Chị em nhộn nhịp đón Tết Đoan Ngọ

Lê Nhi,
Chia sẻ

Tết Đoan Ngọ năm nay rơi đúng vào ngày cuối tuần, vì thế các gia đình có thêm nhiều thời gian chuẩn bị.

Đi chợ từ tờ mờ sáng

Ngay từ tờ mờ sáng, mặc dù trời rả rích mưa nhỏ nhưng chị Thanh Phương (Tổ 17, Phú Lương, Hà Đông, HN) vẫn dậy sớm hơn thường ngày. Hôm nay, chị phải ra chợ sớm để chọn đủ đồ chuẩn bị cho ngày tết Đoan Ngọ.


Mới gần 6h sáng mà chợ hôm nay đã đông đúc.

Mặc dù trời mưa và mới gần 6h sáng, nhưng chợ hôm nay đã khá đông đúc. Trời càng sáng, lượng người bán và người mua càng nườm nượp. Ngay từ cổng vào trong chợ, chị Phương đã thấy những hàng bán hoa tươi, trầu cau, vàng mã, đào mận, quất hồng bì, lá tắm, rượu nếp… bày bán la liệt. Bên cạnh đó, hàng măng, vịt, cua đồng cũng được bán nhiều.


Hôm nay chợ cũng không thiếu những hàng măng, hàng vịt, cua đồng.




 
 

Ngay từ cổng, những hàng bán chuối, đào, mận, quất hồng bì, lá tắm, rượu nếp… bày bán la liệt

Thấy nhiều chị em đang chen nhau mua bán ở hàng vải, chị Phương cũng chen vào nhặt được 1 chùm vải to rồi hỏi: “Vải hôm nay bao nhiêu hả em?”. Người bán hàng đon đả nói: “Vải 18 chị nhé, đắt hơn mấy hôm trước đấy!”.

Theo nhận định của chị Phương cũng như nhiều bà nội trợ khác đi chợ sáng sớm nay thì tất cả các thực phẩm đắt hơn ngày thường một vài giá. Nhưng các bà nội trợ vẫn vui vẻ chấp nhận, mua bán khá nhanh, lại còn mua với số lượng nhiều để kịp về nhà làm cỗ.




Vải cũng là mặt hàng rất đắt khách

Sau 1 tiếng mải miết mua bán từ đầu đến cuối chợ, chị Phương cũng có trong tay nào vải, mận, đào và nhiều thực phẩm khác. Tuy xách khệ nệ nhưng lúc đi qua hàng bán rượu nếp, chị vẫn nhớ tạt vào mua về nhà.

Chị Phương cho biết: "Hàng rong này bình thường rất ít khi ngồi tại chợ, nhưng sáng nay là Tết Đoan Ngọ nên từ đầu đến cuối chợ mình thấy nhan nhản người bán rượu nếp. Gánh hàng này hôm nay được nhiều người xúm vào mua nhất, người ít thì mua vài cốc về giết sâu bọ. Có người mua hẳn 1kg để làm quá biếu người thân, bạn bè".




Nhan nhản người bán rượu nếp ở chợ


Gần 7h sáng, nhiều chị em đã ra về để kịp làm cỗ tại nhà

Cả nhà cùng chuẩn bị Tết Đoan Ngọ

Lật đật từ chợ về nhà lúc gần 6h sáng, chị Phương để vội các thứ vừa mua xuống bếp rồi chạy vào phòng giục chồng dậy sớm "trợ giúp" chuẩn bị mâm cỗ đón Tết Đoan Ngọ. Sau đó, mỗi người mỗi việc, chồng chị giúp chuẩn bị làm vịt và luộc vịt. Còn chị bắt đầu sửa soạn hết thứ này đến thứ nọ trong bếp.

Sau hơn 1h làm lụng dưới bếp, chị Phương đã chuẩn bị được một mâm cỗ chu đáo gồm nhiều thứ: một nồi chè đậu đen, xôi nếp, rượu nếp. Bên cạnh đó, chị cũng bày một ít hoa quả đầu mùa vừa mua ngoài chợ về như: vải, chuối, đào, roi, xoài… Ngoài hoa quả, rượu nếp, chị cũng không quên làm món bún vịt sáo măng cho cả nhà ăn.
 


Bày biện cho mâm cúng Tết Đoan Ngọ đơn giản với hoa quả và rượu nếp
 
"Những năm chưa có em bé, vào mấy ngày trước Tết Đoan Ngọ, mình đều nhớ làm hũ rượu nếp cẩm cho cả nhà ăn. Nhưng giờ có con nhỏ bận quá, muốn làm cũng không có thời gian. Sáng nay, mình đành phải mua sẵn ngoài chợ” - Chị Phương chia sẻ.

8h sáng, mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ nhà chị Phương đã được hoàn tất. Bày biện và chuẩn bị chu đáo xong, chị mang lên bàn thờ tổ tiên thắp hương, khấn lễ thành kính. Trong khi đợi hương tàn, chị lại tranh thủ xuống dưới nhà chuẩn bị nấu nồi nước lá thơm tắm cho cả nhà. Bỏ mớ lá thơm gồm nhiều loại lá như lá sả, lá tre, kinh giới, tía tô, vỏ bưởi khô ra chiếc rổ, chị Phương bảo: “Chút phải gọi bọn trẻ tắm nước thơm nữa để rôm sảy biến mất hết trong mùa hè này”.

Mệt bơ phờ khi tất bật chuẩn bị Tết Đoan Ngọ nhưng khuôn mặt chị Phương vẫn rất hồ hởi: “Dù công việc bận bịu, nhưng năm nào đến Tết giết sâu bọ, vợ chồng mình cũng cố gắng làm đầy đủ và chu đáo. Chút nữa, 2 đứa trẻ nhà mình thức dậy, được ăn uống no nê, tắm nước lá mát thế này sẽ thích lắm. Từ hôm qua chúng đã ngóng ngày đặc biệt này rồi. Vợ chồng mình muốn các con được hưởng trọn vẹn không khí đón Tết Đoan Ngọ thiêng liêng dù hiện nay nó đã bị mai một ít nhiều”.
Chia sẻ