Chuyện thú vị về người đàn ông mang dòng máu Ấn Độ sửa đồng hồ ở Sài Gòn

Theo Trí thức trẻ,
Chia sẻ

Là người mang dòng máu Việt và Ấn, thế nên cuộc đời của ông Tuấn luôn có những chuyện dở khóc dở cười bởi ngoài hình đặc trưng của một đứa con lai.

Khó lấy vợ vì... da đen sạm

Ông Nguyễn Văn Tuấn (58 tuổi, ngụ quận 8, TP. HCM) luôn tự hào khi mang trong mình 2 dòng máu Việt Nam và Ấn Độ. Ngoài sự khác thường trong tính cách, ngoại hình của ông cũng đặc biệt không kém, khi màu da và đôi mắt mang một nét đặc trưng rất riêng của người Ấn Độ. Tuy vậy, ông Tuấn lại cho rằng vì màu da đen sạm này khiến cho thời thanh niên trai tráng của ông phải trải qua nhiều cuộc tình đổ vỡ trước khi lấy được vợ lúc đã ngoài 40 tuổi.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Thợ sửa đồng hồ lâu đời ở Sài Gòn - (Ảnh: Humans of Saigon).

Nhắc lại về mối tình đầu, ông Tuấn ngồi trầm ngâm: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn luôn, nhưng từ lúc ra đời đến giờ vẫn chưa biết mặt bố mẹ ruột. Sau này tìm hiểu mới biết mình là người mang 2 dòng máu với bố là người Ấn, mẹ là người Việt. Cuộc sống của một người mang 2 dòng máu có nhiều điều thú vị với những kỉ niệm buồn vui không thể nào quên được, trong đó chuyện tình yêu khiến tôi nhớ nhất. Năm đó, tôi có quen một cô gái, sau khi dẫn về nhà ra mắt bố mẹ cô ấy thì nhận ngay lời chê: "Thằng này sao mà đen vậy", tôi mặc cảm lắm. Nhưng sau đó tôi đã chứng tỏ được bản lĩnh thực sự của người đàn ông bằng những công việc, hành động, cá tính của mình nên bố mẹ cô ấy mến lắm. Mặc dù vậy, trong thời gian yêu nhau cũng vì chuyện ngoại hình khác thường này mà tôi mặc cảm với bạn gái, sau đó chúng tôi chia tay" .

Ông Tuấn luôn mặc cảm trong tình yêu.

Theo ông Tuấn, cũng từ khi chia tay với mối tình đầu, ông không còn tự tin mỗi khi làm quen với những cô gái khác. Mỗi khi đi chơi với bạn bè, ông tự ti vì mình khác thường quá, nên chẳng dám nói chuyện nhiều. "Biết mình hay mặc cảm nên những người bạn rất hiểu và quan tâm hết mức!" , ông Tuấn cười và nói

Trải qua biết bao nhiêu mối tình, nhưng vẫn chưa đi đến được hôn nhân. khi đã ngoài 40 tuổi mới "tình cờ" lấy được vợ, người vợ hiện tại chính là bạn của người yêu cũ. Vì lấy nhau muộn nên đến nay ông Tuấn và vợ (hiện công tác tại phường) mới có được 2 đứa con trai (12 tuổi và 10 tuổi). Hằng ngày ông vẫn làm công việc sửa đồng hồ để cùng vợ nuôi con ăn học.

Nhiều "đệ tử" từ nghề sửa đồng hồ

Bắt đầu vào nghề từ năm 1989, ông Tuấn cũng thu nhận được gần 10 người "đệ tử" để dạy nghề sửa đồng hồ miễn phí, nhưng chỉ có được một người trụ lại với cái nghề lắm gian nan này. "Tôi làm nghề này hai mươi mấy năm rồi, truyền nghề cho mấy thằng đệ tử mà chúng nó bỏ thầy đi hết. Cũng buồn lắm, chỉ có được mỗi thằng học trò đầu tiên là trụ được với nghề, còn lại thì không đủ kiên trì, tỉ mỉ, không chịu được vất vả" , ông Tuấn cho biết.

Người thợ sửa đồng hồ tâm huyết với nghề.

Theo ông, có được cái nghề làm ăn đến giờ cũng là sự... tình cờ trong lúc ông đi lang thang tìm việc. Ông kể, sau khi thống nhất đất nước, ông lưu lạc khắp Sài Gòn và mưu sinh với nhiều nghề, nhưng vẫn không thành công. Rồi ông ra Bình Dương làm công nhân được 4 năm, khi quay lại Sài Gòn ông may mắn gặp được "thầy" sửa đồng hồ lúc đó.

"Tôi nhận người làm "sư phụ" từ một đứa em gái. Trong lúc trở lại Sài Gòn, tôi qua nhà cô em gái chơi, thấy một người đàn ông ngồi sửa đồng hồ hay quá nên thích thú học theo. Sau 1 năm "bái sư" học nghề rồi thành thạo, tôi trụ với công việc sửa đồng hồ đến bây giờ" , ông chia sẻ.

Sự tỉ mỉ và kiên trì giúp ông bám trụ với nghề đến hôm nay.

Cũng chính vì sự yêu nghề, tôn trọng nghề nên người đàn ông mang 2 dòng máu này mới trụ nổi với công việc sửa đồng hồ trên đất Sài Gòn. Ông cho hay, cuộc sống có đổi thay, xã hội có phát triển, nhiều thay đổi từng ngày nhưng riêng đối với ông khi nói về những con người Sài Gòn, ông bảo từ trước đến nay vẫn như thế, bình dị, hòa đồng và luôn nở nụ cười thân thiện.

"Khi mới vào nghề, chưa được tin tưởng nên ít ai dám đưa đồng hồ cho mình sửa, nhiều khi họ đưa vật kỉ niệm, mình sửa không khéo hư của người ta rồi sao? Tiền họ không tiếc, nhưng tiếc là tiếc kỉ niệm từ chiếc đồng hồ thôi", ông tâm sự.

Hiên tại, hằng ngày, ông sửa đồng hồ ngay tại ngã 3 đường Lương Nhữ Học - Hồng Bàng (quận 5, TP. HCM). Công việc của ông vẫn diễn ra trong sự hối hả của cuộc sống với mức thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày. Được biết, số tiền này chỉ có những người thành thạo nghề như ông mới có thể kiếm được.

Chia sẻ