Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6:

Chị em làm báo điện tử, khổ mà vẫn yêu

Lê Nhi,
Chia sẻ

Trực tin bài 24/7, áp lực bài vở từng giờ, cặm cụi thức đêm, dậy sớm duyệt tin... là những công việc hàng ngày quá đỗi gần gũi với dân làm báo điện tử. Không ngoại lệ cả với chị em đã có gia đình!

Để vượt qua những deadline dồn dập cũng như áp lực bài vở tính theo đơn vị phút, họ đã phải thầm lặng hy sinh nhiều thứ: sở thích, thói quen, thời gian dành cho gia đình. Nhưng dù chung sống với trăm nỗi niềm khó chia sẻ, họ vẫn đi đến cùng, hoàn thành công việc của một người làm báo. Chị em thường nói vui rằng, trót yêu nghề báo rồi thì dẫu có khổ cũng chẳng thể "cai". Quả đúng là như vậy!

5 năm chưa có một ngày cuối tuần đúng nghĩa

Sáng Chủ nhật đến nhà Minh, 27 tuổi (BTV mảng Đời Sống của một chuyên trang dành cho phụ nữ), tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhà Minh vẫn bộn bề chẳng khác ngày thường. Bản thân Minh đang mang bầu tháng thứ 7, vẫn cần mẫn ngồi kỳ cạch làm việc bên chiếc máy tính.

Thấy lạ tôi hỏi: “Hôm nay là chủ nhật, bà bầu không đi đâu à?”. Minh cười xòa: “Làm báo điện tử thì làm gì có ngày nghỉ. Ngày nào chả phải trực tin và sản xuất bài chị ơi!".

Hỏi han chồng Minh mới biết, 5 năm liền (kể từ khi vợ anh bước chân vào nghiệp làm báo), 2 người chưa biết đến một ngày nghỉ cuối tuần đúng nghĩa.


Làm báo mạng, Minh phải gắn bó với máy tính như hình với bóng (Ảnh minh họa)

Để những tin bài hàng ngày lên trang đúng khung giờ quy định của tòa soạn, sáng nào Minh cũng phải thức dậy lúc 6h sáng check và rà soát tin từ cộng tác viên. Và sau một ngày làm việc trên cơ quan, tối về nhà, vẫn thấy chồng thi thoảng nhắc nhở "Em ơi, 12h đêm rồi, chuẩn bị ngủ đi cho con còn ngủ với!".

Ngoài chạy tin bài hàng ngày cho mục phụ trách, mỗi ngày Minh còn giải quyết nhiều công việc khác như check mail, nói chuyện với cộng tác viên, họp hành, làm nghiệm thu... Thấy vợ mang bầu mà vẫn phải "làm việc như trâu", ông xã Minh xót và tỏ ý không bằng lòng ra mặt. "Cứ hễ kêu mệt là anh xã lại bắt nghỉ làm. Được cái, cuối tuần về nhà, chồng đều tranh thủ dọn dẹp nhà cửa giúp. Còn mình vẫn dính lấy cái máy, trang tin điện tử thì chẳng có ngày nghỉ vì ai cũng muốn đọc tin mới hàng ngày mà".

Làm báo mạng, Minh phải gắn bó với máy tính như hình với bóng. Vì thế mỗi khi mạng có sự cố hoặc hệ thống đường truyền hỏng cũng là một áp lực lớn với chị em chuyên "ngành" điện tử như Minh. "Lúc ấy, bằng mọi cách phải có mạng để up bài vở lên trang. Nếu mạng không sửa được, 3G cũng tậm tịt nốt thì chuyện 12h đêm còn lao ra hàng net hay ngồi cà phê Wifi là chuyện như cơm bữa".

Anh xã từng "kể tội" vợ rằng "Có hôm, 12h30 đêm còn đòi chồng đưa ra hàng net hoặc chỗ nào có wifi để ngồi up bài. Báo hại mình vừa đưa vợ đi vừa ngáp. Nhưng thôi vì công việc của vợ thì cố gắng một tí vậy!". Chính sự thấu hiểu và chia sẻ với nhau như thế, nên đến giờ đã tròn 5 năm Minh theo nghiệp báo mạng mà trong nhà chưa một lần hai vợ chồng phải to tiếng về giờ giấc làm việc của cô.


Làm việc cả ngày ở cơ quan, tối về, bà bầu này lại tiếp tục ngồi máy (Ảnh minh họa)

Công việc áp lực, bận rộn và thức đêm thức hôm là thế, nhưng Minh lúc nào cũng thấy thoải mái và tự hào với công việc của mình: “Ngày nào làm được tin hot, bài vở ổn định là mình vui cả ngày. Công việc tuy áp lực nhưng càng làm và va chạm nhiều, mình lại thấy thú vị và yêu nghề hơn. Bản thân không ngừng được trưởng thành, làm mới mình nhờ nghề báo đầy hấp dẫn này".

Bà bầu 7 tháng vẫn cười rất tươi khi khẳng định rằng, nếu được lựa chọn lại con đường nghề nghiệp một lần nữa, chắc chắn Minh vẫn sẽ chọn nghề báo. "Đã theo nghề là phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ. Điều này mình xác định từ khi mới bước chân vào làm. Nhiều lúc thấy mọi người thoải mái đi chơi, nghĩ cũng tủi thân. Nhưng rồi làm lâu cũng quen với áp lực bài vở. Thậm chí ngày nào bận việc không vào máy là thấy nhớ và lo lắng".

“Dành thời gian cho máy tính nhiều hơn chồng con”

Mỗi ngày, thấy Lan Phương đủng đỉnh dắt xe đi làm lúc 10h sáng, cả khu tập thể Khương Thượng đều khen Phương số sướng, đi làm nhàn hạ, 10h mới phải đến công ty. Lần nào nghe hàng xóm nói, Phương cũng chỉ cười trừ và chẳng bao giờ thanh minh. Thực tế, công việc vất vả và âm thầm của Phương chỉ có chồng và người thân mới hiểu được.


Nhìn bên ngoài, ai cũng nghĩ công việc của Phương nhàn hạ (Ảnh minh họa)

Gắn bó với báo điện tử gần 6 năm nay, 8 tiếng làm việc tại tòa soạn chưa bao giờ là đủ với bà mẹ một con này. Ngày nào, Lan Phương cũng phải chạy tin bài vở đến tận 2-3h sáng. Ngày "may mắn" thì được đi ngủ lúc 1h, là lúc chồng sẽ bảo "Hôm nay số lộc, lại được đi ngủ sớm!". Nhưng điện thoại thì chẳng dám tắt chuông lấy 1 phút vì sợ cộng tác viên gửi bài "hot".

Thứ 2 cũng như Chủ nhật, lúc đau ốm cũng như bình thường, ngày lễ ngày tết, người ta đi chơi thì những Biên tập viên như Phương lại phải ngồi nhà trực tin, nói chung không ngày nào là cô rời xa laptop. "Tính ra, thời gian mình dành cho máy tính còn nhiều hơn dành cho chồng con. Phải cố gắng lắm mình mới cho con gái một buổi đi chơi thoải mái" - Phương tâm sự.

Nhắc đến đây, người phụ nữ vốn năng động và mẫn cán số 1 của tòa soạn bỗng trầm giọng nói: "Vì phải làm việc muộn nên buổi tối, cố gắng lắm mình cũng chỉ dành được 2 tiếng cho con ăn và dạy con học. Cứ 10h tối, khi con đã ngủ là mình lại vào máy ngồi làm. Nói chung cả ngày chẳng dành được thời gian chơi với con nhiều. Ngày nghỉ càng vất vả hơn vì vừa trông con, vừa dọn dẹp nhà cửa, lại vừa phải làm việc như bình thường".

Ở vị trí Biên tập viên mục Xã hội của một báo điện tử nổi tiếng, công việc của Phương lại càng áp lực hơn, nhất là khi có con nhỏ. "Khi có sự kiện đột xuất, xin phép chồng không được thì đành phải trốn chồng con ra ngoài lấy tin bài. Nhiều lúc tin bài cần lên gấp, dù đã nửa đêm hoặc đang về nhà nội chơi cuối tuần thì vẫn phải bật máy lên làm".

Với Phương, "Áp lực bài vở không sợ, chỉ sợ nhất lúc con ốm. Những lúc ấy, mình vừa ở nhà chăm con, vừa phải online hoàn thành công việc. Rồi khi có tin bài lên gấp lại phải gọi điện nhờ đồng nghiệp hỗ trợ. Đồng nghiệp nào cũng nhiều việc, nhờ vả nhiều ngại lắm. Nhưng lúc ấy lực bất tòng tâm rồi". Một tâm sự rất thật của bà mẹ lúc nào cũng đau đáu về con, nhưng lại mẫn cán đến nỗi chẳng thể "bỏ rơi" công việc của mình, và cũng chẳng muốn nhờ vả ai làm hộ.


Nhiều lúc tin bài gấp, dù đang nửa đêm Phương vẫn phải bật máy lên làm (Ảnh minh họa)

Một nỗi khổ khó nói khác đối với bà mẹ một con làm báo này, là áp lực khi đi tác nghiệp, thậm chí có lần phải đi đêm với đồng nghiệp (thường là nam, nhiếp ảnh), hoặc phải nhập vai đóng thế để lấy tin. Thi thoảng cô vẫn đụng độ với... hàng xóm, người quen, thậm chí người quen của bố mẹ chồng. Nhiều người không hiểu chuyện lại xì xầm bàn tán Phương "linh tinh". "Cũng may chồng hiểu mình, hiểu công việc của mình nên không có sóng gió gì. Đồn đại như thế thấy ấm ức lắm, nhưng mình vẫn cố bỏ qua để gắn bó với nghề lâu hơn", cô chia sẻ.

Thế mới biết, phụ nữ làm báo điện tử đã khó khăn, chị em đã có con như H.Minh và Lan Phương lại càng vất vả. Nhưng thật lạ rằng, càng "nhọc" vì nghề bao nhiêu, họ lại càng say mê và yêu nghề bấy nhiêu. "Phận chị em làm báo, cần lắm sự cảm thông của gia đình và mọi người để mỗi lần cầm bút viết bài lại cảm thấy như mình đang có một điểm tựa vững chắc. Nói thật, nếu thiếu đam mê thì khó dấn thân vào nghề này lắm!", Lan Phương tâm sự.

Có lẽ, cái nghiệp làm báo đầy suy tư trắc trở này đã trở thành niềm đam mê khó dứt bỏ, khiến chị em biết là khổ đấy, mà vẫn chẳng thể "cai".

Chia sẻ