Chuyện người đàn ông mang án tử HIV và những năm tháng làm lại cuộc đời

Theo Kinh Tế Nông Thôn,
Chia sẻ

Căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS quái ác đã phá vỡ hạnh phúc của biết bao gia đình. Nhưng có người đã biết vượt qua để làm những việc có ích cho xã hội, tìm lại niềm vui, hạnh phúc cho mình.

Người nhiễm HIV cũng được coi là người lĩnh án tử, nhưng thời gian để kết thúc sự sinh tồn ấy không phải ngày một ngày hai mà là cả một quãng thời gian dài. Có người nhìn HIV rất tiêu cực và sống tiêu cực theo cách nhìn ấy. Nhưng bên cạnh đó có nhiều người đã nhận ra rằng, HIV không hề đáng sợ như chúng ta nghĩ, họ đã dành khoảng thời gian còn lại để làm những việc có ích cho xã hội, tìm niềm vui và hạnh phúc cho mình.

Anh Trần Văn Hà (sinh năm 1976) trú tại An Lư (Thủy Nguyên - Hải Phòng), một thời có tiếng ăn chơi “hoành tràng” xứ hoa phượng đỏ, anh đã tự đóng lên mình án tử với căn bệnh thế kỉ HIV. Chán nản với cuộc sống xung quanh chỉ toàn kì thị, xa lánh, nhiều lần anh định tự tử để rũ bỏ cuộc sống đầy mệt mỏi tăm tối mà không thành. Sau nhiều trăn trở, anh đã tìm ra tia hy vọng giúp hồi sinh tâm hồn của kẻ chờ ngày hành án. Giờ đây, anh đã tìm được hạnh phúc của riêng mình, sống vui vẻ và có ích cho xã hội.

Chuyện người đàn ông mang án tử HIV và những năm tháng làm lại cuộc đời 1
Anh Hà kể lại những ngày tháng ăn chơi của mình.

Hà là con của một gia đình giàu có, bố mẹ, anh em đều làm trong ngành vận tải đường sông. Từ nhỏ, Hà đã thích kinh doanh. Học hết lớp 9, Hà thấy chán học, sẵn có máu kinh doanh lại thêm có bà cô bên Hồng Kông (Trung Quốc) hậu thuẫn, Hà quyết định vượt biên sang Hồng Kông để làm giàu. Nhưng nơi đất khách quê người, kiếm ăn không dễ dàng. Suốt 5 năm bám trụ tại xứ người, việc làm ăn khó khăn lại vốn tính ham chơi nên Hà chẳng tích góp được đồng nào. Bố mẹ Hà phần lo cho tương lai con trai, phần thì thương con vất vả nơi xứ người đã hết lời khuyên con trở về. Chán với việc kinh doanh bập bõm xứ người, Hà nghe lời bố mẹ về nước.

Khi Hà về nước, xa con lâu ngày nên bố mẹ Hà chiều con hết mực. Hà kể: “Ngày ấy ở quê tôi, phong trào chơi ma túy là đẳng cấp số 1. Mang tiếng là con nhà giàu, là dân chơi lại thêm cái mác Việt kiều, lúc nào tôi cũng bị tụi bạn kích bác. Sẵn máu thanh niên nổi lên, tôi thử ngay và chẳng mấy chốc cuộc sống của tôi đã gắn liền với “cái chết trắng”. Bao hy vọng đặt vào con trai, cưng chiều, chăm sóc, khuyên con đi học lại để có tương lại tươi sáng nhưng một phút bốc đồng, Hà đã ném tất cả tuổi trẻ, tiền bạc và cả nhân phẩm của mình đi theo ma túy. Học hết cấp 3, Hà lên thành phố để học trung cấp tại trường tài chính kế toán. Xa nhà, không có ai quản lý, “dân chơi phố núi” được tiếp xúc với nhiều “dân chơi thứ thiệt” liền nhanh chóng bắt nhịp vào cuộc sống xa đọa của các dân chơi đất Cảng.

Hà buồn rầu kể lại: “Được một thời gian, phát hiện thấy nhiều biểu hiện lạ, gia đình tôi đã nghi ngờ, theo dõi và phát hiện ra việc tôi dính vào ma túy, mọi người tìm cách tách tôi ra khỏi đám bạn xấu và đưa tôi về cai nghiện tại gia. Sau một năm, tôi đã cai nghiện được hẳn, gia đình mừng lắm, cho tôi cai quản một con tàu biển. Nhưng cứ lênh đênh ngoài biển, lại sẵn có tiền, tôi “ngựa quen đường cũ” tìm đến với ma túy”.

Vẫn ánh mắt buồn, Hà tâm sự: “Năm 2002, trong một lần xét nghiệm máu, tôi nhận được kết quả HIV dương tính. Mọi thứ như sụp đổ hoàn toàn trước mặt tôi, đã thế gia đình còn coi tôi như kẻ chết rồi khiến tôi vô cùng đau đớn”. Khi biết Hà nhiễm HIV, gia đình Hà không hiểu rõ về căn bệnh này, họ ái ngái về sự lây lan của căn bệnh thế kỷ nên xa lánh anh.

Hà rơm rớm nước mắt kể lại: “Nhiều khi muốn bế cháu, tôi còn không thể, mọi người luôn ái ngại khiến tôi phải dùng đồ đạc riêng. Cảm giác như đang sống thừa, tôi đã tìm đến cái chết nhiều lần nhưng lần nào cũng bị gia đình phát hiện và cứu chữa”.

Chán với cuộc sống khép kín trong phòng tối, Hà vứt bỏ ý nghĩ tù túng để tìm hướng đi mới cho riêng mình. Anh đã đến các trung tâm để được tư vấn cách sống chung với HIV. Từ đây, anh hiểu được nhiều điều mà trước đây mọi người vẫn có những quan điểm sai lầm về nó. HIV không hề đáng sợ như mọi người nghĩ, sử dụng thuốc đúng cách, sống lạc quan thì người nhiễm HIV có thể sống khoảng thời gian khá dài, và bệnh này nếu biết cách phòng tránh thì rất khó lây sang người khác. Thấy ánh sáng dần hé lộ, tấm màn đen trước mắt đã được mở ra, Hà quyết định tìm hướng đi mới để sống tốt quãng thời gian còn lại, để làm những việc có ích.

Quyết tâm thay đổi cuộc đời, Hà đã nói chuyện với gia đình và xin vốn để mở trang trại trên Vĩnh Phúc. Mới đầu, gặp vô vàn khó khắn, sức khỏe kém do nhiễm bệnh thêm với việc sống công tử từ bé chẳng biết làm nông nghiệp là gì nhưng Hà không hề nản chí. Anh mua sách về nghiên cứu và tham khảo mô hình trang trại của những nơi khác… Sau bao khó khăn, vất vả, cuối cùng anh cũng có chút thành quả, cây cối xanh tốt, vật nuôi khỏe mạnh. Thế nhưng tình yêu đến đã khiến cuộc sống của Hà đảo lộn.

Hà kể lại: “Ngay từ lần đầu tiên gặp cô ấy, trái tim tôi đã lỗi nhịp, tôi yêu cô ấy, khao khát cô ấy, và cô ấy cũng vậy. Tôi và cô ấy chia sẻ với nhau mọi thứ về mình, riêng chuyện tôi đang nhiễm HIV thì không. Khi cuộc tình đã quá sâu đậm, thấy tôi rụt rè khi nhắc đến chuyện hôn nhân của hai đứa, cô ấy đã chủ động “cầu hôn” trước. Trái tim tôi như bóp nghẹt, một niềm xúc động dâng trào khiến tôi bật khóc thành tiếng. Nhưng, sau trấn tĩnh lại, nghĩ cô ấy đâu đáng phải nhận con vi-rút chết chóc kia từ mình, nên tôi đã nói cho cô ấy tất cả...”. Im lặng giây lát, Hà tiếp lời, giọng vui vui: “Dù biết tôi bị nhiễm HIV, nhưng cô ấy vẫn bình thản nói: “Dù anh có bị làm sao đi nữa thì em vẫn yêu anh”.

Cố gắng khước từ nhưng cô gái vẫn quyết tâm vượt qua mọi rào cản, Hà không muốn làm khổ cô gái nên đã lặng lẽ bán trang trại đó, bỏ xuống Hà Nội không một lời từ biệt. Tại đây, anh đã tham gia vào nhóm tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại Cầu Giấy.

Nghĩ về những người cùng cảnh ngộ tại quê hương vẫn đang bị xa lánh, tháng 6/2006, anh quyết định trở về thành lập Câu lạc bộ (CLB) giành cho những người nhiễm HIV, lấy tên là CLB Hoa Sen.

Hà khoe: “Ban đầu, CLB chỉ có 16 người, hoạt động tự lực. Đầu tiên, tôi cũng gặp khó khăn lắm vì sự phản đối của những người hàng xóm, bởi ai thích gì ở cùng với người suốt ngày có hàng chục người nghiện, người nhiễm HIV đến tập trung. Động viên, khuyên răn không được, cuối cùng tôi phải đứng ra làm bản cam kết với chính quyền, dân làng rằng sẽ đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra các tệ nạn xã hội. Đến nay thì CLB Hoa Sen có 167 người tham gia, bản thân tôi và nhiều thành viên đã tìm được việc làm ổn định, sống vui vẻ, tích cực hơn...”.

Hà rất hài lòng với cuộc sống cùng với mọi người trong CLB. Tưởng rằng quãng thời gian còn lại chỉ vui vẻ bên những người bạn và làm những việc có ích cho xã hội thì tình yêu lại đến với anh. Anh quen chị trong quá trình tham gia hoạt động trong CLB Hoa Sen và làm việc tại cơ sở điều trị methadeno tại quận Lê Chân. Họ đến với nhau bằng sự đồng cảm của hai con người cùng nhiễm HIV, vì cùng cảnh ngộ nên sự đồng cảm đã thôi thúc tình yêu của hai người.

Chuyện người đàn ông mang án tử HIV và những năm tháng làm lại cuộc đời 2
Anh Hà hạnh phúc bên người vợ của mình.

“Đó là một cô gái hiền lành, chồng chết vì những bệnh liên quan đến AIDS. Bản thân cô ấy cũng bị nhiễm HIV, gặp nhau, chúng tôi có sự chia sẻ, đồng cảm, chính điều này đã thôi thúc khát vọng tình yêu cháy bỏng trong tôi bùng cháy. Chúng tôi đều nghĩ: Không thể sống thiếu nhau”, Hà đỏ mặt tâm sự.

Hà đem người yêu về ra mắt gia đình nhưng anh chị bị phản đối gay gắt, không vì vậy mà nản chí, Hà từ từ giải thích, lý giải với gia đình và sau gần 4 năm yêu nhau, năm 2011, hai bên gia đình đồng ý cho làm đám cưới. Không những thế, hai vợ chồng còn mua được một căn nhà nhỏ bằng chính sức lao động của mình. Giờ đây, niềm mong mỏi duy nhất của anh chị là có một đứa con nhưng theo anh Hà thì việc này cần phải tính kĩ và phải có điều kiện đã.

Trong cuộc sống của chúng ta, đâu đâu cũng có những “cuộc đời” lầm lỗi, những lúc tưởng chừng bế tắc, anh Hà chính là một trong số đó. Nhưng anh đã không chịu phó mặc cuộc đời mình cho số phận mà tự tìm lấy hạnh phúc và ý nghĩa sống cho mình.

Chia sẻ