Chùm ảnh: Cận cảnh cuộc sống đảo lộn của nạn nhân vụ sập nhà 5 tầng

Tùng Lâm - Uông Trang - Theo PLXH,
Chia sẻ

Những người dân trong khu nhà bị sập sau vụ đổ nhà 5 tầng ở phố Huỳnh Thúc Kháng đã thành "dân tị nạn" cùng với cuộc sống bất ngờ bị đảo lộn.

Tiếp xúc với các gia đình hiện đang ở tạm tại trụ sở Mặt trận tổ quốc phường Láng Hạ, chúng tôi không khỏi thấy xót xa trước tình cảnh hiện tại của họ. Những con người này tuy vẫn cảm thấy mình còn may mắn và rất biết ơn Ủy ban phường đã sắp xếp chỗ ở và hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng, nhưng họ cũng thi thoảng phải nén tiếng thở dài. Như gia đình anh Đoàn Đức Hùng, mặc dù trước đây họ cũng không hẳn thuộc tầng lớp giàu có, nhưng cuộc sống của 7 thành viên trong gia đình vẫn khá thoải mái trong căn hộ 36m2. Với căn phòng 16m2 hiện nay thì việc sắp xếp chỗ ngủ cho cả 7 người thôi cũng đã khó, chứ đừng nói đến chuyện có được không gian sinh hoạt tử tế.

Để giúp đỡ các hộ gia đình này, Ủy ban đã giành một hội trường và văn phòng Hội Chữ thập đỏ làm chỗ cho họ tạm trú. Trong hai căn phòng ngổn ngang những đồ đạc từ quần áo đến vật dụng, thậm chí cả gạo, khoai cũng để cùng chỗ với chăn màn, chiếu gối. Hội trường được ngăn tạm bợ bằng những chiếc ghế, chia thành không gian cho 4 hộ gia đình. Riêng nhà anh Hùng, do có 7 người, lại có cụ già 95 tuổi và hai con nhỏ, nên mọi người nhường phòng Hội cho gia đình anh.

Cả khu vực sân trước ủy ban cũng được tận dụng, vừa làm chỗ nấu nướng, vừa làm khu vực sân phơi. Chiếc bàn của Hội Chữ thập đỏ đặt ở đây vừa là bàn ăn, vừa là nơi tiếp đón khách khứa và bạn bè đến thăm hỏi, cũng là chỗ duy nhất cho con gái đầu của anh Hùng ngồi học bài và là chỗ chơi cho đứa em 2 tuổi. Hàng ngày, đến giờ làm việc, cả nhà anh đóng cửa ngồi trong nhà để nhường chỗ cho công tác hành chính của ủy ban. Chẳng phải do ai yêu cầu, cũng chỉ đơn giản rằng chẳng gia đình nào lại muốn ngày ngày người lạ cứ nườm nượp đi qua ghé cặp mắt tò mò nhìn vào những bộn bừa và tạm bợ; và có khi đó cũng là tâm lý sợ làm phiền người khác khi đang đi "ở nhờ" của những con người đang gặp nạn.

Để dùng nhà vệ sinh trong phòng họp chính làm nhà tắm, mọi người phải dậy từ sáng sớm. Mà cái nhà vệ sinh ấy hóa ra lại rất "đa dụng", vì nó vừa là chỗ vệ sinh, tắm giặt, lại vừa là chỗ... rửa rau để nấu nướng. Khi được hỏi tại sao, mẹ anh Hùng chỉ cho chúng tôi vòi nước duy nhất ở sân ủy ban MTTQ đã được mở mà chỉ thi thoảng nhỏ xuống một giọt nước. Chậu nước chờ sẵn ở đó chỉ hứng được nước vào tầm tối muộn, sau khoảng thời gian các hộ gia đình đã xong bữa cơm, và cũng chỉ được một chậu đầy là nước lại yếu đi thành từng giọt như vậy.

"Còn được như thế này là may rồi cháu ạ. Cô chỉ lo nhất là hai hôm đầu, bà cụ nhà cô vì còn đau sau khi bị ngã nên chẳng ăn được chút gì. Đến hôm thứ ba, cụ bắt đầu ăn được một ít cháo, và các vết thương của con trai cô cũng đỡ dần, thế là mừng lắm rồi. Giờ thì cô chỉ mong sao sớm được về lại nhà mình." - mẹ anh Hùng bộc bạch.

Liệu có ai không mong được thoát khỏi những xáo trộn này để trở về cuộc sống trước kia khi giờ đây cuộc sống không chỉ tạm bợ mà thời gian biểu hàng ngày còn phải phụ thuộc vào giờ giấc của nhiều người khác? Mỗi buổi sáng, họ thấy xót xa khi phải cố đánh thức bà cụ đã yếu và hai đứa trẻ còn đang tuổi ăn tuổi ngủ dậy sớm để vệ sinh cá nhân. Buổi trưa, buổi chiều nào cũng phải chờ mọi người nghỉ trưa rồi mới dám sử dụng nhà vệ sinh để lo cơm nước. Vẫn biết đã may mắn khi mọi người đều được an toàn, nên chẳng một ai trong số họ trách cứ điều gì, họ chỉ có một nỗi niềm: mong chính quyền sớm giải quyết xong sự việc, để được về nhà. 


Nhà vệ sinh công cộng được dùng làm chỗ tắm giặt và rửa rau.

Vòi nước duy nhất ở sân mở cả ngày chỉ rỉ ra được chút nước nơi đáy chậu.


Đệm ướt do đặt sát đất, nên ngày mang ra phơi, tối đem vào nằm.


Không còn đồ đạc gì, mọi vật dụng được bỏ trong túi ni lông.


Ban ngày, chăn chiếu phải cuộn gọn để lấy chỗ đi lại, đêm mới trải ra nằm.


Không gian chỉ đủ để làm chỗ ngủ.


"Vách tường" nhà làm bằng ghế.


Một hội trường được trưng dụng làm chỗ ở cho 4 gia đình.


Bà cụ đã già yếu còn phải chịu cảnh sống tạm bợ.


"Nhà ở" của một gia đình trong cảnh gió lùa.


Căn phòng 16m2 của nhà anh Hùng là văn phòng Hội Chữ thập đỏ.
Chia sẻ