Cô gái trẻ 8x neo giữ hồn Xẩm Hà thành

Đinh Liên, nguồn ảnh: aFamily.vn,
Chia sẻ

Đam mê âm nhạc dân tộc, nghệ sỹ trẻ Thu Phương đã chọn cho mình một lối đi riêng để đưa hát Xẩm đến gần hơn với khán giả.

Từ lâu, khán giả chợ đêm Đồng Xuân đã quen với gương mặt và giọng hát của nghệ sỹ trẻ Thu Phương (Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam). Nhiều người nói: đã ghé qua chợ phố cổ, mà không dừng lại nghe Thu Phương hát Xẩm thì chưa được hưởng trọn cái thú vị của một tối mơ màng đến Hà Nội xưa.
 
Niềm đam mê từ thuở thiếu thời

Trong thời buổi giới trẻ chạy theo các ca sỹ tuổi teen, ngân nga những ca khúc thời thượng thì cô gái với chất giọng alto nữ (nữ trung) hiếm có trong thanh nhạc lại chọn cho mình một niềm đam mê với âm nhạc dân tộc. Chúng tôi gặp Phương vào một tối Hà Nội đầu hè khi chúng tôi cùng nhiều khán giả khác thật sự bị thu hút bởi giọng hát đặc biệt của cô gái có gương mặt còn rất trẻ. Trong chiếc áo dài, tóc vấn khăn, cô cất cao giọng hát bài “Chớ có làm cao”.
 
Cô gái trẻ mê hát xẩm.
 
Sinh năm 1985 tại Uông Bí, Quảng Ninh trong một gia đình làm nông nghiệp. Ngay từ nhỏ, tình yêu với âm nhạc cổ truyền dân tộc đã nhen nhóm trong lòng cô bé. Lên ba tuổi, Phương đã líu lo bài Xẩm “Mục hạ vô nhân” và những khúc dân ca Việt Nam. Hồi đó, vào các tối thứ 7 trên tivi thường có chương trình “Sân khấu truyền hình” chuyên chiếu các vở diễn tuồng, chèo, cải lương… Mỗi lần đến chương trình đó, khi cả anh trai và em gái đều lăn ra ngủ, thì chỉ có riêng mình cô say mê cùng bố theo dõi từ đầu đến cuối. Sau mỗi chương trình, Phương lại mang những suy nghĩ, tình cảm của mình về tiết mục đó chia sẻ với bố. Cô bé mê “Sân khấu truyền hình” ấy đã bị những giai điệu mượt mà, sâu lắng của âm nhạc dân tộc hút hồn, Phương cứ nghe đi, nghe lại mãi không chán những điệu chèo, xẩm, quan họ…
 
Thu Phương cùng bạn hát.

Ở nơi Phương sinh ra cuộc sống còn nhiều khốn khó, bôn ba kiếm miếng cơm manh áo còn khổ, huống hồ là nuôi giấc mơ trở thành nghệ sỹ. Thấy con say mê ca hát, mẹ Phương lại lo và sợ con khổ, bà khuyên con gái nên kiếm một ngành nghề thật phù hợp với bản thân. Nghe mẹ, Phương học và tốt nghiệp chuyên ngành điện công nghiệp của Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh. Ra trường không xin được việc, Phương góp vốn cùng bạn bè mở quán cắt tóc gội đầu, thu nhập cũng đủ trang trải cho cuộc sống…
 
Nhưng tình yêu với những làn điệu dân gian vẫn không ngừng âm ỉ. Tình cờ, cô gái trẻ biết Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam đang tuyển người để đào tạo miễn phí hát Xẩm và hát Trống quân. Như “nắng hạn gặp mưa rào”, cô quyết tâm bỏ lại đằng sau cả công việc, tình yêu và sự ngăn cản của cha mẹ để lên Hà Nội theo học hát Xẩm. Ai cũng bảo Phương mộng tưởng, theo đuổi thứ nhạc cổ, chẳng ai còn muốn nghe.
 
Phương (thứ 2 từ trái sang) cùng đoàn diễn.
 
Bỏ nhà theo Xẩm

Học về nhạc, nhưng hành trang của Phương chỉ có niềm đam mê nghệ thuật truyền thống còn kiến thức về âm nhạc thì chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Để bù đắp lại những thiếu hụt của bản thân, Phương đã phải học tập rất chăm chỉ: một ngày học trên trung tâm 10 tiếng, về nhà lại lao đầu vào sách vở tự học… Được sự dìu dắt trực tiếp của nghệ sĩ Xuân Hoạch và Thanh Ngoan, Phương nhanh chóng khẳng định được bản thân. Giọng Xẩm khàn khàn, nhấm nhẳng, giàu cảm xúc, có sức cuốn hút lạ kỳ của Phương được mọi người yêu mến.

Sự chăm chỉ, phấn đấu không ngừng đã đưa cô đến được với bến bờ nghệ thuật. Chỉ sau 1 tháng sinh hoạt tại Trung tâm, Phương đã được ra biểu diễn trên sân khấu chợ Đồng Xuân cùng các nghệ sỹ lớn như: Văn Ty, Thanh Ngoan, Xuân Hoạch, Thúy Ngần… Từ lần đầu lên sân khấu còn nhiều bỡ ngỡ, đến nay cô đã trở thành nghệ sỹ chủ lực của Trung tâm nghiên cứu và phát triển âm nhạc Việt Nam. Ngoài các buổi biểu diễn cho khán giả chợ Đồng Xuân vào các tối thứ 7, Phương còn tham gia các chương trình của Đài truyền hình, Đài tiếng nói, biểu diễn phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước.
 
Xẩm chợ đêm.
 
“Mình ấn tượng nhất với một bác khán giả đã có tuổi, bác thường đến chợ đêm vào ngày cuối tuần chỉ để chờ đợi được nghe những bài hát Xẩm. Bác bảo “thèm” lắm được nghe những lời hát khiến người ta nhớ đến khung cảnh Hà Nội thời xa xưa. Nhiều anh chị em trong đoàn mình nghe bác nói mà cảm động, có được những khán giả trung thành như thế, thật sự là động lực để mình không ngừng cố gắng,” Phương chia sẻ.

Thu Phương trong một đêm diễn ở chợ Đồng Xuân.

Từng tham gia diễn tại nhiều nơi ở trong và ngoài nước nhưng cô vẫn không thể quên được kỉ niệm buổi diễn tại quê nhà vào ngày mùng bốn tết Canh dần. Hôm đó, mọi người ở trung tâm về nhà Phương tại Quảng Ninh chơi và quyết định biểu diễn phục vụ bà con. Thông báo chỉ được đưa ra trước đó 1 tiếng, nhưng đến lúc diễn thì cả sân nhà văn hóa thôn chật cứng người. Tối đó, cô hát “Theo Đảng trọn đời”, và khi diễn, do nhớ lại những ngày tháng vất vả, những lời đồn đại không hay của mọi người lúc mình quyết định đi học hát, những suy nghĩ ấy dồn nén và Phương đã khóc thật sự. Sau khi cô diễn xong tất cả mọi người trong hội trường đều rơi nước mắt vì xúc động. Họ không thể nào tin được rằng cô bé cắt tóc gội đầu ngày nào lại hát Xẩm hay đến thế.

“Mỗi tối thứ bảy, được hát ở chợ Đồng Xuân, nhìn xuống phía dưới là những khuôn mặt háo hức chờ đợi, mình thấy hạnh phúc lắm. Có chị, là Việt kiều định cư ở nước ngoài nhiều năm, đứng hàng giờ trước sân chợ chỉ để được nghe các điệu Xẩm. Nhiều người nói mình lạc hậu, khán giả giờ chỉ thích những giai điệu sôi động, trẻ  trung, nhưng bản thân mình lại chọn con đường đi khác, mình muốn lưu giữ lại một nét văn hóa đang dần mất đi. Nhìn ánh mắt trìu mến, tiếng vỗ tay của nhiều khán giả, mình hiểu con đường mình đi không hề đơn độc,” cô gái trẻ tâm sự.
 
 
Cô gái trẻ dạy miễn phí hát xẩm, hát trống quân cho những người yêu thích môn nghệ thuật này.
 
Hiện tại, Thu Phương thường xuyên tham gia các hoạt động biểu diễn phục vụ quần chúng và hướng dẫn miễn phí cho những người yêu thích hát Xẩm, hát Trống quân. Đến nay, các lớp học miễn phí này đã thu hút được nhiều học viên tham gia, với đủ các lứa tuổi. “Có những em nhỏ cũng được bố mẹ đưa đến để học hát, nhìn các em say sưa học, mình tin rằng trong tương lai, hát Xẩm sẽ không dễ gì bị mai một.”
Chia sẻ