"Cháu muốn không còn ai bị giết như mẹ"

,
Chia sẻ

“Con không muốn khóc!Khóc không làm gì được!Con muốn khi lớn lên, sẽ làm điều gì đó để không còn ai bị giết như mẹ!”, cậu bé - con nạn nhân vụ giết người bỏ thùng xốp tâm sự.

Mỗi lần hỏi, tôi cảm thấy như mình đang chọc sâu vào sự ngây thơ đến lạnh lùng của cậu bé 12 tuổi vừa chịu cảnh mồ côi mẹ. Nhưng sau mỗi lời tâm sự chậm rãi, tôi hiểu rằng, cậu con trai duy nhất của chị Hoa không ngây thơ đến lạnh lùng!

Trong khi người chị 14 tuổi và em gái 8 tuổi tự nhốt mình trong nhà, đau đớn trước sự mất mát quá lớn, còn người cha kìm lòng đáp lễ những người đến viếng linh cữu chị Võ Thị Hoa, thì cậu bé Phạm Thành Trung, 12 tuổi, tay vẫn cầm chiếc điện thoại, thỉnh thoảng, em đứng lên cúi đầu chào khách.

Ký ức

Phải khó khăn lắm, tôi mới tiếp cận được Trung và hỏi những điều tế nhị, mà đúng ra không nên khơi dậy trong lúc tang gia đến với gia đình em như thế này! Nhưng trước cái chết có nguyên nhân đầy bí ẩn của chị Hoa, khiến tôi trở thành một kẻ vô tâm.

Không ngờ, sự vô tâm đó của tôi đã phá vỡ sự im lặng và lạnh lùng của cậu bé, trở thành tác nhân khiến Trung vỡ oà tất cả những gì cậu đang nhớ, đang nghĩ, sau cái chết oan nghiệt của mẹ cậu.

Chuyện đầu tiên, cậu nhớ về mẹ mình đó là khi chị Hoa còn bán hàng ở một căn-tin, thỉnh thoảng, Trung hay đến và xin mẹ ly sữa đậu nành. “Lúc đó nhà con còn khó lắm!”, Trung tâm sự với ánh mắt xa xăm.

“Khi xưa con rất thích uống sữa!”, cậu bé cho biết thêm. Rồi một hôm, chị Hoa không còn bán ở căntin kia nữa. Trung kể, lúc đó cậu rất buồn, vì nghĩ, nếu mẹ không còn bán hàng ở căn-tin nữa, thì cậu sẽ không có sữa để uống nữa. Cậu tâm sự với chị Hoa về “nỗi lo” đó của mình.


Phạm Thành Trung (ảnh nhỏ góc trái): "Con muốn làm điều gì đó để không còn ai bị giết như mẹ!”. Ảnh: Phan Công

“Nhưng mẹ con nói, không sao, mẹ vẫn làm sữa cho con uống mỗi ngày! Lúc đó con vui lắm!”, vẫn ánh mắt xa xăm, Trung nhớ lại. Chị Hoa không còn buôn bán nữa, chị ở nhà và có thời gian chăm sóc 3 đứa con của mình hơn và Trung được uống sữa thường xuyên do chính tay mẹ cậu làm.

Cả nhà sống nhờ tiền lương anh Phạm Văn Tinh, cha của Trung, kiếm được từ nghề lái xe container tại Tân Cảng.

“Thời gian sau, con thấy mẹ bận, đi lại suốt, lúc ở nhà thì hay nghe điện thoại, nên cũng không đòi hỏi gì. Với lại, lúc đó con cũng có thể tự lo cho mình được rồi, nên khi nào muốn uống sữa thì chạy ra ngoài mua”, cậu bé kể.

Trung nói, cậu biết ông Sơn (Châu Hùng Sơn, nghi can trong cái chết của chị Hoa), ông này hay đến nhà mượn tiền chị Hoa. Cậu còn cho biết, người này là một trong những khách quen, được chị Hoa tin tưởng nên cho mượn tiền nhiều lần.

Trung là người rất biết quan tâm đến người thân của mình, cậu bé nói, thật ra mẹ của cậu không có tiền. Nói là cho người khác mượn tiền, nhưng chị Hoa chỉ là trung gian, mượn tiền của người này đưa cho người kia lúc họ cần, rồi kiếm thêm mấy đồng tiền lời, phụ với cha cậu nuôi chị em Trung.

Bỗng dưng câu chuyện trở nên ngột ngạt, khi cậu bé nhớ lại những lần nghe chị Hoa nói chuyện qua điện thoại với ông Sơn. Đó là những lúc chị Hoa nhắc ông Sơn trả tiền nợ. Và đến buổi trưa ngày 14/12, chị Hoa ra khỏi cửa căn nhà cấp 4 bên chân cầu Sài Gòn, để đến nhà ông Sơn, đó là lần cuối cùng Trung nhìn thấy mặt mẹ.

“Con muốn làm điều gì đó…”

Đôi mắt một mí khiến gương mặt sạm đen của Trung thêm cương nghị đến lạnh lùng trong bộ đồ tang trắng toát. Trung chẳng tìm được từ nào để nói về cảm giác của mình lúc này, nhưng ai cũng hiểu em đang chống chếnh, dù cậu bé cố tỏ ra mình là người rắn rỏi.

“Khi đến Bệnh viện Dĩ An nhận xác cậu Thắng (nạn nhân thứ 2 trong vụ án mạng - PV) và mẹ, thấy dì mặc chiếc áo khoác của mẹ cho, nhưng miệng con cứ gọi dì là mẹ, dù trong suy nghĩ vẫn biết mẹ nằm trong kia…”, Trung dừng lời một cách đột ngột, mặt quay đi.


Châu Hùng Sơn, nghi can chủ mưu vụ giết chị Hoa và anh Thắng tại cơ quan điều tra. Ảnh: P.C
Thấy tôi thắc mắc vì sao gương mặt của cậu cứ lạnh lùng, bình thản như chẳng có chuyện gì, trong khi các chị em của Trung và cả cha của cậu, trên gương mặt của họ đều thấy rõ nỗi đau đớn.

“Mọi chuyện đã xảy ra, con muốn để mọi chuyện đi qua! Con không muốn khóc! Khóc không làm gì được! Chỉ làm cho mọi người thêm lo lắng!”. Tôi không nghĩ mình đang nói chuyện với cậu bé 12 tuổi.

“Sau chuyện đau lòng này, có làm em thay đổi những ước mơ của mình trong tương lai?”, “Con muốn khi lớn lên, sẽ làm điều gì đó, để không còn ai bị giết như mẹ!”, Trung trả lời.

Sau cái vỗ vai Trung, thay lời chia sẻ sự mất mát của cậu, tôi muốn nói với em, không chỉ có cậu, cả tôi và tất cả mọi người đều mong muốn điều đó! Nhưng để làm được điều đó, chỉ vài người thì không thể! Nên đằng sau mỗi bản tin về những vụ án mạng, đó là lời cảnh tỉnh về lương tri của mỗi người!

Căn nhà cấp 4 của cha con Trung ở ngay chân cầu Sài Gòn, từ nay sẽ vắng bóng người mẹ!

Theo Phan Công/ VNN

* Đến ngày 17/12, có 4 nghi can (liên quan đến vụ giết người bỏ xác vào thùng xốp) bị bắt khẩn cấp gồm: Châu Hùng Sơn (SN 1960, ngụ Nơ Trang Long, phương 12, quận Bình Thạnh), Nguyễn Xuân Công (SN 1989), Thạch Điền Long (SN 1988) và Đoàn Văn Hai (SN 1989, đều ngụ Q.2).

Tại cơ quan điều tra, Châu Hùng Sơn khai nhận: Tháng 1/2007 Sơn có vay của chị Võ Thị Hoa 300 triệu đồng, với lãi suất 6%/tháng. Đến tháng 12/2008, tổng số tiền lãi và gốc của Sơn lên đến 600 triệu. Sau nhiều lần chị Hoa đòi nợ, nhưng Sơn không đủ khả năng chi trả nên nảy ý định giết người xù số nợ.

Sơn nhờ một người bạn tên Tâm tìm một băng nhóm giang hồ để dằn mặt chị Hoa và Sơn đã thuê được 3 đối tượng cùng bị bắt trên với giá 3 triệu đồng

Khi chị Hoa nhận được điện thoại của Sơn thông báo việc trả nợ đã cùng anh Trần Quyết Thắng (em họ) đến nhà Sơn để lấy tiền. Lúc đến nhà, chưa kịp ngồi, Sơn đã ra tín hiệu cho Công, Long, và Hai xông ra khống chế, bịt miệng 2 nạn nhân và trói lại.

Xong việc, Sơn thanh toán tiền thu lao, nhóm giang hồ đi về. Còn Sơn khóa cửa lại, dùng dây điện một đầu nối với ổ cắm điện, đầu còn lại gí vào người 2 nạn nhân cho đến khi tắt thở. Trước khi đưa 2 nạn nhân vào thùng xốp để phi tang, Sơn đã lấy đi 2 ĐTDĐ và tiền mặt có trong người 2 nạn nhân

* Cùng ngày, thi thể của anh Trần Quyết Thắng đã được chuyển về Nam Định, an táng tại quê nhà.

Chia sẻ