm trước em học lớp 10, yếu một số môn khối A nên muốn tìm một giáo viên dạy kèm tại nhà. Lúc đó cô Trâm - khi đó vẫn còn là thầy Hiệp - từ TP HCM trở về Bình Phước để chăm mẹ bệnh và đăng tin nhận dạy kèm các môn khối A (toán, lý, hóa). "Em thấy cô rất thân thiện và vui vẻ nên xin theo học luôn", cậu học trò nhớ lại.

Cô giáo chuyển giới được học trò ngưỡng mộ
Cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm - người phẫu thuật xác định lại giới tính 
đầu tiên được công nhận tại Việt Nam. Ảnh: Q.T.
 
Ngày đầu tiên đến nhà học trò dạy kèm, "thầy Hiệp" luôn cố tỏ ra có dáng dấp của một thầy giáo, song những cử chỉ dịu dàng, cách ăn nói nhẹ nhàng của "thầy" đã không qua được cặp mắt tinh tường của cậu học trò ở tuổi 16.

Nhớ lại thời gian ấy, Đạo kể: "Em đã nhận ra điều đó ngay từ lần gặp đầu tiên rồi, nhưng đối với em thầy cô dạy mình kiến thức là quan trọng nhất, em không quan tâm giới tính của người giáo viên phải như thế nào. Ngày cô đến nhà dạy kèm, em nói với cô rằng "em biết cô không phải là thầy nên cô cứ sống thật với mình, không việc gì phải che giấu"".

Từ đó hai cô trò trở nên thân thiện hơn, ngoài giờ học, cô giáo còn chia sẻ với Đạo về những vui buồn trong cuộc sống và luôn dặn dò cậu học trò phải cố gắng học vì "chỉ có con đường tri thức mới đưa các em thoát cảnh nghèo khó".

Nhờ sự động viên và tận tâm chỉ dạy của cô giáo mà lực học của Đạo về sau tiến bộ hẳn, kết quả tăng rõ theo từng học kỳ. Cậu học trò vẫn còn nhớ hồi thi tốt nghiệp lớp 12 em đạt 9,5 điểm môn hóa. "Đó là điều mà bản thân em cũng không thể tin được vì trước đó học lực của em chỉ ở mức trung bình - khá thôi".

Cũng trong năm đó, Đạo thi đậu vào trường Đại học Công nghệ Sài Gòn rồi du học ở Singapore, đến năm ngoái mới trở về Việt Nam học tiếp chương trình đại học.

Vậy mà nhờ sự tận tâm hết mình của cô giáo Trâm, hơn 200 em đã thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng ở TP HCM. Giải thích tại sao các môn học khối A thường khô khan và khó hiểu nhưng các em luôn thích học, một trong số "đệ tử" của cô Trâm là nam sinh Chế Văn Việt (năm 3 trường Đại học Công nghệ Sài Gòn) cho rằng nhờ cách dạy vui tươi hóm hỉnh của cô giáo nên học trò rất dễ tiếp thu.

"Mỗi lần giảng giải công thức khó nhớ, cô thường pha trò vui, lồng ghép vào đó là những phương pháp ghi nhớ đơn giản. Nhờ vậy mà chúng em hiểu bài nhanh và ghi nhớ lâu hơn. Còn bạn nào chưa hiểu thì cô gọi riêng lên giải thích cho đến khi nào hiểu thì thôi", chàng sinh viên tâm đắc.

Quỳnh Trâm là trường hợp phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ đầu tiên tại Việt Nam được cơ quan chức năng công nhận xác định lại giới tính.

Sinh ra với hình hài con trai và mang tên Phạm Văn Hiệp, cô là người lưỡng tính với phần nữ nhiều hơn. Mong muốn được sống thật với mình, cô sang Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi, sau đó về một bệnh viện trong nước kiểm tra để có xác nhận y khoa, làm cơ sở xin cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính.
Chia sẻ